Bất lực trước sự chia rẽ nội bộ và sức mạnh nước Nga, châu Âu tiếp tục đổ lỗi cho Moskva âm mưu can thiệp vào các cuộc bầu cử.
Đoán định ý đồ Nga
Trang “euractiv.fr” của Pháp vừa có bài viết nhan đề “Kremlin dự định gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử tại châu Âu”. Theo đó, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Điện Kremlin muốn tiến hành chiến dịch gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử tại châu Âu, nhất là tại Pháp và Đức.
Bài báo dẫn lời một nhà hoạt động người Nga có tên là Ilya Yashin nhận định mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “phá bỏ” Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, quan điểm của Tổng thống Putin là EU phải được tạo thành từ những quốc gia không thuần nhất, bị chia rẽ và bị chi phối bởi những vấn đề trong nội bộ của từng quốc gia và không có khả năng thống nhất quan điểm nhằm ngăn cản ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Moskva trên trường quốc tế.
Ông này cũng nhận xét rằng Kremlin đang tìm cách đưa những “người bạn thân thiết với Moskva” lên nắm quyền tại Ukraine, đồng thời sử dụng các cách thức tấn công tổng hợp để gây ảnh hưởng tới dư luận tại các nước chủ chốt ở châu Âu, như Pháp, Đức, Hà Lan, CH Séc.
Trong năm 2017 một loạt các cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra tại các nước. Vào ngày 15/3, cử tri Hà Lan sẽ đi bỏ phiếu để qua đó tìm ra một chính phủ mới. Tại Pháp, vòng bầu cử tổng thống đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23/4 và sau đó là vòng bầu cử thứ 2 vào ngày 7/5. Nước Đức sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào mùa Thu tới để bầu ra một quốc hội mới, nhưng chưa ấn định ngày cụ thể. Cuối cùng là cuộc bầu cử lập pháp tại CH Séc sẽ diễn ra vào tháng 10/2017.
Dù Nga bác bỏ mọi cáo buộc đang tìm cách gây chia rẽ EU, song báo chí và ngay cả các quan chức châu Âu vẫn tiếp tục tung tin rằng Nga đang sử dụng “cuộc chiến phức hợp” nhằm tấn công “cơ sở hạ tầng quan trọng” tại một số nước EU.
Trang mạng của Pháp dẫn lời quan chức EU “giấu tên” ám chỉ Nga đang gây ra mối đe dọa bao trùm từ hoạt động gián điệp cho đến các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp thông tin, dữ liệu để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể khác nhau cả về thương mại lẫn chính trị.
Ông Ilya Yashin cho rằng Tổng thống Putin đang muốn giành lại việc kiểm soát không gian hậu Xô Viết, đồng thời làm tất cả những gì có thể để thiết lập lại khu vực ảnh hưởng này của Kremlin.
Binh sĩ Nga bất ngờ xuất hiện tại Crimea hồi đầu năm 2014 |
Trong bối cảnh đó, đối với EU thì điều quan trọng nhất là phải duy trì sự đoàn kết thống nhất, không được có bất cứ thỏa hiệp nào về vấn đề Ukraine.
Cũng theo Ilya Yashin, ông Putin và ông Donald Trump sẽ không ký kết một hiệp định Yalta mới. Cuộc họp Yalta trước đây diễn ra vào tháng 2/1945 đã gây ra sự chia cắt châu Âu hậu chiến tranh thành hai vùng ảnh hưởng và sau đó mở ra con đường cho cuộc Chiến tranh Lạnh. Do vậy, ông Trump sẽ không thể một mình đưa ra quyết định này bởi vì Chính phủ Mỹ sẽ không để ông Trump làm điều đó.
Ông Ilya Yashin cho rằng EU cần phải phát triển các phương tiện chống lại các cuộc tấn công hỗn hợp. Theo đó, một cơ chế chính có thể được áp dụng đó là trừng phạt cá nhân chứ không phải áp dụng các lệnh trừng phạt vào các lĩnh vực chống lại nền kinh tế châu Âu.
