Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 14/02

Bản tin Biển Đông ngày 14/02

Bản tin Biển Đông ngày 14/02/2017.

Học giả chỉ trích Trung Quốc phớt lờ sự thật lịch sử khi công kích Mỹ về vấn đề các vùng biển tranh chấp

Ngày 13/2, hãng VOA News đăng bài viết “Ý kiến học giả: Trung Quốc phớt lờ sự thật khi công kích Mỹ về vấn đề các vùng biển tranh chấp” của nhà báo Ralph Jennings. Theo bài viết, một số học giả đã khẳng định, phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 7/2 liên quan đến các cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông là cách mà phía nước này dùng để bóp méo sự thật lịch sử. Trong phát biểu của mình, ông Vương đã ngang nhiên tuyên bố rằng các thoả thuận có hiệu lực sau Thế chiến thứ II đòi hỏi “Nhật Bản phải trả lại cách vùng lãnh thổ đã lấy đi của Trung Quốc”, trong đó có Trường Sa.

Ông Yun Sun, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Stimson, Washington cho rằng “có những sự thật về bằng chứng lịch sử, các dẫn chứng được đề cập trong bài phát biểu” nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị “đã không nói ra toàn bộ sự thật”, theo đó ông khẳng định Trung Quốc đang cố tình bóp méo các bằng chứng lịch sử. Ông Fabrizio Bozzato, cộng tác viên nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế, Đại học Tamkang, Đài Loan cho rằng “yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được dựa trên lịch sử đối ngoại và các văn kiện cũng như điều ước quốc tế” tuy nhiên “điều đó không có nghĩa rằng các yêu sách của họ là “không thể tranh cãi” hay “không có gì để bàn luận””, thêm vào đó, “vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc không hề thể hiện ý định sẽ cài số lùi cho việc xây dựng “Vạn lý trường thành” kiên cố ở Biển Đông”. Tác giả bài báo cũng cho rằng, các tuyên bố Cairo và Potsdam không hề đề cập đến các dạng hay các chuỗi địa hình cụ thể nào ở Biển Đông. Ông Euan Graham, Giám đốc An ninh quốc tế, Viện Chính sách quốc tế Lowy tại Sydney không chỉ khẳng định hai văn kiện này không hề đề cập đến Trường Sa hay Hoàng Sa mà còn nhấn mạnh quan điểm bấy lâu của phía Trung Quốc “chỉ là một sản phẩm suy diễn thuần tuý của người Trung Quốc nhằm có được một danh nghĩa dựa trên điều ước chỉ được thừa nhận bởi các cường quốc đồng minh”.

Học giả Nhật Bản: bất chấp những hành động bất nhất đơn phương của một quốc gia, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông vẫn là điều tốt hơn cả đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông

Ngày 13/2, trang Inquirer đưa tin: theo Giáo sư Takahara Akio, chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Tokyo, dù vẫn còn những rào cản hoài nghi của các nước ASEAN đối với Trung Quốc, song nếu có thể xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), điều đó sẽ là tốt hơn cả đối với tất cả các bên tranh chấp

Ông Takahara đã giải thích về sự hoài nghi này đang bị đẩy lên cao là do “Trung Quốc đã ký một thoả thuận với các nước Đông Nam Á vào tháng 7 năm 2016 sau khi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông rằng sẽ không tiến hành xây dựng đảo nhân tạo, tuy nhiên, đó chỉ là những lời nói suông, họ đã ký nhưng liệu họ có làm theo thoả thuận hay không, cho đến thời điểm này, không một nước Đông Nam Á nào có thể tin vào những lời nói của Trung Quốc”. Ông còn nói thẳng “Trung Quốc luôn nói những lời tốt đẹp nhân nghĩa nhưng hành động lại hoàn toàn ngược lại”. Ông Takahara đề xuất các bên cần xây dựng nhưng cơ chế liên lạc trên biển và trên không nhằm tránh những vụ việc giống như ở Biển Hoa Đông đồng thời tiến hành các cuộc thảo luận về quản lý khủng hoảng nhằm tránh nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Về các động thái của Philippines với Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Inquirer, ông Takahara tin tưởng rằng thoả thuận của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte khi xử lý quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã và đang đi đúng hướng khi “tận dụng tốt sự trỗi dậy về kinh tế của phía Bắc Kinh” và “cân nhắc một cách nghiêm túc khía cạnh luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, ông cho rằng Tổng thống Duterte cũng cần làm rõ với phía Trung Quốc về tầm quan trọng của “trật tự dựa trên luật lệ” đối với Philippines.

Hiện nay trong và ngoài khu vực đang diễn ra nhiều cuộc tranh luận căng thẳng về khả năng ký kết COC, đặc biệt sau khi Philippines, nước Chủ tịch ASEAN 2017 đã tuyên bố sẽ thúc đẩy phía Trung Quốc sớm hoàn thành COC và ít nhất sẽ xây dựng được một bộ khung về vấn đề Biển Đông trong năm nay.

