Bản tin Biển Đông ngày 21/02/2017.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN kêu gọi tiếp tục duy trì đối thoại về Biển Đông
Ngày 21/2, tờ The Philippine Star đưa tin, bên lề Hội nghị họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM Retreat) diễn ra tại Boracay (Philippines), ông Perfecto Yasay, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Ông Yasay khẳng định, nhiều Ngoại trưởng đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước khả năng quân sự hoá các vùng biển tranh chấp và “sự leo thang của các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng, xói mòn lòng tin” ở khu vực này. Ông Yasay cho biết, các Bộ trưởng đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, không sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, cũng như sự cần thiết của việc thúc đẩy tin cậy lẫn nhau và thực hiện tự kiềm chế khi thực hiện các hoạt động ở khu vực, tránh làm phức tạp tình hình khu vực. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tiến tới hoàn thiện bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) vào giữa năm 2017 cũng đã được nhấn mạnh tại Hội nghị. Ngoài ra, ông Yasay cho biết, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã nêu cao Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông khẳng định Philippines vẫn sẽ tiếp tục đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp biển.
ASEAN khẳng định quyết tâm giải quyết tranh chấp Biển Đông
Ngày 21/2, tạp chí The Strait Times đưa tin, ngày 20/2, tại Hội nghị họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM Retreat), Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo khẳng định, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy các nước ASEAN đi đến ký kết một bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vào giữa năm 2017. Bên lề cuộc họp, ông Manalo cho biết các quan chức cấp cao ASEAN không thảo luận sâu về các diễn biến trên Biển Đông. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng nguyên nhân khiến ASEAN nỗ lực theo đuổi COC là vì nhu cầu cần thiết của việc bảo đảm một môi trường an toàn, ngăn ngừa mọi yếu tố có thể đe doạ hoà bình, ổn định ở Biển Đông.
Công ty địa chất học Úc phát hiện nguồn dầu khí mới ở Biển Đông
Ngày 21/2, hãng The Independent đưa tin, ngày 20/2, Frogtech Geoscience, một công ty khoa học địa chất của Úc đã công bố nghiên cứu mới về vùng móng ở hai khu vực giàu tài nguyên hydrocarbon là Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Kết quả của nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc tìm hiểu lại về cấu trúc Paleotethy, loại cấu trúc kiến tạo cơ bản, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức nền cho các nhà khoa học và đem lại khuôn khổ quan trọng để nghiên cứu sự phát triển của các thành tố thuộc hệ thống dầu khí và sự hình thành qua thời gian. Bên cạnh ý nghĩa về mặt khoa học, các cấu trúc địa chất được công khai lại có ý nghĩa quan trọng đối với việc khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, điểm nóng tranh chấp giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với The Independent, ông Ganesh Sahathevan, một chuyên gia an ninh khẳng định vẫn còn tồn tại nhiều hoài nghi về tiềm năng dầu khí thực tế ở Biển Đông.