Washington sẽ là thực thể đóng vai trò định hình quan hệ Mỹ – Trung, còn Bắc Kinh sẽ là thực thể có những đổi thay phù hợp để thích ứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: Getty Images.
Bloomberg đưa tin, ngày 8/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó người đứng đầu Nhà Trắng cho biết:
Ông mong muốn được làm việc nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Trung phát triển mang tính xây dựng, có lợi cho cả hai quốc gia.
Bức thư là liên lạc tiếp trực tiếp đầu tiên của ông Trump với ông Tập Cận Bình, kể từ khi vị Tổng thống doanh nhân bước vào Nhà Trắng và thực thi quyền lực của mình.
Trong khi tân Tổng thống Mỹ có hàng loạt các cuộc điện đàm với nhiều lãnh đạo trên thế giới kể từ khi nhậm chức, ông lại im lặng một cách khó hiểu với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Giới phân tích và dư luận đã đặt nhiều câu hỏi phía sau sự im lặng đó của người đứng đầu nước Mỹ, quan hệ giữa Trump với giới lãnh đạo Trung Quốc cũng như tính chất mối quan hệ Mỹ – Trung dưới triều đại của ông sẽ ra sao?
Ngay cả khi Trump gửi thư cho ông chủ Trung Nam Hải, dư luận giới phân tích Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa hết những băn khoăn, lo lắng và đưa ra những giải thích khác nhau.
Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, bức thư ông Trump gửi tới Bắc Kinh không chỉ phá vỡ bầu không khí im lặng mà còn là sự bắt đầu cho một chương mới của quan hệ Mỹ – Trung.
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã chính thức định hình cho quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời đại ông nắm quyền
Kinh tế hoá chính trị, không có gì không thể thương lượng
Có thể thấy rằng, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì cuộc đối đầu ý thức hệ cũng tạm thời được đặt sang một bên.
Trong thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ, Washington đã tận dụng triệt để vị thế thống soái của mình để nhanh chóng thực hiện quá trình phổ quát giá trị Mỹ ra toàn thế giới: nguyên tắc tự do, dân chủ truyền thống Mỹ.
Tuy nhiên, hai giá trị tinh thần cốt lõi này phụ thuộc rất lớn vào yếu tố “mềm” trong thành phần tạo nên sức mạnh quốc gia, đó là cộng đồng dân tộc và văn hoá dân tộc.
Chính vì vậy Washington đã gặp nhiều phản ứng trái chiều từ những thực thể được “khai sáng” bởi giá trị Mỹ. Thông thường trong những tình huống đó, sức mạnh Mỹ lại được Washington sử dụng để răn đe những phản ứng trái chiều.
Điều này khiến những thực thể muốn rời xa trục Mỹ ngày càng nhiều, những thực thể đối trọng Mỹ ngày càng lớn mạnh.
Trong khi đó lực lượng chính trị truyền thống tại Mỹ ngày càng trở nên bảo thủ với việc tuyệt đối hoá giá trị Mỹ, đề cao sức mạnh Mỹ, rồi dần xem nhẹ lợi ích Mỹ.
Đây được xem là nguyên nhân tạo ra sự lệch pha giữa đời sống chính trị Mỹ với đời sống xã hội Mỹ.
Trong bối cảnh đó, việc tỷ phú Donald Trump xuất hiện trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã tạo ra một sự đổi thay rất lớn trong cả đời sống xã hội lẫn đời sống chính trị tại Hoa Kỳ.
Hiệu ứng Trump đã thẩm định lại sự tinh tuý trong giá trị Mỹ, tính hiệu quả của sức mạnh Mỹ và qua đó đã chứng minh: lợi ích Mỹ từ lâu đã bị xem nhẹ so với các trụ cột khác trong cấu thành trục Mỹ.
Chính vì vậy, vị tỷ phú bất động sản đã chọn “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng việc làm gia tăng lợi ích Mỹ.
Ứng viên Donald Trump được cho là đã thực hiện việc kinh tế hoá chính trị trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Ông đã thành công mỹ mãn với chiến thắng chung cuộc, khi được trao trọng trách tạo ra sự đổi thay tại xứ cờ hoa.
Ngay từ khi tranh cử cho đến khi nắm quyền lực, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ luôn cho rằng nước Mỹ đã bị cả đối tác lẫn đối thủ làm hại. Vì vậy ông thề quyết tâm lấy lại cho nước Mỹ, cho người Mỹ những gì đã mất.
Việc không làm mất lợi ích Mỹ có thể được thực hiện bởi hai động thái là: ngăn chặn đối thủ làm lợi từ nước Mỹ và khai tác lợi ích từ đối tác mang về cho nước Mỹ.
