Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNguồn gốc của số tài sản khổng lồ của Thứ trưởng Công...

Nguồn gốc của số tài sản khổng lồ của Thứ trưởng Công thương

Dư luận có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi khi Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sở hữu số tài sản lớn tại Bóng đèn Điện Quang.

Bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu số tài sản lên tới 102 tỷ đồng tại Bóng đèn Điện Quang

Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kiểm tra

Ngày 25/1, nhiều tờ báo đưa tin, hiện nay Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình đang sở hữu khối tài sản lên tới hơn 718 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Theo nguồn tin, trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 2000 bà Thoa giữ chức vụ Tổng giám đốc và kiêm nhiệm chức Chủ tịch của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) trong 5 năm từ 2005-2010.

Mặc dù, rời Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang về công tác tại Bộ Công Thương từ năm 2010 với chức danh Thứ trưởng nhưng bà Thoa vẫn sở hữu cổ phần với giá trị tương đối lớn tại doanh nghiệp này.

Tính đến ngày 30/11/2016, bà Thoa nắm giữ 1.686.415 cổ phiếu DQC, tương đương với 4,91% vốn, với giá trị ước tính lên tới 102 tỷ đồng.

Ngoài ra các thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu và các con gái của Thứ trưởng hiện tại vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu khối tài sản lớn không kém tại Bóng đèn Điện Quang.

Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho biết do bà Hồ Thị Kim Thoa đang làm Thứ trưởng nên theo phân công nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

“Thanh tra Chính phủ không kiểm tra mà chỉ nắm tình hình để báo cáo theo kênh của Thanh tra thôi. Vì bà Thoa là Thứ trưởng nên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu có dấu hiệu của Đảng viên vi phạm thì họ phải kiểm tra, xem xét còn Thanh tra Chính phủ chỉ nắm chung để báo cáo”, ông Đạt khẳng định.

Về số tài sản bà Thoa nắm giữ tại Bóng đèn Điện Quang lên tới 102 tỷ đồng, ông Đạt cho rằng do chưa có bằng chứng cụ thể nên không thể khẳng định số tiền trên là ít hay nhiều, đúng quy định của pháp luật hay không.

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kiểm tra thông tin trên thì mới xác định số tài sản trên có đúng quy định của pháp luật hay không.  Phải kiểm tra thì mới kết luận chính xác được”, ông Đạt nhấn mạnh.

Dư luận có quyền nghi ngờ

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn – ĐBQH Đà Nẵng cho rằng việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình đang sở hữu một khối lượng tài sản lớn tại Bóng đèn Điện Quang dư luận nghi ngờ cũng không có gì quá bất ngờ, ngạc nhiên.

“Tôi cũng quan tâm đến vấn đề này. Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp. Khi dư luận đã nghi ngờ thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề và trả lời cho dư luận: số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào? Nếu có vấn đề thì vấn đề này nằm ở đâu? Trong cơ chế chính sách của chúng ta vướng hay họ vi phạm pháp luật thì cũng cần phải làm rõ. Nếu cần thì phải công khai với các ĐBQH”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho rằng do hiện nay bà Hồ Thị Kim Thoa đang công tác tại Bộ Công Thương nên ngoài Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì Bộ này cũng có trách nhiệm kiểm tra, xem xét các nghi vấn mà báo chí phản ánh.

Nói thêm về việc Thủ tướng Chính phủ vừa mới ra quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Hồ Thị Kim Thoa vì có liên quan đến một số quyết định bổ nhiệm, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh thời nguyên Bộ Trưởng Công Thương  Vũ Huy Hoàng, ông Sơn đánh giá đây là hình thức kỷ luật không phải nặng.

“Tôi không cho rằng đó là nặng. Nhưng nó nặng hay nhẹ hay đúng mức thì phải soi vào câu chuyện cụ thể. Đó là Thứ trưởng sai phạm những việc gì?

Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến việc xử lý cán bộ cấp cao, kể đối với ông Vũ Huy Hoàng. Việc này liên quan đến vấn đề thể chế của chúng ta, nhiều khi nó chưa kín kẽ và chặt chẽ. Vừa rồi Quốc hội mới ban hành Nghị quyết và giao cho Chính phủ nhanh chóng nghiên cứu để đưa cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Tất cả những gì đã xảy ra chúng ta phải xử lý.

Và khi giải quyết xong rồi chúng ta phải chăm lo để không còn những câu chuyện xảy ra trong tương lai. Bộ Công Thương, Ủy ban kiểm tra Trung ương phải vào cuộc điều tra ngay để trả lời dư luận.”, ông Sơn khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới