Bắc Kinh đang tìm cách đấu dịu với chính quyền Trump, cốt để kiếm lời. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chơi trò “dọa” trước “dụ” sau để mặc cả với Trung Quốc. Về dự báo Mỹ dưới thời D.Trump sẽ khai chiến với “công xưởng sản xuất của thế giới” ít có khả năng xảy ra.
Máy bay F16 của Mỹ được bán ra nhiều nước trên thế giới.
Một thực tế hiển nhiên là, khi đôi bên khai chiến về mậu dịch thì cả hai đều bị thiệt hại. Có thể Trung Quốc sẽ bị nặng hơn, vì Bắc Kinh cần kinh tế Mỹ hơn là kinh tế Mỹ cần Trung Quốc, bởi kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào xuất cảng nhiều hơn. Thống kê gần đây cho thấy xuất cảng của Trung Quốc đã giảm trong hai năm liền. Đó là điều đáng lo ngại, trong khi ấy kinh tế Mỹ không cần hàng rẻ của Trung Quốc bằng kinh tế Bắc Kinh cần sản phẩm cao cấp từ Washington.
Trước khi Trump đắc cử, Trung Quốc đã gửi tín hiệu “cảnh cáo” tới chính quyền Mỹ khi thông báo, nước này sẽ áp dụng thuế chống phá giá lên một số mặt hàng thức ăn gia súc nhập khẩu từ Mỹ ở mức cao hơn so với những gì từng được đề xuất hồi năm ngoái. Nếu ông Trump quyết áp mức thuế 45% như từng đe dọa lên 500 tỷ USD nhập khẩu mỗi năm từ đại lục, kinh tế Trung Quốc chắc chắn bị ảnh hưởng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, tiêu thụ 16% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt 1/4 con số trên, khoảng 120 tỷ USD. Nếu thương mại giữa hai nước đình trệ, Trung Quốc hiển nhiên sẽ mất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Bắc Kinh có nhiều cách khác để trả đũa.
Điều chắc chắn là, Trung Quốc không dễ dàng đầu hàng hoặc chuẩn bị các biện pháp hạn chế xuất khẩu như Nhật Bản từng làm với ngành xuất khẩu ô tô của mình vào những năm 1980. Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ đối kháng mạnh mẽ, có điều sự trả đũa chưa chắc đến ngay lập tức. Báo cáo của Bank of America nhận định như vậy về cuộc chiến thương mại đang rình rập giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, vấn đề gay cấn ở chỗ, thậm chí chỉ một trận “khẩu chiến” giữa hai nước cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư từ khá nhiều nơi khác trên thế giới.
Báo Trung Quốc Global Times đã cảnh báo việc áp đặt hàng rào thương mại lên các sản phẩm Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt hợp đồng máy bay Boeing sẽ bị thay thế bằng Airbus, doanh số iPhone và đồ điện tử Mỹ tại Trung Quốc sụt giảm mạnh, bắp và đậu nành Mỹ không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc nữa. Sắp tới Trung Quốc có thể cấm các doanh nghiệp nhà nước làm ăn với Mỹ, cấm xuất khẩu sang Mỹ một số mặt hàng thiết yếu, thậm chí làm ngơ những vụ ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ vốn làm “đau đầu” nhiều công ty Mỹ.
Cuộc chiến thương mại của Trump sẽ làm khốn đốn các ông lớn công nghệ, vốn phụ thuộc nhiều vào nhân công giá rẻ của Trung Quốc. IPhone là một ví dụ. Tất cả IPhone đều được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng chi phí lắp ráp này chỉ chiếm 4% giá trị gia tăng của một chiếc Iphone. Trong tình thế Trung Quốc mất Apple (nhà sản xuất IPhone) sẽ không nguy cấp bằng việc Apple mất công xưởng lẫn thị trường Trung Quốc. Các hãng công nghệ của Mỹ đứng trước nguy cơ mất cả nguồn nhân công rẻ lẫn thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Còn ở Mỹ, người dân sẽ phải trả giá. Các hàng rào thuế quan sẽ đẩy giá cả hàng hóa tại nước này lên cao và rất khó để người Mỹ tìm được nguồn hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc. Hàng vạn người sẽ mất việc làm. Cốt lõi của cuộc chiến thương mại mà Trump đề xuất là ông muốn “mang việc làm trở lại nước Mỹ”. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn, những người trông chờ vào D.Trump sẽ vỡ mộng, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ từ mức 4,9% hiện nay lên 9% vào năm 2020.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, ước tính cuộc chiến thương mại do Mỹ dẫn đầu có thể phải trả giá bằng hơn 4 triệu việc làm của người Mỹ trong khu vực tư nhân – điều này sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái. Các ngành công nghiệp phụ thuộc và xuất khẩu và sản xuất cho các khu vực như công nghệ thông tin, không gian và kỹ thuật cơ khí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc chiến thương mại cũng sẽ có tác động lan rộng sang những khu vực không liên quan trực tiếp đến thương mại quốc tế như phân phối bán lẻ và nhà hàng.
Cụ thể, việc Mỹ áp đặt các hình thức bảo hộ thương mại cho doanh nghiệp trong nước sẽ kích động trả đũa từ các đối tác thương mại của nước này, nạn nhân đầu tiên là các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu của Mỹ và nhân viên các công ty ấy. Những nhân viên với thu nhập thấp hơn hoặc vừa bị sa thải sẽ kéo theo sức mua giảm, làm ảnh hưởng các ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống. Viện Peterson dự đoán tỷ lệ người có việc làm sẽ giảm 5% ở bang Washington và 4% ở 19 bang khác.
Tương tự, một mô hình giả định của hãng phân tích Moody mới đây cho ra kết quả tương tự về tỷ lệ thất nghiệp, 9,5% vào năm 2019. Nghiên cứu của Moody dự đoán dù Trump áp các biện pháp bảo hộ lên các sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, những công ty Mỹ xưa nay lựa chọn nhân công Trung Quốc sẽ hoang mang không biết các biện pháp này kéo dài đến bao giờ chứ chưa vội vã chuyển công xưởng về trong nước.
Trong tương lai khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên rộng lớn hơn và ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn, nó có thể trở nên dẻo dai hơn trước các biến động bên ngoài.Tuy nhiên, những bất trắc từ bên ngoài mà Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt là chưa từng có tiền lệ và có khả năng là những bất trắc nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này bắt đầu chính sách mở cửa năm 1978.
Sự bất trắc ấy đang tích tụ dần đã tạo ra cảm giác về một cuộc khủng hoảng sắp đến và gây hại cho đầu tư và tiêu dùng. Bất cứ một hành động chiến tranh thương mại nào, dù nhỏ, hay bất cứ biện pháp trừng phạt nào dù chỉ là một phần cũng sẽ làm thị trường tài chính Trung Quốc lao đao và làm cho tình cảnh chảy máu tài sản vốn đã tệ hại sẽ còn trầm trọng hơn, từ đó gây thêm áp lực cho đồng NDT.