Hôm qua là nước Mỹ tự do, ngày mai sẽ là một châu Âu tự do, nếu giới lãnh đạo châu Âu vẫn chưa chịu thức giấc và lắng nghe Trump…
Reuters ngày 21/1/2017 đưa tin, lãnh tụ Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen kêu gọi cử tri châu Âu theo gương người Mỹ và người Anh, hãy “thức giấc” vào năm 2017.
Bà Le Pen phát biểu tại cuộc họp các nhà lãnh đạo cánh hữu châu Âu, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa những người có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, cổ suý tinh thần : “Tự do cho châu Âu”.
Bà Le Pen cho rằng : “Lá phiếu của người Anh đưa ra quyết định cuối cùng là nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã tạo cơ sở cho một hiệu ứng domino-exit với EU. 2016 là năm mà thế giới Anglo-Saxon đã tỉnh dậy. Tôi tin tưởng rằng năm 2017 sẽ là năm mà người dân của lục địa châu Âu thức dậy”.
Bà Le Pen nhấn mạnh : “Yếu tố quan trọng cho domino-exit chính là quyền tự quyết dân tộc. Một dân tộc có chủ quyền sẽ thực hiện sự lựa chọn để quyết định số phận của chính mình. Sau Brexit, đến lượt ông Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, điều đó cho thấy quyền tự quyết đã được tôn trọng và thể hiện”.
Hiện nay lực lượng cánh hữu đang được cổ súy và ủng hộ bởi tổ chức Tổ quốc và Tự do tại châu Âu (ENF), đứng đầu là một nhóm nghị viên trong Nghị viện châu Âu (EP). Họ hy vọng sẽ có những đột phá trong mùa bầu cử 2017 tại châu Âu, từ đó có thể thay đổi vị thế của họ trong đời sống chính trị tại nhiều quốc gia châu Âu, nhất là tại các nước thành viên EU quan trọng.
Như vậy là việc đánh thức châu Âu không chì bởi những lực lượng đang muốn bước lên vũ đài chính trị mà còn bởi ngay lực lượng đang tham gia chi phối sân khấu chính trị tại châu Âu.
Liệu hy vọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc ấy có cơ hội trở thành hiện thực, liệu châu Âu đã tỉnh giấc sau Brexit và hiệu ứng Trump?
Châu Âu đã có một giấc ngủ quá dài
Có thể thấy rằng, việc tái thiết Châu Âu thời hậu Thế chiến II với Kế hoạch Marshall là một công việc vĩ đại trong thế kỷ 20. Lợi ích Mỹ đã nhanh chóng làm hồi sinh Châu Âu, dù không tạo ra những thần kỳ như Nhật Bản và Israel, nhưng giá trị của nó thì không thua gì những thần kỳ trong xây dựng và phát triển thời hậu chiến, bởi tầm mức vĩ đại của Kế hoạch Marshall.
Nền kinh tế Châu Âu – mà cụ thể là các nước Tây Âu – nhanh chóng được khoác những chiếc áo mới và dần tỏ ra vượt trội so với phần phía đông của Châu Âu được sự trợ giúp của Liên Xô – một thực thể vừa phải khôi phục đất nước, vừa phải giúp đỡ đồng minh. Mức sống của người dân Tây Âu được nâng cao, nhu cầu tinh thần dần trở thành ưu tiên quan trọng trong đời sống xã hội.
Để bảo vệ những thành quả đã khôi phục và tạo dựng được bởi lợi ích Mỹ, Washington và các đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương đã thiết kế một hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ – Châu Âu, mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời đã hiện thực hoá ý tưởng đó. Tổ chức quân sự được bảo trợ bằng sức mạnh Mỹ, do vậy gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.
Khi chất lượng đời sống được nâng cao bởi lợi ích Mỹ, sự an toàn của đời sống được bảo đảm bắng sức mạnh Mỹ, điều đó khiến cho nhu cầu của người Châu Âu hướng tới mức cao hơn trong thang nhu cầu của con người. Đó là thoả mãn nhu cầu tinh thần và nhu cầu được thể hiện mình trong cộng đồng xã hội.
Trước bối cảnh đó, nguyên tắc tự do – dân chủ, cốt lõi hình thành nên giá trị Mỹ, đã nhanh chóng được phổ quát tại Châu Âu. Trung tâm của thế giới tự được mở rộng giữa hai bên bờ Đại Tây Dương, hình thành nên giá trị truyền thống phương Tây.
Hàng loạt những nguyên tắc mới được xây dựng và mở rộng, khiến cho giá trị truyền thống Âu – Mỹ dần trở thành nguyên tắc nền tảng cho đời sống xã hội tại châu Âu.
