Nhật Bản đang có ý định đề xuất một dự luật nhằm cho phép cung cấp trang thiết bị quốc phòng đã qua sử dụng cho nước ngoài.
Rào cản lớn sắp được gỡ bỏ?
Chinanews ngày 19/1 dẫn nguồn tin từ truyền thông Nhật Bản tiết lộ, chính phủ nước này sẽ đệ trình lên phiên họp thường niên của quốc hội diễn ra hôm 20/1 dự thảo sơ bộ về việc cho phép Tokyo cung cấp cho nước ngoài các trang thiết bị quốc phòng đã qua sử dụng với chi phí thấp hoặc dưới dạng viện trợ không hoàn lại.
Đối tượng chủ yếu là Philippines, Việt Nam và một số quốc gia thành viên khác thuộc khối ASEAN, mục đích nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng và cải thiện khả năng của họ.
Pháp luật hiện hành của Nhật Bản quy định về tài sản nhà nước như sau “Nếu không có giá cả thích hợp, không được chuyển nhượng và cho vay”.
Nguồn tin chính phủ cho biết, các phương án liên quan sẽ thiết lập quy tắc mới như một ngoại lệ đặc biệt, giúp việc cung cấp những trang thiết bị đã qua sử dụng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) như tàu tuần tra, tàu chiến, máy bay (không bao gồm vũ khí và đạn dược) trở nên khả thi.
Trước đây, nhiều nước ASEAN vì tình hình tài chính hay một số yếu tố khác nên rất khó mua độc lập các trang thiết bị từ Nhật Bản, nếu dự luật này vượt qua được cuộc bỏ phiếu thì sẽ là cơ hội cực lớn để vũ khí Nhật Bản xuất hiện tại khu vực Đông Nam Á.
Những vũ khí nào của Nhật Bản có thể phù hợp với Việt Nam?
Vào tháng 6/2016, thông tin trên tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn nhận được các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C ngừng hoạt động của nước này.
Một nguyên nhân là do sau khi thực hiện một số cuộc đàm phán cụ thể với Tập đoàn Lockheed Martin, Việt Nam nhận thấy giá thành một chiếc P-3C Orion đã qua sử dụng của Mỹ lên tới 80 – 90 triệu USD.
Chính vì vậy, như một biện pháp thay thế, Việt Nam đang hướng tới việc đề nghị được mua lại các máy bay cũ rẻ hơn từ Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Ngoài ra, Nhật Bản có khả năng giao máy bay ngay, và có thể hỗ trợ Việt Nam trong huấn luyện. Một số máy bay P-3C của Nhật cũng được đánh giá cao về chất lượng do “nghỉ hưu” chưa lâu.
Bên cạnh P-3C, Việt Nam cũng có thể hướng sự chú ý tới những tàu chiến sắp bị loại biên của Nhật Bản. Đặc thù của Hải quân Đất nước Mặt trời mọc là nhiều chiến hạm của họ “nhận sổ hưu” khi tuổi đời còn khá trẻ, hoàn toàn đủ sức phục vụ thêm một thời gian rất dài nữa.
Xét về nhu cầu cụ thể của Việt Nam, có hai lớp tàu sau đây được đánh giá là nhiều tiềm năng do lượng giãn nước của chúng ở mức vừa phải.
Đầu tiên là các khu trục hạm cỡ nhỏ 4.000 tấn thuộc lớp Hatsuyuki được đóng trong giai đoạn đầu thập niên 1980. Ngoài 2 chiếc vẫn đang phục vụ, 4 chiếc bị hoán cải thành tàu huấn luyện, thì có 6 tàu khác đã nghỉ hưu và được đưa sang thành phần dự bị.
Nếu cảm thấy Hatsuyuki hơi lớn và đã cũ, Việt Nam có thể nhìn sang lớp Abukuma, đây là các khinh hạm đa năng lượng giãn nước 2.500 tấn, chiếc đầu tiên đã vào biên chế từ năm 1989, trong khi chiếc “trẻ” nhất cũng đã phục vụ từ năm 1993, thời gian “nhận sổ hưu” đã cận kề trước mắt.
Đây đều là những chiến hạm đa năng, đảm nhiệm tốt cả vai trò phòng không, chống ngầm lẫn chống tàu mặt nước.
Cần nói thêm là mặc dù dự luật của Nhật Bản không cho phép viện trợ các loại đạn dược đã qua sử dụng kèm theo tàu chiến hoặc máy bay, tuy nhiên đây là những mặt hàng hoàn toàn có thể mua mới hoặc thậm chí thay thế bằng loại tương đương do một quốc gia khác sản xuất.
Hy vọng rằng khi rào cản lớn cuối cùng được gỡ bỏ, với quan hệ hợp tác ngày càng gắn bó bền chặt, vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự của Nhật Bản sẽ sớm có mặt tại Việt Nam.