Quân đội Nga sẽ bắn thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân thế hệ từ tổ hợp tàu hỏa mang tên Barguzin trong hai năm tới.
Một nguồn tin quân đội Nga mới đây tiết lộ với Sputnik rằng tổ hợp tàu hỏa chiến đấu (BZhRK) Barguzin sẽ phóng thử tên lửa đầu tiên trong năm 2019 và đưa vào hoạt động vào năm 2020.
Đoàn tàu Barguzin được trang bị 6 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars, trong đó mỗi tên lửa mang được tới 10 đầu đạn nhiệt hạch. Quân đội Nga dự kiến triển khai 5 trung đoàn Barguzin, mỗi trung đoàn bao gồm một tổ hợp tàu hỏa và hệ thống hỗ trợ.
Barguzin không phải hệ thống hoàn toàn mới. Nó là dự án hồi sinh các đoàn tàu mang phóng ICBM được Liên Xô triển khai từ thập niên 1960. Tổng cộng có 12 đoàn tàu đã được biên chế, mỗi tàu chở được 3 tên lửa RT-23 Molodets có tầm bắn 11.000 km. Nga đã loại biên hệ thống này từ năm 2005.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc định vị chính xác tọa độ phóng tên lửa của đoàn tàu này là bất khả thi, do vậy chúng được gọi là “đoàn tàu ma” hoặc “đoàn tàu tử thần”. Tổ hợp Barguzin không cần toa tàu đặc biệt với kích thước lớn bất thường. Bệ phóng tên lửa có thể nằm gọn trong các toa tàu bình thường, giúp chúng ẩn mình trước các hệ thống trinh sát và do thám của đối phương.
Hệ thống này cũng có thể phóng tên lửa từ mọi địa điểm trên hệ thống đường sắt của Nga, thay vì các khu vực đặc biệt như trước đây. Văn phòng nghiên cứu quân sự nước ngoài (FMSO) của quân đội Mỹ cho rằng Barguzin sẽ phục hồi bộ ba hạt nhân của lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN), bao gồm các giếng phóng cố định, bệ phóng di động trên khung gầm bánh hơi và đoàn tàu Barguzin.
ICBM phóng từ tàu hỏa có một số ưu điểm so với giếng phóng cố định. Đối phương không thể xác định được toàn bộ các đoàn tàu vào thời điểm bất kỳ, cho phép chúng cơ động và vận hành bí mật. Tuy nhiên, hệ thống này cũng có nhiều nhược điểm, khiến chúng không thể triển khai với số lượng lớn.
Quá trình vận hành và bảo dưỡng tên lửa trên tàu sẽ phức tạp hơn trong giếng phóng nhiều, đường ray cũng có thể bị chặn bởi lớp tuyết dày trong mùa đông khắc nghiệt của Nga. Điều đó khiến Barguzin chỉ có thể triển khai thường xuyên ở vùng khí hậu ấm.
Bên cạnh đó, mỗi khu vực chỉ có số lượng đường ray nhất định, hệ thống trinh sát của đối phương có thể tập trung vào các vùng nghi ngờ. Cuối cùng, nếu bị phát hiện, các bệ phóng di động sẽ dễ bị tiêu diệt hơn giếng phóng được gia cố chống vũ khí hạt nhân.