Bản tin Biển Đông ngày 15/02/2017.
Động thái đáng lo ngại: Trung Quốc sắp xây các nhà máy hạt nhân nổi trên Biển Đông
Ngày 14/2, trang NDTV đưa tin, phía Trung Quốc gần đây tiết lộ nước này sẽ xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi trên một trọng điểm ở Biển Đông nhằm tăng cường nguồn cung điện cho các đảo ở các vùng biển tranh chấp. Ông Wang Yiren, Phó Giám đốc Cơ quan Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng tuyên bố, Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển một lò năng lượng hạt nhân nổi trong 5 năm tới nhằm cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho các dự án ngoài khơi đồng thời sẽ các công trình khai thác dầu khí đại dương. Đánh giá về việc lắp đặt các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi, ông Wang tiết lộ, nhà máy điện diesel hiện là nguồn cung năng lượng chính cung cấp cho các hoạt động ngoài khơi và thậm chí cả đời sống sinh hoạt của người dân trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, bất chấp Phán quyết Trọng tài quốc tế ngày 12/7 đã vô hiệu hóa những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp những tác động đến môi trường, hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ông Wang vẫn ngang nhiên bác bỏ mọi lo ngại về các nhà máy hạt nhân sau thảm họa của nhiều nhà máy hạt nhân trên thế giới, cho rằng “xây các nhà máy hạt nhân ở các vùng biển là hoàn toàn an toàn, thậm chí xây ở đất liền cũng không thành vấn đề”.
Theo ông Sun Qin, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Hạt nhân quốc gia, cơ sở này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Theo nguồn tin từ tờ Nhân dân Nhật báo ngày 14/2, việc phát triển loại hình này là một phần “quan trọng” trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của nước này Việc xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân được tiếp tục sau khi chính phủ Trung Quốc tạm dừng việc cho phép nhà máy năng lượng hạt nhân hoạt động sau tai nạn hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.
Có thể thu được gì với sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ được mong đợi ở Biển Đông?
Ngày 15/2, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “ của tác giảCó thể thu được gì với sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ được mong đợi ở Biển Đông?” của tác giả Steven Stashwick:
Liên quan đến các báo cáo mới đây của Hải quân Mỹ cho biết Mỹ đang lên kế hoạch duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông nhằm kiềm chế các yêu sách phi lý và các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực, tác giả đánh giá các đề xuất được nêu trong những báo cáo này khó có thể tác động được đến lập trường của Trung Quốc hiện nay. Tác giả cho rằng chính quyền Tổng thống Trump vẫn cần xác định một cách rõ ràng những mục tiêu của nước Mỹ ở Biển Đông và “nguyên trạng” mà chính quyền này mong muốn, đồng thời xác định sự hiện diện quân sự được mở rộng sẽ đạt được những mục tiêu này như thế nào. Bà Bonnie Glaser, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) cũng cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump cần xác định rất cụ thể tất cả mục tiêu của các cuộc tuần tra hay FONOPs được tăng cường trong thời gian tới.
Liên quan đến tình huống Mỹ có thể có hành động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông hay không, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản mới đây đã phát biểu rằng “các cuộc tuần tra quân sự trên Biển Đông là chưa cần thiết”, đồng thời nhấn mạnh để giải quyết các tranh chấp ở khu vực cần tận dụng triệt để các biện pháp ngoại giao trước thay cho hành động quân sự. Tuy nhiên theo thông tin sau cuộc gặp riêng của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis với các quan chức Nhật Bản, phía Mỹ thực sự có khả năng bắt đầu một sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực và triển khai các hoạt động Tự do hàng hải một cách thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, tác giả lưu ý rằng, các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông hiện đã trở thành “sự đã rồi”. Việc đưa thêm nhiều tàu chiến tới quan các đảo nhân tạo thường xuyên hơn chỉ có thể khiến Trung Quốc trở nên “quen” với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực hơn, chứ không thể buộc nước này phải từ bỏ các đảo nhân tạo ở khu vực. Thêm vào đó, dù các đảo có đủ diện tích để tổ chức các đội máy bay chiến đấu, máy bay ném bom… nhưng cho đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa thể triển khai hoạt động của bất cứ hệ thống quân sự nào mà mới chỉ có các trang thiết bị liên lạc, nguỵ trang và các điểm phòng thủ hạn chế. Như vậy, bất cứ sự biến động quan trọng nào liên quan đến hoạt động hay hiện diện quân sự đều có thể dẫn đến bất ổn, có thể dẫn đến “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh”. Bài viết cho rằng, vấn đề hiện nay nằm ở câu hỏi: liệu sự hiện diện được tăng cường đáng kể của Mỹ và các FONOPs ở Biển Đông có thể ngăn cản Trung Quốc triển khai các hệ thống quân sự tới các đảo nhân tạo hay không, hay trái lại, sẽ phản tác dụng?