Ngày 21/12/2016, học giả người Mỹ Mark Valencia hiện đang nghiên cứu trợ giáo cho Viện Nam Hải ở Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc đăng bài viết tựa đề “Không chỉ riêng Trung Quốc là kẻ quân sự hóa Biển Đông” trên trang mạng South China Morning Post, lập luận không khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra ở Biển Đông.
Mark Valencia lấy các chỉ trích của giới chuyên gia và truyền thông Mỹ đối với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (sau khi Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố hình ảnh Bắc Kinh bố trí các hệ thống phòng không và chống tên lửa ở các đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Trường Sa) để làm tiền đề cho bài viết. Trong đó, giới chuyên gia của Mỹ như Bonnie Glaser lên án Tập Cận Bình đã phá bỏ lời hứa với Tổng thống Obama năm 2015 rằng Trung Quốc không quân sự hóa các thực thể ở Trường Sa. Trung Quốc đang phát triển khả năng chống tiếp cận của hải quân Mỹ ở khu vực, phương hại đến lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải. Trong khi đó, Micheal Auslin kêu gọi Mỹ phải có biện pháp cứng rắn chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc. Valencia cho rằng các chỉ trích đó không công bằng vì Mỹ và các nước khác cũng có hành động khiêu khích tương tự và đưa ra các lập luận phi lý.
Valencia cho rằng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông không phải là chủ ý mà là phản ứng lại các hoạt động quân sự của các nước yêu sách khác và việc Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, phát huy sức mạnh ở khu vực. Đây là luận điệu thường thấy từ trước tới nay mà Trung Quốc sử dụng để biện hộ cho các hoạt động hành động quyết đoán của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, cách lập luận như vậy không đúng với những gì đang diễn ra trên thực tế.
Tháng 2/2016, Trung Quốc triển khai hai khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng 3/2016 Trung Quốc cũng điều tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 ra đảo Phú Lâm. Hình ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy rõ Trung Quốc đang xây dựng các cấu trúc hình lục giác trên các đảo nhân tạo Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn nước này chiếm đóng và xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xây dựng xong các nhà chứa máy bay có thể chứa các máy bay quân sự lớn nhất của không quân nước này.
Các cấu trúc lục giác được cho là nhằm phục vụ cho các hệ thống phòng không để phát huy sức mạnh ở phía Nam Biển Đông. Điều này sẽ gây ra rủi ro lớn cho hoạt động quân sự của các nước khác và tạo ra mối đe dọa về quân sự với cả các nước yêu sách Biển Đông và các cường quốc bên ngoài như Mỹ. Sau hơn 20 năm hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc giờ có thể điều động lượng lớn tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm. Tên lửa đất đối không như HQ-9 có thể tấn công các máy bay trong phạm vi 150-200 km, trong khi tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 có đầu đạn nặng 300kg có thể phá hủy tàu chiến 7.000 tấn cách xa 120-400 km. Các tên lửa này là mối đe dọa với khu vực vì trừ Mỹ và Nhật Bản, các nước khác ở trong khu vực đa phần sở hữu các tàu chiến không quá 5.000 tấn cộng với việc thiếu các vũ khí chống tên lửa. Hệ thống tên lửa này về mặt lý thuyết không tấn công các tàu dân sự nhưng đẩy các tàu chiến hoạt động ra xa các thực thể ở Biển Đông, nơi các tàu này được hưởng quyền tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế.
Rõ ràng Trung Quốc đang đẩy mạnh việc quân sự hoá Biển Đông, đưa các nước khác vào tình thế “sự đã rồi”. Phải nói thêm rằng, Mark Valencia là học giả người Mỹ nhưng đang làm việc cho Viện Nam Hải nên được giật dây lấy tư cách học giả quốc tế để bảo vệ lập trường sai trái của Trung Quốc liên quan đến vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông. Lập luận không khách quan của Mark Valencia rõ ràng làm mất đi uy tín quốc tế của học giả này.