Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBinh chủng tàu ngầm Việt Nam: Hải đội tàu ngầm đầu tiên

Binh chủng tàu ngầm Việt Nam: Hải đội tàu ngầm đầu tiên

Ngày 1.6.1982, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Đoàn Bá Khánh thành lập khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh “Đoàn 682” để tuyển chọn cán bộ chiến sĩ sang Liên Xô huấn luyện.

Giờ ăn trưa của thủy thủ tàu ngầm VN tại trung tâm huấn luyện, năm 1985 (Ảnh tư liệu).

Tháng 6.1984, trên cơ sở “Đoàn 682”, Tư lệnh Giáp Văn Cương ký quyết định thành lập hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân VN mang phiên hiệu là Hải đội 182 trực thuộc Bộ Tư lệnh hải quân.

3.000 người chọn 1

Đại tá Trần Văn Thịnh (67 tuổi), nguyên Trưởng phòng Bảo đảm hàng hải thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân (QCHQ) nhớ như in những năm 80 của thế kỷ trước, khi được giao nhiệm vụ phó thuyền trưởng khung tàu ngầm 1. Đầu năm 1980, khi đang là trung úy phó thuyền trưởng tàu tên lửa lớp E trực chiến trên vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), ông nhận quyết định về Đoàn an dưỡng 22 Hạ Long làm nhiệm vụ mới. Tại nơi đây, ông Thịnh và gần 100 cán bộ chiến sĩ trong QCHQ được triệu tập đều không biết mình sẽ đi đâu, làm gì. Vài tháng sau tìm hiểu mới té ra là vào lính tàu ngầm. Đại tá Thịnh nhớ lại và cười: “Việc chuẩn bị của cấp trên là nhìn xa trông rộng để làm chủ vùng biển. Tuy rằng không ít người vẫn băn khoăn: Tàu nổi vẫn còn chìm. Nữa là tàu ngầm, lặn là lặn mãi luôn”.

Ông Lưu Phương Bình, nguyên thủy thủ khung tàu ngầm 1, hiện đang sống tại Gia Lâm, TP.Hà Nội kể: Tiêu chuẩn đầu tiên chúng tôi phải vượt qua là hồ sơ lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt. Tiếp theo mới khám tuyển thể lực và đạt yêu cầu đi vào huấn luyện thể lực (chạy, leo đồi, bơi, cầu sóng, đu quay). Khó nhất là học tiếng Nga. Tháng 6.1984, khi đã về Hạ Long, đoàn bác sĩ của HQ Liên Xô sang VN khám tuyển lần cuối trước khi sang bạn học tập. Tính ra, khám 3.000 người chỉ chọn được 1. “Hồi ấy chế độ cho tàu ngầm chưa có, chúng tôi chỉ hơn đơn vị khác bữa ăn cơm no, nhiều thịt”, ông Lưu Phương Bình nói.

Học ngày học đêm

Trong ngôi nhà nhỏ bên đường Hồng Lĩnh (P.15, Q.10, TP.HCM), đại tá Nguyễn Đôn Hòa, nguyên Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật hải quân, không thể quên thời điểm 1980, khi mới tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Hải quân Leningrad (Liên Xô), về làm nhiệm vụ phiên dịch tại Lữ đoàn tàu chiến đấu 161 (BTL Vùng 3 HQ) thì nhận lệnh ra Hải Phòng nhận nhiệm vụ đặc biệt. Khác với mọi người, ông Hòa học rất nhàn do đã có 7 năm học ở Liên Xô, về nước làm nhiệm vụ phiên dịch tiếp xúc hằng ngày với chuyên gia Liên Xô sang Đà Nẵng giúp ta làm chủ các tàu pháo – tên lửa.

“Tôi và các cán bộ chiến sĩ được Bộ Quốc phòng phong quân hàm trước niên hạn, giao nhiệm vụ máy trưởng khung tàu ngầm 1, chỉ huy 21/46 thủy thủ trên tàu” – ông Hòa nhớ lại và nói thêm: “Hồi đầu ai cũng tưởng ngành máy – cơ điện quần áo bẩn thỉu, lấm lem dầu mỡ như tàu mặt nước. Nhưng khi xuống tàu mới biết là nhầm. Tàu ngầm máy chạy cực êm, hiện đại”.