Như vậy là bộ mặt của Châu Âu thời hậu Thế chiến II đã không còn vết tích của một cuộc chiến ác liệt ngày nào, mà đã được đổi thay đến tận gốc rễ. Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ đã giúp cho xã hội châu Âu được ổn định, kinh tế được tạo đà phát triển. Điều đó khiến cho châu Âu gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và như dần chìm vào một giấc ngủ êm ái.
Ngay cả khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống các nước XHCN tan rã thì châu Âu cũng chỉ trở mình, chứ không choàng tỉnh giấc, vì với họ thì Liên Xô mất đi dường như chỉ là cơn ác mộng đã qua.
Người Mỹ đã đánh thức châu Âu
Có thể thấy rằng giới chính trị truyền thống Mỹ quá tự tin vào vị thế thống soái của Washington thời hậu Thế chiến II với châu Âu khiến họ bảo thủ, không làm mới cho quan hệ Mỹ – Châu Âu. Chính vỉ vậy sự lệch pha ngày càng lớn giữa đời sống chính trị Mỹ với đời sống xã hội Mỹ cũng chính là thực tế tại Châu Âu.
Khi tỷ phú Trump ra tranh cử Tổng thống Mỹ, tạo ra nhiều khác biệt trên đường đua đã làm cho giới chính trị Mỹ giật mình về sự tụt hậu của họ. Hiệu ứng Trump đã thẩm định lại hàng loạt giá trị của nước Mỹ đã phổ quát ra thế giới, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc dân chủ Mỹ.
Hiệu ứng Trump chứng minh cấu trúc của hệ thống chính trị Mỹ đã tụt hậu so với các trụ cột khác trong cấu thành giá trị Mỹ, tạo nên sức mạnh Mỹ và đó chính là nguy hại với Châu Âu vốn chịu ảnh hưởng quyết định của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thức Châu Âu vể nguy cơ và trách nhiệm của mình |
Do vậy, chiến thắng của ôngTrump không chỉ là một chiến thắng chính trị đơn thuần, chỉ là chiến thắng của sự đổi mới trước sự bảo thủ trong đời sống chính trị Mỹ, mà nó còn tạo hiệu ứng đổi thay tại nhiều nơi, nhiều quốc gia được bảo trợ bởi sức mạnh Mỹ, được phổ quát bởi giá trị Mỹ, được xây dựng bởi lợi ích Mỹ. Đó được xem là cơn gió mạnh thổi tới bờ bên kia Đại Tây Dương.
Khi ông Trump cho rằng NATO đã lỗi thời thì không có nghĩa chỉ là cảnh báo sự nguy hại của cấu trúc an ninh chung Mỹ – châu Âu được thiết lập gần 70 năm mà gần như không có một lần đại tu, chỉnh sửa, cho dù nước Pháp có tới 43 năm không nằm trong bộ chỉ huy tiền phương của tổ chức quân sự hùng mạnh này.
Điều đó cần phải được xem là lời cảnh báo của người đứng đầu nhà nước Mỹ tới các đồng minh tại châu Âu về trách nhiệm của mình đối với công cụ bảo vệ sự an nguy cho chính mình.
Châu Âu không thể mãi yên bình bởi sự bảo trợ của sức mạnh Mỹ rồi lãng quên dần trách nhiệm của chính mình. Cho dù Thủ tướng Đức Merkel phản pháo rằng người châu Âu luôn có trách nhiệm với việc làm của mình, song thực tế thì sức mạnh Mỹ vẫn đang đảm bảo cho châu Âu yên ổn.
Khi ông Trump ngợi ca Brexit, cảnh bào nguy cơ domino-exit đối với EU, đó không chỉ là lời cảnh báo cho sự sụp đố khó tránh khỏi của một ngôi nhà liên tục cơi nới mà các chủ nhân của nó quên rằng móng trụ của ngôi nhà không thể chịu đứng thêm.
Cho dù Tổng thống Pháp Hollande cho rằng người châu Âu tự biết mình làm gì mà không cần người khác dạy bảo, song lời cảnh báo của ông Trump đã là thực tế của EU.
Ông Geert Wilders, lãnh tụ đảng Đảng Tự do Hà Lan (PVV) – một đảnh chính trị cánh hữu tại Hà Lan, đang dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò lớn trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội tại quốc gia này – đã cho rằng: “Hôm qua là một nước Mỹ tự do và ngày mai sẽ là một châu Âu tự do”, theo tường thuật của Reuters. Có lẽ điều đó sẽ trở thành hiện thực nếu giới lãnh đạo châu Âu vẫn chưa chịu thức giấc và lắng nghe Trump.