Những lệnh trừng phạt áp dụng với cá nhân được căn cứ vào trách nhiệm riêng của những cá nhân liên quan đến cuộc xung đột. Biện pháp trừng phạt này không chỉ được áp dụng đối với quan chức mà còn với các thành viên tích cực trong bộ máy tuyên truyền của Nga.
“Những người bạn của Putin”
Những cáo buộc của báo chí và chính giới châu Âu nhằm vào Nga liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhân vật được đánh giá có quan điểm “thân” Nga đang nổi lên ở các nước EU.
Marine Le Pen- nhân vật triển vọng để trở thành Tổng thổng Pháp- dẫn dắt các đảng dân túy cánh hữu của châu Âu trong một hội nghị tại Đức vào ngày 21/1 để phô trương sức mạnh trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra trong năm nay ở khu vực này.
Hội nghị diễn ra ở thành phố Koblenz với sự có mặt của Geert Wilders- chính trị gia cực hữu Hà Lan thuộc đảng Tự do, Frauke Petry- Chủ tịch đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo quan điểm phản đối người nhập cư, và Matteo Salvini- lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc của Italy.
Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc (FN) ở Pháp |
Đây được coi là một “hội nghị thượng đỉnh chia rẽ châu Âu” khi nó được tổ chức chỉ 1 ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trong một thông báo về cuộc họp này trên mạng xã hội Twitter, ông Wilders đã sử dụng cụm từ “WeWillMakeOurCountriesGreatAgain” (Chúng tôi sẽ đưa các nước của chúng tôi vĩ đại trở lại), như một cách chơi chữ với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” từng giúp ông Trump thắng cử.
Ludovic de Danne- cố vấn của bà Le Pen- nói với hãng AFP: “Mục đích (của hội nghị) là để bàn về sự tự do cho châu Âu và cho người dân châu Âu. Hãy để chúng tôi phá vỡ sự ràng buộc của EU và của sự toàn cầu hóa”. Hội nghị này được tổ chức bởi nhóm Các quốc gia và tự do châu Âu (ENF) thuộc Nghị viện châu Âu do bà Le Pen thành lập vào năm 2015, bao gồm các đảng cánh hữu từ 9 quốc gia thành viên.
Ông Geert Wilders chụp ảnh selfie cùng bà Le Pen tại hội nghị các đảng cánh hữu châu Âu tại Koblenz, Đức ngày 21/1 |
Hội nghị diễn ra trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu vào những tháng tới. Tại Hà Lan, Chủ tịch đảng Tự do chống lại đạo Hồi Geert Wilders hi vọng sẽ kích hoạt một cơn “chấn động” chính trị đầu tiên trong năm 2017 ngay khi ông dẫn đầu cuộc thăm dò dân ý trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 3.
Tiếp theo sẽ là bà Le Pen, người được cho là sẽ tiến vào vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào tháng 5 tới. Bà sẽ tranh luận dựa trên nền tảng chống nhập cư và quan điểm “người Pháp là trên hết”.
Tại Đức, đảng AfD mới nổi đã bắt đầu chương trình tranh cử của mình như một đảng chống lại đồng euro. Tỷ lệ đảng này hiện đang ở mức 12-15% và nhiều khả năng sẽ trở thành đảng cánh hữu đầu tiên bước vào Quốc hội Đức kể từ năm 1945.
Thực tế trên cho thấy sự chia rẽ nảy sinh từ chính các vấn đề nội bộ của các nước châu Âu. Nếu nói về sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, châu Âu phải tự vấn lương tâm với các cuộc đánh bom Libya, mang quân và vũ khí tới Iraq hay các báo cáo thường niên về tình hình một loạt nước trên thế giới.
Đối với Nga, châu Âu cũng muốn thực hiện các hành động tương tự, nhưng có lẽ không đủ khả năng. Trước nguy cơ thất bại ngay trên sân nhà và sự bất lực trước người Nga, một số ít trong giới tinh hoa châu Âu phải chăng đang “giận cá chém thớt”?