Năm 2015 và 2016, tình hình chính trị quốc tế có nhiều bất ổn. Quan hệ Nga với Mỹ và Châu Âu căng thẳng, Nga bị cấm vận nên gặp nhiều khó khăn đã quay sang cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Cả Nga, Mỹ và một số nước tập trung vào chống lực lượng IS. Châu Âu bất hòa vì vấn đề nhập cư. Nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Nước Mỹ chuẩn bị bầu cử Tổng thống mới…
Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)
Lợi dụng tình hình trên Trung Quốc đơn phương hoành hành ở vùng Biển Đông Bắc Á và Biển Đông, cho máy bay, tàu chiến áp sát vùng đảo do Nhật Bản quản lý.
Ở Biển Đông, Trung Quốc gia tăng bồi đắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chỉ trong vòng một năm Trung Quốc đã bồi đắp diện tích gấp hàng trăm lần trước đó, xây dựng đường băng, đưa vũ khí kể cả tên lửa ra các đảo mới bồi đắp.
Dù Tòa Trọng tài Quốc tế đã có phán quyết nhưng Trung Quốc phớt lờ vì Tổng thống Mỹ sắp hết nhiệm kỳ đã không còn chú ý nhiều đến vấn đề Biển Đông.
Cuối năm 2016 tình hình đã bắt đầu có những thay đổi khi ông Trump trước và sau khi trúng cử đã bày tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Tháng 11/2016, ông Trump đã tuyên bố ông sẽ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Sau khi đắc cử, Tân Tổng thống Mỹ đã tuyên bố trên truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, ông tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ, phô diễn sức mạnh quân sự và sẽ xem xét chính sách “Một Trung Quốc” (công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc). Ngay sau đó ông điện đàm với Tổng thống Đài Loan, làm Trung Quốc hết sức phẫn nộ.
Ông Trump cũng tố cáo Bắc Kinh xây dựng “một pháo đài khổng lồ” trên Biển Đông nhằm kiểm soát tuyến hàng hải có đến 5 nghìn tỷ USD thương mại hàng năm qua lại. Ông Trump khẳng định kiên quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước trên Biển Đông.
Đặc biệt gần đây khi Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ bảo vệ Nhật Bản. Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng tuyên bố: Không thể để Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục hành xử các quyền tự do ấy bằng cách đưa máy bay và tàu đến hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp Quốc tế cho phép.
Nhiều chuyên gia Quốc tế đã cảnh báo “bão tố đang hình thành” ở Biển Đông.
Trước thực tế ấy, Bắc Kinh đã lo ngại và tìm cách làm giảm căng thẳng với Mỹ. Ngày 07/02, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố: Không thể có xung đội giữa Trung Quốc và Mỹ vì cả hai bên sẽ thiệt hại, và cả hai bên cùng không có khả năng đó. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Canberra, Australia với người đồng cấp Julie Bishop, ông Vương Nghị khẳng định: Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Rõ ràng là Trung Quốc đang chuyển hướng từ “cá lớn nuốt cá bé” trước đây sang trò “mềm nắn rắn buông”. Hơn lúc nào hết các nước trong khu vực cần có thái độ cứng rắn với Trung Quốc.