Trong số những đối thủ bị cáo buộc cướp mất lợi ích của Mỹ, Trung Quốc là nước bị vị Tổng thống doanh nhân chỉ trích nhiều nhất. Thậm chí Trump cho biết, ông sẽ sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt Trung Quốc để lấy lại lợi ích cho người Mỹ.
Vì vậy, khi ông Trump vào Nhà Trắng đã khiến cho không ít quan điểm trong dư luận nhận định, thậm chí lo ngại rằng: một cuộc chiến Mỹ – Trung là không thể tránh khỏi, nó sẽ diễn khốc liệt dưới triều đại Trump.
Tuy nhiên, như người viết đã phân tích trong bài “Tại sao Mỹ lo nền kinh tế Trung Quốc sắp sụp đổ?”, lợi ích nước Mỹ bị cướp mất là rất nhỏ so với lợi ích Mỹ có được trong quan hệ với Trung Quốc.
Do đó, vị Tổng thống doanh nhân này cũng chỉ “rung chà cho cá nhảy” mà thôi. Ông Trump sẽ không có những hành động làm phương hại nghiêm trọng đến quan hệ Mỹ – Trung.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên tiếng Mỹ chưa cần “động binh” tại Biển Đông, có nhiều nhận định cho rằng: Mỹ nhượng bộ hoặc hạ tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược đối ngoại của Mỹ.
Cá nhân người viết thì tin vào điều ngược lại: thực ra động thái này thể hiện bước đi nhằm tối đa hoá lợi ích cho Mỹ của chính quyền Trump mà thôi.
Trump không cần động binh vì lợi ích Mỹ có thể gia tăng nhờ động thái đó. Vì vậy, có thể nhận diện, kinh tế hoá chính trị đã được xem là nền tảng trong quan hệ Mỹ – Trung.
Với Trump, mọi thứ đều có thể thương lượng. Và Trump biết cách thương lượng.
Mọi xung đột vốn có trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đều được hoá giải dựa trên nguyên tắc này. Và đó chính là sự khác biệt trong quan hệ Mỹ – Trung dưới triều đại Trump so với các chính quyền Mỹ trước đây.
Trump đặt các đối tác, đối thủ truyền thống “dưới cơ” Mỹ
Cũng nên nhắc lại rằng, ngày 13/1/2017 khi trả lời phỏng vấn The Wall Street Journal, ông Trump đã đặt câu hỏi:
“Vì sao ai đó lại bị trừng phạt chỉ vì họ đang làm những điều thực sự tuyệt vời? Nếu Nga thực sự đang giúp chúng ta, tại sao phải áp lệnh trừng phạt?”
Theo cá nhân người viết, qua câu hỏi có vẻ thân thiện ấy, quan hệ Mỹ – Nga đã được Trump định hình. Đó là một mối quan hệ Mỹ – Nga trong giai đoạn mới mang tính cộng sinh nhưng không bình đẳng.
Bởi lẽ, Nga phải làm điều tuyệt vời cho Mỹ mà chỉ được xem xét không áp lệnh trừng phạt hay dỡ bỏ trừng phạt. Hơn nữa, điều Nga làm có “tuyệt vời” hay không hoàn toàn do Mỹ xem xét, định lượng.
Tiếp đó là ngày 16/1/2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Times of London của Anh và tờ Bild của Đức, Donald Trump đã ca ngợi việc người dân Anh chọn rời EU – Brexit là sự kiện tuyệt vời.
Ông cũng cảnh báo EU có thể phân rã. Có thể nhận diện quan hệ Mỹ – EU cũng đã được nhà lãnh đạo Mỹ xác định, đó cũng là quan hệ không bình đẳng.
Bởi lẽ, mọi sự tích cực tại xứ sở sương mù thời hậu Brexit sẽ có tác động tiêu cực đến lục địa già. Vì vậy Mỹ chỉ cần hiện thực hoá giá trị của Brexit bằng việc mang lợi ích cho người dân Anh, là có thể khiến EU phải nhượng bộ Mỹ.
Donald Trump đã làm điều đó khi chuẩn bị thúc đẩy thoả thuận thương mại tự do Mỹ – Anh, sau khi “Brexit cứng” diễn ra.
Với các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico hay Canada, chính quyền mới tại Mỹ cũng thể hiện sự bất bình đẳng rất lớn với những hành động đề cao chủ nghĩa biệt lập trong kinh tế.
