Hãng tin Reuters mới đây nhận định, ngân sách quốc phòng sắp tới của Trung Quốc sẽ dành cho hải quân nước này một khoản đáng kể trong bối cảnh Bắc Kinh muốn tăng cường sức mạnh trên toàn cầu và kiềm chế sự lấn lướt của Mỹ ở các vùng biển sâu.
Trung Quốc thường huênh hoang về việc tổ chức các hạm đội, được chia thành ba phần: phía Bắc (hạm đội Bắc Hải, vùng hoạt động – biển Hoàng Hải và vịnh Bột Hải), phía Đông (hạm đội Đông Hải, Biển Đông Trung Quốc, bao gồm cả eo biển Đài Loan), phía Nam (hạm đội Nam Hải, Biển Đông).
Bộ tư lệnh của Hạm đội được đặt tương ứng trong các thành phố Thanh Đảo, Ninh Ba và Trạm Giang. Vào đầu năm 2016, ba hạm đội đã hợp nhất thành một chỉ huy chính.
Thành phần của Hải quân Trung Quốc bao gồm: Lực lượng tàu ngầm, lực lượng tàu mặt nước, không quân của hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển, thủy quân lục chiến. Số lượng lên tới 235 nghìn người. Như vậy đến hiện tại, Hải quân Trung Quốc đứng đầu về số lượng các tàu ngầm chạy bằng diesel, tàu khu trục, tàu tên lửa và tuần tra, tàu đổ bộ, nhưng kém xa so với Hải quân Mỹ về trọng tải và công suất tàu đổ bộ.
Về số lượng các tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục Hải quân Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới. Tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đứng sau Hải quân Mỹ và Hải quân Nga; còn tàu khu trục đứng sau Hải quân Mỹ và Hải quân Nhật Bản).
Tuần cuối tháng 2-2017, mặc dù Trung Quốc không tiết lộ khoản kinh phí rót cho lực lượng hải quân, nhưng theo các nhà ngoại giao thì con số 139 tỉ USD mà Bắc Kinh cho là tổng chi tiêu quốc phòng chính thức năm 2016 có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Dự kiến tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 tới, Bắc Kinh sẽ công bố ngân sách quốc phòng năm 2017.
Phản ứng lại hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết tăng cường tàu chiến mới cho hải quân nước này cũng như “gây khó chịu” cho Trung Quốc khi đưa ra những cách tiếp cận khó dự đoán tại “những điểm nóng” bao gồm Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bắc Kinh tuyên bố cứng rắn sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách với hải quân Mỹ.
Để minh chúng cho tuyên bố này, hầu như không có tuần nào Trung Quốc không cho ra mắt khí tài mới của họ, như việc hạ thủy tàu do thám điện tử mới hồi tháng 1-2017. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, năm 2016 nước này đã biên chế 18 chiến hạm mới, bao gồm các tàu khu trục mang tên lửa, tàu hộ tống và khinh hạm mang tên lửa dẫn đường.
Trong những tháng gần đây, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện những bước đi đáng chú ý, bao gồm bổ nhiệm Phó Đô đốc Thẩm Kim Long- Tư lệnh Hạm đội Nam Hải và là người thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình- làm Tư lệnh Hải quân Trung Quốc; lần đầu tiên điều tàu sân bay Liêu Ninh đi qua Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan; đưa các chiến hạm mới đến những vùng xa xôi, bao gồm Vùng Vịnh- nơi Mỹ lâu nay đứng ra bảo vệ các tuyến hàng hải…
Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn còn thua kém Mỹ- quốc gia hiện có 10 tàu sân bay, trong khi đó hàng không mẫu hạm của Trung Quốc chỉ có 1. Thiếu tướng quân đội về hưu Từ Quang Dụ cho rằng, Bắc Kinh đã nhận thấy sức mạnh của Mỹ trên biển. Ông này thừa nhận: “Giống như trong một cuộc chạy đua marathon, Bắc Kinh đang tụt lại phía sau. Chúng ta cần một cú hích”.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng cường số lượng chiến hạm trong biên chế Hải quân Mỹ từ 290 chiếc hiện nay lên 350 chiếc được coi là “một trong những sự tăng cường quân sự lớn nhất trong lịch sử Mỹ”. Ông D.Trump cho đây là bước đi nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy hòng trở thành cường quốc quân sự. Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu ngắn hạn là trở thành lực lượng hải quân “hàng đầu” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong khi mục tiêu trung hạn là vươn sang Ấn Độ Dương.
Mỹ và Trung Quốc ai kiềm chế, ai lấn lướt ai?
Câu hỏi đang được trả lời không chỉ bằng lời nói ngoại giao mà bằng đô-la, và bằng những cuộc tập trận “sát tình huống”- cụ thể ở đấy là đánh chiếm đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa. Biển Đông luôn dậy sóng bởi những giấc mộng siêu cường.