Quan hệ Mỹ – Trung dưới thời tân Tổng thống Donald Trump sẽ ra sao? Đặc biệt trên 3 lĩnh vực quan trọng trong quan hệ giữa hai cường quốc: chính trị, kinh tế và an ninh.
Về Chính trị
Trong một thời gian dài, Trung Quốc và Mỹ đã rất khó khăn để điều chỉnh và thỏa hiệp về các lợi ích chính trị quan trọng của mỗi nước. Về chính trị là nguồn gốc của hầu hết những mâu thuẫn và xung đột giữa hai nước.
Mặc dù Trung Quốc đã áp dụng một phần nền kinh tế thị trường sau chính sách mở cửa và cải cách năm 1978, song đây được nhìn nhận là động thái mà Trung Quốc tỏ ra thực dụng hơn nhiều
Trung Quốc cũng hiểu rất rõ, chính trị là lĩnh vực của các giá trị tư tưởng, hệ thống xã hội và nhân quyền.
Việc Trung Quốc mở cửa ban đầu được Mỹ cho là sự trỗi dậy hòa bình. Tuy nhiên, một Trung Quốc mạnh mẽ và quyết đoán hơn hiện đang sử dụng những phương pháp riêng của mình để thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, vốn đã tồn tại từ cuối Thế chiến 2.
Chính vì điều này khiến Mỹ ngày một lo ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Từ chiến dịch “xoay trục Châu Á” của chính quyền cựu Tổng thống Obama đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” của tân Tổng thống Donald Trump, rõ ràng là nước Mỹ trong thế kỷ 21 đã hình thành một sự đồng thuận quốc gia coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất với vị thế siêu cường của mình.
Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ trong quá khứ đã áp dụng các phương pháp tiếp cận khác khi can dự với Trung Quốc về các vấn đề tư tưởng. Lấy ví dụ vụ việc của luật sư mù, nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành. Trong khi ông Obama cử Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đến Bắc Kinh để yêu cầu Trung Quốc bàn giao ông Trần Quang Thành, một luật sư, thì chính quyền của Tổng thống Trump lại đặt ưu tiên cao hơn về các lợi ích kinh tế, chứ không có đường lối cứng rắn trong kịch bản tương tự. Đây liệu có vẻ là tin tốt với Bắc Kinh?
Về Kinh tế và Thương mại
Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã không cân xứng. Khác biệt về giá nhập khẩu giữa hai nước trong những năm gần đây dao động trong khoảng 1:3 và 1:4. Mỹ áp thuế nhập khẩu 2 – 3%, trong khi thuế nhập khẩu của Trung Quốc là 3 – 9%.
Với quan điểm của Mỹ, mặc dù với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Trung Quốc không công khai vi phạm bất kỳ quy tắc thương mại nào của WTO, nhưng các chính sách hám lợi , tham lam của Trung Quốc dẫn đến bất lợi thương mại cho Mỹ. Sự đáp trả của chính quyền ông Obama dẫn đến việc Trung Quốc bị loại ra ngoài Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.
Trong khi đó, tân Tổng thống Donald Trump lại không muốn mất thêm thị trường Mỹ vào tay các đối tác thương mại, ngay cả đối với lợi ích của việc hạn chế hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Thay vì thế, ông Trump lựa chọn giải pháp đối đầu với Trung Quốc trực tiếp bằng việc đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương dưới tên gọi “thương mại tự do”.
Mặc dù ông Trump chính thức rút Mỹ khỏi TPP như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, và tìm cách đàm phán lại NAFTA, song tân Tổng thống Mỹ chưa thể hiện bất cứ ý định nào từ bỏ WTO.
Rút khỏi WTO sẽ đem lại tai họa cho Mỹ với tư cách là một thực thể thương mại lớn nhất thế giới. Chừng nào Mỹ còn là thành viên WTO, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn có thể được giải quyết theo cơ chế trọng tài của tổ chức này.
Điều đó đòi hỏi cả hai nước từ bỏ một phần chủ quyền của họ về thương mại quốc tế. Bên trung gian thứ ba đã trở thành một cơ chế hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, đó là lý do vì sao ông Trump khó mà từ bỏ cơ chế này.
Tranh chấp thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng dưới chính quyền ông Trump, nhưng những căng thẳng như vậy cuối cùng có thể ổn định sau một thời gian nhất định, nếu cả hai bên sẵn lòng nhượng bộ thông qua thương lượng. Không bên nào sẽ hoàn toàn hài lòng với sự thỏa hiệp về lợi ích kinh tế của mình, nhưng cả hai bên vẫn có thể chấp nhận kết quả hai bên cùng thiệt, cùng lợi.
Về An ninh quốc phòng
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump coi nhẹ tầm quan trọng của liên minh quân sự và cho biết sẵn sàng cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thế giới. Nếu điều này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ “mở cờ trong bụng”, bởi nước này đã coi liên minh quân sự của Mỹ là tàn tích từ thời Chiến tranh Lạnh. Bắc Kinh nói chung hoài nghi với tất cả các liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, như liên minh Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn và NATO.
Khi đã lên nắm quyền, ông Trump có thể mâu thuẫn với quan điểm của mình và cố gắng duy trì liên minh quân sự song phương ở Châu Á – Thái Bình Dương, theo gương người tiền nhiệm Obama.
Trước hết, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mặc cả với chính quyền của ông Trump, vì hai nước này không thể cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ. Thứ hai, dưới hệ thống “kiểm tra và cân đối” bộ máy chính phủ của Mỹ, giới tinh hoa chính trị sẽ không cho phép chính quyền của ông Trump làm suy yếu sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thế giới – một công cụ hiệu quả trong việc duy trì quyền bá chủ toàn cầu của Washington trong hơn 7 thập niên qua.
Nếu Trung Quốc tiếp tục can dự quân sự ở Biển Đông và Hoa Đông, và nếu Bắc Kinh và Washington không có khả năng thỏa hiệp được về xung đột kinh tế và thương mại, thì ông Trump có thể theo đuổi một chiến lược quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương thậm chí còn quyết liệt hơn chính quyền ông Obama.
Nếu không bên nào hành động một cách thận trọng, Trung Quốc và Mỹ có thể rơi vào cuộc chạy đua vũ trang, và Trung Quốc có thể trở thành kẻ thù hàng đầu trong mắt của Mỹ. Điều này sẽ rất bất lợi cho Bắc Kinh.
Trong một kịch bản như vậy, mối quan hệ Mỹ và Đài Loan có thể được cải thiện đáng kể, làm cho vấn đề Đài Loan trở nên phức tạp hơn với Trung Quốc. Liệu Trung quốc có chấp nhận một cuộc chiến tranh mang họa vào thân?