Vì vậy, giới phân tích rất chờ đợi xem quan hệ Mỹ – Trung sẽ được định hình ra sao dưới thời chính quyền Trump, bởi đây là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ.
Định hình quan hệ Trung – Mỹ cùng có lợi, Trump làm chủ cuộc chơi
Với vị thế của Mỹ trên thế giới cùng sự đổi thay lớn diễn ra trong đời sống chính trị Mỹ, Washington sẽ là thực thể đóng vai trò định hình quan hệ Mỹ – Trung, còn Bắc Kinh sẽ là thực thể có những đổi thay phù hợp để thích ứng.
Và có thể nhận diện chính quyền Trump sẽ không tạo ra sự bất bình đẳng với Trung Quốc, vì điều đó sẽ lợi bất cập hại cho Mỹ.
Chỉ cần phân tích một bài toán kinh tế trong thời điểm mà Trump lên án Trung Quốc cướp lợi ích của người Mỹ, là có thể chứng minh cho nhận định ấy.
Theo số liệu từ atlas.media.mit.edu, trong năm 2014 các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc với tổng trị giá là E = 134 tỉ USD và nhập hàng hóa từ Trung Quốc là I = 432 tỉ USD.
Với hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc thì các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ và người tiêu dùng Mỹ được lợi (A), còn các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại Mỹ bị thiệt hại (B).
A = chênh lệch do hàng giá rẻ, B = lợi nhuận có được khi sản xuất ra hàng lượng hóa có giá trị bằng A.
Như vậy:
Nếu A – B = A, tức B = 0, Mỹ không bị thiệt hại vì nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Nếu A – B > A, tức B < 0, Mỹ bị thiệt hại vì nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Nếu A – B < A, tức B > 0, Mỹ có lợi nhờ hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc.
Đặt trường hợp giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc thấp hơn giá hàng hóa do doanh nghiệp Mỹ sản xuất là 10% (giá hàng Trung Quốc = 90% hàng Mỹ) thì với 432 tỉ hàng nhập từ Trung Quốc năm 2014, giá trị “Mỹ hoá” sẽ là:
IN = I x 100/90 = 432 tỉ x 100/90 = 480 tỉ USD.
Nghĩa là thay vì phải nhập với trị giá 480 tỉ USD, các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chỉ phải trả cho đối tác Trung Quốc 432 tỉ USD.
Như vậy: A = 480 tỉ – 432 tỉ= 48 tỉ USD.
Theo số liệu của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trong năm 2014 và theo Bloomberg thì chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới 70% vào chỉ số tăng trưởng.
Vậy tỉ suất lợi nhuận tối thiểu của doanh nghiệp Mỹ (R) sẽ nằm trong 30% còn lại.
Tức là: R = 2,4% x 0,3 = 0,72%, và B = 48 tỉ x 0,72% = 0,3456 tỉ USD >0
Điều đó chứng tỏ năm 2014 kinh tế tài chính – thương mại Mỹ có lợi từ hàng hóa giá rẻ nhập từ Trung Quốc.
Trong khi đó, theo tài liệu của WB thì chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới 70% cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, điều đó khiến hàng giá rẻ Trung Quốc đã tạo ra hiệu ứng tích cực, thậm chí đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Cho dù những chi phí, những thiệt hại của nền kinh tế Mỹ không chỉ thể hiện qua những phép toán và những con số được liệt kê, song có thể khẳng định rằng:
Dù Trung Quốc có xuất siêu vào thị trường Mỹ, dù hàng hoá Trung Quốc có phá giá trên thị trường Mỹ thì trong bất cứ trường hợp nào, kinh tế Mỹ vẫn luôn được lợi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Có thể thấy rằng, sự đổi thay trong đời sống chính trị Mỹ với việc tỷ phú Donald Trump bước vào Nhà Trắng, đã tạo ra sự chuyển hướng rất lớn trong quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới.
Từ đây lợi ích Mỹ được xem là thay thế cho giá trị Mỹ, đóng vao trò nền tảng cho chiến lược đối ngoại của chính quyền Trump. Trong sự đổi thay ấy, quan hệ Mỹ – Trung gần như là mối quan hệ duy nhất có tính bình đẳng, cùng có lợi dưới triều đại Trump.
Điều này cũng nên xem như một khuyến cáo với các quốc gia nhỏ là nơi Trung Quốc – Hoa Kỳ tranh giành ảnh hưởng, nhất là ở khu vưc châu Á – Thái Bình Dương.
Bởi lẽ túi tiền Trung Quốc lớn hơn túi tiền bất cứ quốc gia nào trong khu vực, và Donald Trump nhìn thấy điều đó.