Bản tin Biển Đông ngày 16/02/2017.
Dự thảo sửa đổi luật biển của Trung Quốc có thể ban hành lệnh ngăn các tàu nước ngoài “đi vào các vùng biển “của Trung Quốc””
Ngày 15/2, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 14/2, Văn phòng Các vấn đề pháp lý, Quốc Vụ viện Trung Quốc đưa ra thông báo việc cơ quan này đang thu thập ý kiến người dân trong nước về việc sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải năm 1984 của Trung Quốc nhằm “cho phép các cơ quan liên quan ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài đi qua “các vùng biển của Trung Quốc” nếu thấy rằng các tàu thuyền này có thể gây nguy hại đến trật tự an toàn giao thông”. Điều đó có nghĩa là các cơ quan này được Nhà nước trao toàn quyền xác định “những khu vực cụ thể” và “tạm thời” ngăn các tàu thuyền nước ngoài đi qua các khu vực đó theo những đánh giá chủ quan về “an toàn giao thông hàng hải”. Mặt khác, Văn phòng này cam kết rằng “việc thay đổi sẽ dựa trên Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển và Luật Biển, các vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng sẽ đề xuất Quốc Vụ viện và các cơ quan địa phương xây dựng các trung tâm nghiên cứu và cứu hộ trên biển, nếu cần. Dự kiến, các quy định sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2020
Dù việc sửa đổi vẫn chưa được triển khai song ông Wang Xiaopeng, chuyên gia về biên giới biển của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc không giấu diếm mục tiêu của việc làm này là “việc sửa đổi sẽ trở thành công cụ pháp lý hỗ trợ cho Trung Quốc bảo vệ các quyền trên biển của mình”. Bất chấp những lo ngại và sự phản đối của các quốc gia láng giềng, các quốc gia trong và ngoài khu vực trước những yêu sách phi lý và hành động quân sự hoá trên Biển Đông của Trung Quốc, ông Wang ngang nhiên khẳng định, “là quốc gia có chủ quyền và là quốc gia ven biển lớn nhất ở Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn có quyền điều chỉnh luật biển của mình nếu cần, và điều đó cũng sẽ thúc đẩy hoà bình và ổn định ở các vùng biển”. Tảng lờ những kết luận của Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn đường chín đoạn phi lý bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông, GS. Yang Cuibai thuộc Khoa Luật, Trường Đại học Sichuan không chỉ cho rằng “quyết định sửa đổi này sẽ củng cố quyền quản lý của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải trong kỷ nguyên mới”, mà còn mạnh miệng kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cần đi đầu trong việc thiết lập “một trật tự pháp lý” ở Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Mỹ từ bỏ ý định mở các cuộc tuần tra hàng hải mới ở Biển Đông
Ngày 16/02, hãng CNBC đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lớn tiếng yêu cầu Washington không thách thức “chủ quyền của nước này” cũng như “không thực hiện bất cứ hành động nào thách thức “an ninh và chủ quyền của Trung Quốc”. Phát biểu trên của ông Cảnh Sảng nhằm đáp trả báo cáo ngày 12/2 mà phía Mỹ công bố về việc lên kế hoạch cho các cuộc tập trận tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Dave Bennett, Người Phát ngôn Nhóm Tác chiến Tàu sân bay số 1 Carl Vinson đã tái khẳng định rằng, “Nhóm Tác chiến Tàu sân bay Carl Vinson được lên lịch trình triển khai ở Tây Thái Bình Dương, một phần kế hoạch mở rộng phạm vi kiểm soát và chỉ huy của Hạm đội 3, do Hạm đội Thái Bình Dương dẫn đầu” và khẳng định “các nhóm Tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã tuần tra thường xuyên và đều đặn ở khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương hơn 70 năm qua”.