Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngBắc Kinh chưa bao giờ tổn hại bất kỳ nước nào, tương...

Bắc Kinh chưa bao giờ tổn hại bất kỳ nước nào, tương lai biển Đông tùy vào Mỹ

Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh đã sẵn sàng để đối phó với thách thức từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chiến hạm USS John S. McCain tuần tra theo lịch trình trên biển Đông vào 22/2/2017 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Ngày 4/3, tại buổi họp báo trước thềm khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Đại hội Đại biểu nhân đại toàn quốc Trung Quốc khóa XII, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, phát ngôn viên đại hội Phó Oánh chỉ trích, “các thế lực bên ngoài Trung Quốc đã can thiệp vào các vấn đề gây tranh cãi”.

“Hiện nay, cục diện biển Đông đang lắng dịu. Xu hướng tương lai phát triển như thế nào tùy thuộc vào ý định của nước Mỹ”, bà Phó cáo buộc các hoạt động trên biển Đông của Washington đang được mở rộng và khẳng định “sự hiện diện của Trung Quốc là có lợi cho an ninh khu vực”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, tại buổi họp báo, bà Phó Oánh cũng tìm cách xóa bỏ những lo ngại cho rằng Trung Quốc đặt mục tiêu thách thức trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu và thay thế vai trò siêu cường của Washington.

“Tương lai biển Đông phụ thuộc Mỹ”

Phát biểu của bà Phó đưa ra sau khi hải quân Mỹ tuyên bố nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, bao gồm tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson, bắt đầu các hoạt động tuần tra theo lịch trình trên biển Đông từ 18/2.

Trong khi phía Mỹ coi đây là động thái để khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển cũng như một nỗ lực nhằm trấn an các đồng minh, đối tác của Washington thì Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối và gọi đây là “sự đe dọa chiến lược”.

Theo SCMP, bà Phó Oánh bác bỏ những động thái của Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển Đông, bao gồm việc Bắc Kinh triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trên các đảo đá mà nước này chiếm đóng trái phép.

“Trung Quốc chưa bao giờ gây tổn hại đến bất cứ quốc gia nào” – bà Phó bao biện và khẳng định – “Biển Đông không được xếp vào những khu vực có nguy cơ [xảy ra tranh chấp] cao”.

Nghiên cứu viên cao cấp Vương Văn Phong thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh và Washington rõ ràng đã có những định nghĩa khác nhau về những nhân tố cấu thành quyền tự do hàng hải.

“Trong khi Mỹ khẳng định họ có quyền gửi tàu chiến tới vùng biển tranh chấp ở biển Đông thì Bắc Kinh luôn nhấn mạnh rằng, quyền tự do hàng hải không nên bao gồm việc triển khai các tàu quân sự”, Vương bình luận.

Chuyên gia quân sự Bắc Kinh, ông Lý Kiệt phân tích, Trung Quốc vẫn rất cảnh giác cho rằng các tranh chấp hàng hải sẽ phức tạp thêm bởi sự can thiệp đến từ nước Mỹ.

“Biển Đông sẽ trở thành khu vực ưu tiên của Mỹ khi nước này tạm thời giải quyết được các vấn đề ở khu vực Trung Đông”, Lý nói.

Ngoài ra, khi bàn về quan hệ Trung-Mỹ, bà Phó Oánh cho rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 2 đã giúp “thiết lập sự hài hòa” trong quan hệ song phương.

“Sự điều chỉnh trong chính sách của Mỹ có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, chắn chắn cũng sẽ tác động đến quan hệ Trung-Mỹ. Đương nhiên, mọi người đều hy vọng đây là những ảnh hưởng tốt, tích cực nhưng nếu là thách thức, Trung Quốc sẽ bình tĩnh đối phó”, bà này nói.

Theo Đào Văn Chiêu, nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, dù Trung Quốc lặp đi lặp lại bảo đảm rằng nước này sẽ không thách thức Mỹ về địa chính trị thì sự mất lòng tin chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn là một trở ngại lớn trong quan hệ Trung-Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới