Việc Malaysia ra lệnh trục xuất Đại sứ Triều Tiên Kang Chol là được nhận định là nghiêm trọng và hiếm gặp trong môi trường ngoại giao hiện đại.
Ông Kang Chol bị trục xuất do chính phủ Malaysia không nhận được
lời xin lỗi bằng văn bản từ Đại sứ quán Triều Tiên (Ảnh: Reuters).
Trao đổi với chúng tôi về diễn biến mới trong căng thẳng ngoại giao Triều Tiên-Malaysia, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD), nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia – nhận định:
“Triều Tiên có thể đáp trả bằng cách trục xuất Đại sứ Malaysia tại Bình Nhưỡng. Quan hệ hai nước sẽ chùng xuống một thời gian, nhưng rồi sẽ trở lại bình thường.”
Theo ông Trường, việc trục xuất Đại sứ Kang Chol sẽ không tác động nhiều đến quá trình điều tra và xét xử vụ công dân Triều Tiên bị sát hại, nhưng đây có thể xem là hành động bày tỏ thái độ bất bình của chính phủ Malaysia liên quan đến vụ án.
Trước đó, Ngoại trưởng Malaysia Anifagh Aman ngày 4/3 cho hay, Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol đã bị trục xuất.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia nêu rõ vào lúc 17 giờ ngày 28/2 vừa qua, các quan chức Bộ này đã có cuộc thảo luận với phái đoàn cấp cao Triều Tiên do ông Kim Song dẫn đầu.
Tại đây, Chính phủ Malaysia yêu cầu phía Triều Tiên xin lỗi bằng văn bản cho những cáo buộc trước đó của Đại sứ Kang rằng Kuala Lumpur từ chối trao trả thi thể của công dân Triều Tiên Kim Chol – người bị sát hại hôm 13/2, đồng thời cho rằng Malaysia “che giấu điều gì đó” và “thông đồng với các thế lực thù địch chống lại Bình Nhưỡng”.
Tiến sĩ Trường chỉ ra, đại sứ một quốc gia có thể bị chính phủ nước sở tại trục xuất “do vị đại sứ đó phạm sai lầm, hoặc do quan hệ hai nước xấu đi”.
Ông cho biết: “Có 3 cấp độ: Cắt đứt quan hệ ngoại giao; trục xuất đại sứ; trục xuất các nhân viên ngoại giao thấp hơn.
Trục xuất đại sứ là hành động nặng ở mức độ thứ hai, chỉ sau việc đình chỉ quan hệ ngoại giao. Đây là tín hiệu nghiêm trọng, cho thấy quan hệ song phương đã xấu đi đến mức khá tồi tệ, dù vẫn duy trì quan hệ ngoại giao. Bởi rất hiếm khi các quốc gia phải trục xuất đại sứ của một nước khác.”
Các đại sứ đã bị trục xuất thường không được chào đón quay trở lại nước “chủ nhà”, nhưng điều đó không đồng nghĩa với thái độ nhằm vào cá nhân vị đại diện ngoại giao. Nước sở tại sau đó thường sẽ chờ đợi những thay đổi về chính sách từ chính phủ quốc gia có đại sứ bị trục xuất, hoặc một tuyên bố báo hiệu sự thay đổi. Khi đó họ có thể cân nhắc đón nhận một đại sứ mới tới nước mình.
Theo Tiến sĩ Trường, “trong trường hợp thông thường, Triều Tiên có thể phản ứng Malaysia khi quan hệ xấu đi bằng cách rút Đại sứ về, nhưng điều này không nghiêm trọng bằng việc Đại sứ Triều Tiên bị chính phủ nước sở tại trục xuất.”
Việc trục xuất đại sứ nghiêm trọng ra sao?
Một trong những vụ việc tiêu biểu gần đây nhất là các đại sứ của Syria tại hàng loạt quốc gia phương Tây như Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Canada, Australia… bị trục xuất vào năm 2012, liên quan đến vụ thảm sát tại làng Houla, Syria tháng 5/2012 làm hơn 108 người thiệt mạng. Mỹ trục xuất tham tán Đại sứ quán Syria Zuheir Jabbour, bởi Đại sứ Imad Moustapha đã rời Mỹ một cách bất thường vào 1 năm trước đó.
Hồi tháng 12/2016, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga – hành động ở “mức độ thứ ba” theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nhằm trả đũa Moscow vì “can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ”, một cáo buộc mà Nga vẫn bác bỏ.
Còn theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), mức độ nghiêm trọng của việc trục xuất một đại sứ phụ thuộc vào lý do của nước sở tại.
Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961, trong đó hệ thống hóa các khái niệm như quyền miền trừ ngoại giao và sự bất khả xâm phạm của đại sứ quán, vẫn còn khá nhiều “khe hở” cho việc trục xuất các nhà ngoại giao.
Điều 9 của công ước này viết, “nước sở tại có thể, vào bất kỳ thời điểm nào và không cần giải thích lý do quyết định, thông báo người đứng đầu nhiệm vụ ngoại giao hoặc bất kỳ thành viên nào trong ngoại giao đoàn của nước đối tác là Nhân vật Không được Chào đón (Persona Non Grata), hoặc bất kỳ thành viên nào khác của đội ngũ nhân viên ngoại giao là không được đón nhận”.
“Trong trường hợp đó, quốc gia cử nhân viên ngoại giao có thể, hoặc triệu hồi cá nhân có liên quan, hoặc hủy bỏ vai trò của cá nhân đó đối với nhiệm vụ ngoại giao.”
Foreign Policy cho hay, dù không phải là một quy định, nhưng Ngoại trưởng nước chủ nhà thường sẽ triệu các quan chức từ đại sứ quán nước khác tới để trình bày rõ lý do họ bị trục xuất.