Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinÔng Trump sẽ dùng mọi phương tiện gây áp lực với Bắc...

Ông Trump sẽ dùng mọi phương tiện gây áp lực với Bắc Kinh?

Donald Trump có sử dụng “con bài Đài Loan” để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông làm ao nhà, thì cũng chỉ là “bắt chước” các chiêu thức …

Giáo sư Pang Zhongying, Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 21/1 đưa tin, giới phân tích Trung Quốc tin rằng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dùng mọi phương tiện, làm tất cả mọi thứ có thể để gây áp lực lên Bắc Kinh.

Theo các nhà quan sát này, Trung Quốc nên sẵn sàng cho một cuộc đối đầu thương mại lớn với Mỹ. Tổng thống Donald Trump sẵn sàng gắn các tranh chấp thương mại với các vấn đề chính trị.

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm thứ Sáu, ông Donald Trump cam kết một trong những ưu tiên của mình là mang lại công ăn việc làm trở lại nước Mỹ. Ông sẽ đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết trong xây dựng chính sách đối ngoại.

Sau phát biểu của ông Trump, Nhà Trắng công bố một bản phác thảo chiến lược của ông, trong đó nói Mỹ sẽ “trừng trị thẳng tay những quốc gia vi phạm hiệp định thương mại và gây tổn hại cho người lao động Mỹ”.

Washington sẽ sử dụng mọi công cụ theo ý đồ của chính phủ liên bang để kết thúc việc lạm dụng này, tuyên bố của Nhà Trắng lưu ý.

Pang Zhongying, một chuyên gia về các vấn đề Hoa Kỳ tại Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh bình luận, phát biểu của ông Donald Trump cho thấy cách tiếp cận mang nặng chủ nghĩa dân túy. Ông nói:

“Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ không tập trung vào khía cạnh tư tưởng, mà chuyển sang mặt trận kinh tế.

Một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như là không thể tránh khỏi. Trump sẽ làm mọi thứ có thể để ép Trung Quốc phải nhượng bộ.

Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, mặc dù sự phát triển có thể không xấu đến mức chúng tôi dự kiến”.

Liu Qing từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cố vấn đặc biệt của chính phủ nước này dự kiến, Washington sẽ áp đặt thuế quan và các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo nhà phân tích này:

“Trump cũng có thể có hành động gián tiếp chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như tăng áp lực lên các nước láng giềng của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thương mại khu vực, qua đó làm tổn hại lợi ích Trung Quốc.

Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn cho an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên ngoài những thách thức lớn, vẫn có khả năng hợp tác.

Trung Quốc có một lợi thế lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng tôi sẽ thu hút Mỹ về phía mình, với sáng kiến Một vành đai, một con đường và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.

Trên quan điểm của Trung Quốc, chúng ta không nên tranh cãi, phản ứng với mỗi lời Trump nói, mà cần có một tầm nhìn và tư duy chiến lược dài hạn trong làm việc với Tổng thống mới của nước Mỹ”.

Người viết cho rằng, học giả Pang Zhongying khá sắc sảo khi đưa ra nhận định, cạnh tranh Trung – Mỹ sẽ có thể chuyển hướng từ ý thức hệ sang mặt trận kinh tế.

Tuy nhiên trong thực tế, xã hội Trung Quốc có nhìn nhận nước Mỹ như một đối thủ cạnh tranh kinh tế – thương mại toàn cầu hay vẫn nặng về đối thủ ý thức hệ còn cần thêm thời gian kiểm chứng.

Nhận định của các nhà nghiên cứu Trung Quốc rằng Donald Trump sẽ liên kết các vấn đề chính trị với các vấn đề kinh tế để gây áp lực lên Bắc Kinh bằng mọi giá, thực ra chính là cách Trung Quốc vẫn ứng xử với các nước khác.

Đã có nhiều hãng thông tấn quốc tế đưa tin, Trung Quốc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại, xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp nước ngoài đang có mâu thuẫn, trục trặc với Trung Quốc trong lĩnh vực đối ngoại…

Ví dụ gần đây nhất là việc 9 xe bọc thép của Singapore bị giữ lại tại Hồng Kông trên đường trung chuyển từ Đài Loan về nước, đến giờ vẫn chưa được trả lại.

Sớm hơn nữa, một số doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh tại Hoa lục, kể cả lĩnh vực giải trí tưởng chừng không liên quan nhiều đến chính trị, cũng bị nước sở tại gây khó dễ sau khi Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ nước mình.

Chuối và các mặt hàng nông sản Philippines xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng từng có thời kỳ trở thành nạn nhân các chính sách hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh khi Manila khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài sau sự cố Scarborough.

Do đó, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump có sử dụng “con bài Đài Loan” để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông làm ao nhà, thì cũng chỉ là “bắt chước” các chiêu thức quen thuộc từ Trung Nam Hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới