Hôm 9/2, Lữ đoàn tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ giao nhận tàu ngầm Kilo Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tàu ngầm Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tiếp nhận
Tàu ngầm Bà Rịa – Vũng Tàu là chiếc cuối cùng trong tổng cộng 6 chiếc Việt Nam đặt mua từ Nga. Tàu có phiên hiệu quân sự là 187 được đưa về Việt Nam và trực tiếp biên chế về Lữ đoàn tàu ngầm 189.
Tàu này khởi đóng 28/5/2014, hạ thuỷ 28/9/2015, thử nghiệm lần đầu trên biển ngày 19/12/2015. Đến ngày 19/12/2016 tàu lên đường về Việt Nam và đến Cam Ranh ngày 20/1/2017.
Nhận định về hạm đội tàu ngầm Việt Nam khi nhận đủ 6 chiếc, chuyên gia quân sự người Nga Victor Litovkin cho biết, với tên lửa Kalibr, thật khó có thể nói hết được sức mạnh hạm đội tàu ngầm của Hải quân Việt Nam.
Nhận định của chuyên gia quân sự Victor Litovkin được Sputnik đăng tải trong bài viết “Hạm đội ngầm – sức mạnh quân sự mới của Việt Nam”.
Theo bài viết, chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) – tàu cuối cùng trong lô 6 chiếc cùng Việt Nam đặt mua từ Nga đã được bàn giao.
Trong thành phần Hải quân Việt Nam chiếc tàu ngầm thứ 6 được đặt tên là Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc thành lập hạm đội ngầm là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với Việt Nam, Victor Litovkin cho biết.
Bất kỳ quốc gia ven biển đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nếu không có hạm đội tàu ngầm. Các tàu ngầm giúp giải quyết nhiều nhiệm vụ mà các tàu mặt nước không thể giải quyết nổi. Tàu mặt nước dễ bị phát hiện từ máy bay, UAV, từ vũ trụ. Trên thực tế, tàu ngầm ở độ sâu hơn 50 mét không thể bị phát hiện bằng các phương tiện quan sát với dụng cụ quang học.
Các tàu ngầm mà Nga xây dựng cho Việt Nam lần lượt mang tên: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và chiếc cuối cùng là Bà Rịa-Vũng Tàu, những tàu này có thể lặn sâu tối đa 300 mét và di chuyển với tốc độ lên đến 20 hải lý/h, tức là 37 km/h.
Nếu so với các loại tàu ngầm khác trên thế giới, tiếng ồn của tàu Varshavyanka phát ra rất thấp, giảm sự phản xạ radar, giúp cho chúng khó bị phát hiện hơn trên màn radar.
Tàu ngầm lớp này có thể tìm thấy mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn 3-4 lần mà bản thân chúng có thể bị đối phương phát hiện. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia phương Tây gọi tàu ngầm lớp Varshavyanka là “hố đen trong đại dương”.
Tàu lớp này có thể bắn tên lửa và ngư lôi vào mục tiêu trên không, trên đất, trên biển và có thể đặt mìn. Tàu lớp Varshavyanka có thể được sử dụng chống tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, để bảo vệ các căn cứ hải quân, các đường liên lạc trên biển và ven biển của mình, cho hoạt động tình báo để thu thập bí mật các thông tin từ hệ thống thông tin liên lạc của đối phương.
Trung Quốc cũng sở hữu những tàu ngầm loại này. Nhưng, lợi thế của các tàu ngầm mà Nga cung cấp cho Việt Nam là chúng mang theo không chỉ các ngư lôi và mìn mà còn hệ thống tên lửa Kalibr phiên bản mới nhất (nổi tiếng với tên xuất khẩu là Klub).
Nối thêm sức mạnh cho Việt Nam
Trang Sputnik cho biết thêm, ngoài Hải quân Nga, tên lửa hành trình Kalibr còn đang phục vụ trên những chiến hạm Nga đóng cho Hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt là ở phiên bản xuất khẩu loại tên lửa Kalibr mang tên Klub và tầm bắn.
Phiên bản Hải quân Nga dùng có tầm bắn từ 1500-2500km, trong khi đó hệ thống Klub của Việt Nam có tầm bắn khoảng gần 300km. Tên lửa được dùng trang bị cho các tàu ngầm mà Nga chế tạo theo đơn đặt hàng của Việt Nam.
Ngoài ra, Nga còn sẵn sàng lắp đặt tên lửa Klub cả trên các chiến hạm thuộc đề án Gepard cũng dành cho Việt Nam.
Hai chiến ham loại này đã về tới Việt Nam, còn thêm hai chiếc nữa đang trong chu trình lắp đặt vũ khí và dự kiến bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017-2018. Klub còn có thể được trang bị cho tàu tuần tra Molnya được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga.
Dù cho biết tên lửa Klub đang phục vụ trong Hải quân Việt Nam nhưng Sputnik không tiết lộ gì thêm về phiên bản cũng như số lượng hiện có của Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu được trang Strategy Page (Mỹ) công bố, Nga đã cung cấp cho Việt Nam 50 tổ hợp tên lửa Klub để trang bị cho tàu ngầm lớp Varshavyanka (hay còn gọi là lớp Kilo).
Ngoài ra, dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) còn cho biết thêm, năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua một lô tên lửa hành trình chống tàu 3M-54E Klub-S.
Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới, ông Igor Korotchenko cho rằng, sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm cùng Klub giúp củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam, trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên nghiêm trọng hơn, các nước trong khu vực đang củng cố lực lượng hải quân của họ.
Nói về lợi thế của các tàu ngầm Kilo trong Hải quân Việt Nam, ông Korotchenko cho rằng Nga cung cấp các phiên bản tàu ngầm mới nhất trang bị tổ hợp tên lửa Klub có khả năng chống hạm và tấn công mặt đất hay ở tầm xa.