Việc Trung Quốc chưa tham gia Hiệp ước Thương mại Vũ khí quốc tế (ATT) khiến vũ khí nước này, đặc biệt là UAV giá rẻ đang hoành hành tại Trung Đông.
Để chen chân vào nơi được coi là thị trường vũ khí truyền thống của Mỹ và khiến sản phẩm do Israel sản xuất lép vế, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp máy bay không người lái (UAV) giá rẻ, vũ khí tấn công đi kèm mà không đặt bất cứ điều kiện gì với nước muốn mua.
Hiện nay, Iraq, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia là những khách hàng khá mới mua dòng vũ khí công nghệ cao này của Trung Quốc, trong khi thế giới lo ngại chúng sẽ ngày càng được sử dụng và góp phần làm tăng nhiệt khu vực điểm nóng chiến tranh này.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng Iraq công bố một video quay lại cảnh 1 UAV vũ trang của không quân nước này bắn tan xác một chiếc xe bán tải (pick-up) trên một con đường hẹp cùng 3 người đàn ông đứng quanh xe trên sa mạc ở Samara. Chiếc UAV phóng tên lửa tấn công là loại CH-4 Caihong do Trung Quốc chế tạo.
Trước đây, Trung Đông là nơi các UAV Mỹ chế tạo tung hoành nhưng nay Trung Quốc đã chen chân vào. Với loại UAV CH-4 Caihong Trung Quốc chào bán có khả năng tấn công đáng kinh ngạc, tính năng gần như bắt kịp loại MQ-9 Reaper của Mỹ, nhưng giá rẻ bằng một phần tư.
Tất cả những nơi mà Mỹ từ chối bán UAV, Trung Quốc đều đã bước chân vào như Iraq, Saudi Arabia, UAE, và Ai Cập. Vấn đề là không giống như Mỹ và nhiều quốc gia khác, Trung Quốc chưa tham gia Hiệp ước Thương mại Vũ khí quốc tế (ATT), nhờ thế có thể thoải mái xuất khẩu UAV và công nghệ liên quan.
Các tập đoàn vũ khí Mỹ thì muốn duy trì ưu thế về công nghệ bằng cách bán sản phẩm giá cao, không bán hoặc chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, Trung Quốc thì làm ngược lại: Bán rẻ, và sẵn sàng chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác chế tạo UAV với nước có nhu cầu. Trong khi mỗi chiếc Reaper Mỹ bán 30 triệu USD, Trung Quốc chỉ bán Caihong giá 1 triệu USD/chiếc.
Chuyên gia về UAV vũ trang thuộc tổ chức New America Foundation, Peter Singer cho rằng: “Việc Trung Quốc xuất khẩu UAV giá rẻ cạnh tranh với các hệ thống tương tự do Mỹ chế tạo sẽ bị Mỹ tìm cách hạn chế”. Caihong có tầm hoạt động 3.500km, có thể mang bom và tên lửa, dẫn đường cho những thứ vũ khí này đánh chính xác vào mục tiêu, và có thể bay lượn liên tục trong 40 giờ đồng hồ trên đầu mục tiêu.
Bà Rasha Abdul-Rahim – một nhà tư vấn về kiểm soát vũ khí, thì cho rằng việc Trung Quốc không ký kết ATT khiến nước này khỏi cần đắn đo khi bán vũ khí. “Bất cứ vụ buôn bán UAV nào đều sẽ bị cấm khi vũ khí đó bị phát hiện dùng cho tội ác diệt chủng, hoặc tội ác chống lại loài người”, bà Rasha nói.
Trước đây, Iraq đã công bố việc sử dụng phổ biến các UAV CH-4, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được cho là đã sử dụng UAV Trung Quốc trong chiến tranh tại Yemen. Dù chưa có báo cáo chính thức nhưng ảnh vệ tinh và ảnh phiến quân Houthi ở Yemen chụp sau khi bắn hạ UAV của hai nước này chính là CH-4.
Saudi Arabia đã từng bị các tổ chức như Human Rights Watch, Amnesty International Nghị viện Châu Âu (European Parliament) cáo buộc dùng UAV tấn công khiến thường dân Yemen thiệt mạng. Hồi đầu năm 2016, một số chuyên gia Liệp Hợp Quốc đã kêu gọi phải có một vụ điều tra để tìm bằng chứng vì có những cáo buộc sử dụng bạo lực chống lại con người ở Yemen. Saudi Arabia đã phủ nhận mọi sự cáo buộc.
Saudi Arabia cùng với quân các nước đồng minh gồm UAE, Bahrain và Morocco tham chiến tại Yemen đã mất 4 máy bay trong các hoạt động, mỗi nước mất 1 UAV. Do sử dụng UAV giúp giảm thiểu thiệt hại sinh mạng phi công, UAV sẽ ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.
Nhưng thông tin rò rỉ từ một báo cáo của Mỹ về thiệt hại do sử dụng UAV khẳng định có tới 90% số người chết trong các vụ UAV tấn công là chết oan, hay còn được gọi là “thiệt hại phụ”. Còn bà Rasha Abdul-Rahim khẳng định rằng “việc sử dụng UAV tấn công ở Yemen là mối nguy cơ tiềm ẩn”.
Dòng UAV do Trung Quốc sản xuất hiện đang trong tầm ngắm của nhiều khách hàng. Jordan quan tâm tới loại Wing-Loong, còn Pakistan thì hợp tác với Trung Quốc để chế tạo UAV chiến đấu cho mình, và đã thử nghiệm thành công loại UAV chiến đấu mang tên Burraq – phiên bản xuất khẩu của loại CH-3.