Wednesday, November 6, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ tài trợ tiền diễn tập quân sự, Campuchia hủy tập trận...

TQ tài trợ tiền diễn tập quân sự, Campuchia hủy tập trận với Australia

Campuchia đã quyết định hủy bỏ một cuộc tập trận quân sự đã lên kế hoạch từ trước với Australia để thể hiện lòng trung thành với Trung Quốc.

Tướng Chhum Socheat, ảnh: guancha.cn.

The Cambodia Daily ngày 1/3 đưa tin, tiếp tục phá vỡ mối quan hệ với các đối tác truyền thống, Campuchia đã quyết định hủy bỏ một cuộc tập trận quân sự đã lên kế hoạch từ trước với Australia để thể hiện lòng trung thành với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, Đại tướng Chhum Socheat cho biết:

“Chúng tôi đã đình chỉ các hoạt động huấn luyện chung với Australia trong thời điểm này. Chúng tôi dừng lại các hoạt động huấn luyện quân sự chung với nhiều quốc gia, vì Chính phủ muốn tập trung các lực lượng vũ trang duy trì an ninh cho bầu cử sắp tới”.

The Cambodia Daily lưu ý, mặc dù ông Socheat không liệt kê các nước có kế hoạch tập trận chung với Campuchia bị Phnom Penh đình chỉ, song quân đội nước này đã gây chú ý với quyết định hủy tập trận chung với Mỹ trong khi vẫn duy trì tập trận chung với Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, Campuchia và Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 1000 quân tham gia tại căn cứ quân sự chính của Campuchia ở tỉnh Kompong Speu. 

Một tháng sau đó, Campuchia hủy cuộc tập trận chung Angkor Sentinel đã có kế hoạch từ trước với Hoa Kỳ.

Tướng Socheat cho biết, cả Mỹ và Australia không cắt giảm kinh phí cho các cuộc tập trận chung này, chúng phải dừng lại hoàn toàn là do nhu cầu từ phía Campuchia.

Tất cả các cuộc tập trận hiện nay của quân đội Campuchia đều được Trung Quốc tài trợ ít nhất một phần kinh phí. Ông mong muốn mọi cuộc tập trận của Campuchia sẽ được Trung Quốc tài trợ (toàn bộ?).

Người phát ngôn chính phủ Campuchia ông Phay Siphan không giải thích lý do tại sao các cuộc tập trận chung với Mỹ, Australia bị hủy bỏ. Ông chỉ nói, đơn giản vì Bộ Quốc phòng có “nhiều lý do”.

Giáo sư John Blaxland từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng, Phnom Penh đã chịu áp lực rất lớn từ phía Trung Quốc để rút khỏi quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, và ở một mức độ thấp hơn với Australia hiện tại.

Việc này sẽ gửi một thông điệp (của Trung Nam Hải?) đến Australia, Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN khác.

Còn theo Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, ông Hun Sen đang tính toán khả năng chống lại sự can thiệp từ Hoa Kỳ và đồng minh vào cuộc bầu cử cấp xã sắp diễn ra:

“Nói cách khác, nếu có dấu hiệu cho thấy chính quyền can thiệp vào cuộc bầu cử cấp xã, một số quốc gia chắc chắn sẽ có phản đối ngoại giao và chính trị.

Trong một số trường hợp, các nước này có thể hủy các hoạt động hợp tác quân sự (với Campuchia) như một biện pháp trừng phạt.

Những người lính cả trong nước lẫn ngoài nước có thể tạo ra nguy cơ cho vai trò của ông Hun Sen.

Ít có khả năng Hun Sen lo sợ sự xuất hiện của một nhóm chống Trung Quốc trong đội ngũ sĩ quan, và ông muốn cắt đứt mối liên hệ giữa họ với quân đội bên ngoài.

Tối thiểu là Hun Sen không muốn lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện tại Campuchia trong thời gian bầu cử cấp xã, vì sợ họ có thể bị cuốn vào, hoặc can thiệp vào chính trị nội bộ Campuchia.

Hợp tác quân sự là một trong những kênh giúp Australia có cái nhìn sâu sắc và có thể gây ảnh hưởng đến các chính sách của Campuchia.

Mất đi kênh này có thể làm giảm ảnh hưởng của Canberra đối với chế độ của ông Hun Sen”.

RELATED ARTICLES

Tin mới