Khung tàu ngầm VN đến Liên Xô khoảng cuối tháng 7.1984, ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga, thủ đô nước CH Latvia nằm bên bờ biển Baltic, cùng học tập với các bạn HQ Đức, Ba Lan, Ấn Độ, Cuba… Ban đầu, học viên học bổ sung tiếng Nga theo ngành nghề chuyên môn, sau đó mới học lý thuyết chuyên môn từ chuyên gia phục vụ lâu năm ở các tàu ngầm HQ Liên Xô. Trong khi các nước khác học hệ tàu đầu cao (Syria học tàu ngầm lớp 641, Ấn Độ học 877 – lớp Kilo 636…) thì VN chỉ học tàu ngầm diezen project 613.

“Hồi ấy rất thích Kilo 636 vì nó hiện đại, có radar tầm xa, sonar siêu âm định vị rất chính xác và nhất là có tên lửa, súng phòng không. Trong khi hệ tàu 613 của mình chỉ có ngư lôi và các thiết bị khác đều kém xa, kể cả điều kiện ăn ở” – ông Hòa nói.

Chuyển sang huấn luyện tại các buồng học có trang thiết bị như dưới tàu, thủy thủ VN dần chuyển xuống thực hành dưới tàu tại bến và ai cũng phải thuần thục các khoa mục như: chuẩn bị đi biển, tập cẩu, lắp đạn ngư lôi vào ống phóng, bảo vệ sức sống hạm tàu, phòng cháy chìm, thoát ra khỏi tàu qua ống phóng ngư lôi khi gặp sự cố, sử dụng thiết bị lặn, sơ cứu do giảm áp, bắn ngư lôi…

Ước mơ Kilo 636

Nói chuyện về đội hình 6 tàu ngầm Kilo 636 thế hệ mới của Lữ đoàn 189 – QCHQ bây giờ, đại tá Trần Văn Thịnh kể: Khoảng tháng 2.1985, Đô đốc Giáp Văn Cương – Tư lệnh HQVN, sang Liên Xô và xuống Trung tâm huấn luyện Riga thăm, động viên học viên VN đang học tập. Khi chào tạm biệt anh em, Tư lệnh Cương chợt nhìn thấy tàu ngầm loại 877 (tức tàu Kilo 636) của HQ Ấn Độ vừa tiếp nhận, ông bảo các học viên VN: “Trước mắt các đồng chí sử dụng loại 613 này cho tốt. Sau đó phải nghĩ tới việc làm chủ loại hiện đại kia” và kéo tay đồng chí Nguyễn Vũ Định (lúc ấy nguyên thuyền trưởng tàu tên lửa 4 ống phóng) chỉ chiếc tàu 6 ống phóng tên lửa của Liên Xô bán cho Libya đang huấn luyện cạnh đó: “Tàu mặt nước của ta cần phải có loại tàu kia. Nếu ta có, các anh quản lý sử dụng được không?”. Đồng chí Định rập gót chân: “Báo cáo! Được ngay ạ!”.

“Ước mơ của tư lệnh đã trở thành hiện thực. HQVN giờ làm chủ không chỉ tàu tên lửa 8 – 16 ống phóng mà cả tàu ngầm Kilo 636 thế hệ mới” – đại tá Thịnh nói.

Kết thúc khóa huấn luyện của khung hải đội, khung tàu ngầm 1, trong buổi lễ tốt nghiệp, thiếu tướng MaptinCon, Giám đốc Trung tâm huấn luyện, đánh giá: “Khung tàu ngầm VN là khung tàu tốt nhất trong các khung tàu của các nước đang học tập tại đây cả về ý thức tổ chức kỷ luật, kết quả học tập. Các bạn có đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ độc lập trên biển”.

RELATED ARTICLES

Tin mới