Trung Quốc nhất mực khăng khăng rằng việc họ bồi đắp đảo nhân tạo không phải là “quân sự hoá”

Ngày 13/12, theo Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Cảnh Sảng lớn tiếng phát biểu rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi về các “đảo” ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Trung Quốc kiên quyết cam kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền cũng như lợi ích biển của mình, giải quyết hoà bình các tranh chấp với các nước liên quan trực tiếp, và hợp tác với các nước ASEAN nhằm duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông”, ngang nhiên cho rằng “các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở các đảo và đá “của mình” là hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền và không liên quan gì đến quân sự hoá”. Đồng thời, ông này sau khi cáo buộc “một số quốc gia đã đưa máy bay và tàu thuyền đến Biển Đông để phô trương sức mạnh hay gây ra những bất đồng”, lộng ngôn tuyên bố “đó mới là biểu hiện lớn nhất của việc quân sự hoá”, đã không ngại đề cập trực tiếp Mỹ và Nhật Bản thông qua lời “đề nghị” các nước này “cần phải nhìn vấn đề Biển Đông một cách khách quan và lý trí”.

Phi công Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vô cớ cáo buộc máy bay quân sự nước ngoài “có hành động gây hấn”

Ngày 13/2, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, theo nguồn tin kênh truyền hình CCTV, Đội trưởng Liu Rui, một phi công của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã “mô tả cuộc đụng độ đáng sợ với một máy bay quân sự nước ngoài trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào cuối tháng 7” khi đang lái chiếc máy bay ném bom H-6K trong chuyến tuần tra thường kỳ. Tuy nhiên ông Liu lại giấu thông tin về quốc tịch của chiếc máy bay kia. Ông Liu một mặt khẳng định máy bay nước ngoài không vi phạm quy tắc ứng xử nào song lại làm ầm lên rằng vụ việc “rất đáng phẫn nộ”. Dường như, lợi dụng thời điểm sau vụ đụng độ mới đây nhất của máy bay quân sự của Trung Quốc và Mỹ ở gần bãi cạn Scarborough, hãng CCTV chỉ đang tranh thủ làm nóng vấn đề, viện vào những thông tin chủ động công bố trên truyền hình nhằm ngoan cố khẳng định luận điệu sai trái, lấy việc tuần tra trên các vùng biển quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển tranh chấp để nguỵ biện cho những hành vi tuỳ tiện, bất chấp luật pháp quốc tế của mình, đe doạ đến hoà bình và ổn định khu vực trong những vụ việc xảy ra giữa nước này với các nước trong và ngoài khu vực trên Biển Đông thời gian qua.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc sẽ không thể tuỳ tiện chiếm đóng các cấu trúc nếu còn các cơ sở của Mỹ ở Philippines

Ngày 13/2, hãng GMA News đưa tin, ngày 31/1, TS. Marvin Ott, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Đại học John Hopkins khẳng định Trung Quốc sẽ không thể chiếm đoạt Đá Vành Khăn ở Biển Đông nếu các căn cứ quân sự của Mỹ được phép duy trì ở các căn cứ Clark và Subic. Ông cho biết dường như không mấy người chú ý đến mối liên hệ giữa việc đưa các lực lượng của Mỹ ra khỏi Philippines và việc Trung Quốc có được sự kiểm soát hoàn toàn Đá Vành Khăn từ 1995 và cho rằng đó là một thiếu sót về “tư duy” và “chiến lược an ninh” của Philippines. Ông Ott cũng lo ngại rằng, dù các nước ASEAN đã nỗ lực hiện thực hoá Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) song không có mấy hi vọng Trung Quốc sẽ đồng ý với một COC “thực sự” sẽ làm “kỳ đà cản mũi” những kế hoạch tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) cũng đồng tình rằng Trung Quốc chỉ đang tìm cách “kéo dài” cuộc đàm phán COC như đã làm trong 10 năm qua. Các chuyên gia tin rằng, cách tiếp cận “cởi mở” của Trung Quốc đối với các ngư dân Trung Quốc gần đây có thể cho thấy rằng nước này đã “xong” nhiệm vụ của mình ở Biển Đông, bao gồm chiếm đóng và quân sự hoá ở khu vực này. Không những thế, GS, Alexander Vuving thuộc trường Đại học Nghiên cứu An ninh, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định rằng những tuyên bố về “quyết tâm hợp tác với các nước ASEAN nhằm xây dựng COC cho thấy thiện chí và cam kết hợp tác” chỉ nhằm phục vụ chiến dịch tuyên truyền bởi “không có cam kết thực tế hợp tác nào, nếu nhìn vào hành động chiếm đóng, xây dựng đảo và quân sự hoá, sẽ không thể thấy bất cứ sự hợp tác nào trong quá trình hình thành COC”.

RELATED ARTICLES

Tin mới