Kỳ họp Lưỡng hội (Quốc hội và Chính hiệp) Trung Quốc khai mạc hôm 5/3 là sự kiện chính trị lớn nhất trong năm 2017. Kỳ họp này sẽ đưa ra các quyết sách quan trọng của đất nước, được người dân mong chờ với nhiều kỳ vọng.
Trong việc phân bổ ngân sách thì ngân sách quốc phòng là mối quan tâm lớn của nhiều nhà phân tích quốc tế, nhất là gần đây Quân đội Trung Quốc đang tập trung phát triển vũ khí siêu thanh, nhằm xuyên thủng hệ thống chống tên lửa của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tại cuộc họp báo hôm 4/3, người phát ngôn kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh cho biết ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2017 sẽ tăng khoảng 7%, so với mức tăng 7,6% của năm 2016. Theo bà Phó Oánh, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn duy trì ở mức 1,3% tổng sản phẩm quốc nội.
Trong việc gia tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc chú trọng đầu tư phát triển các loại vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến tranh trên biển và trên không. Năm 2017 Quân đội Trung Quốc tập trung phát triển vũ khí siêu thanh.
Loại vũ khí này có thể đạt vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh và rất khó bị bắn hạ bởi hệ thống phòng chống tên lửa hiện tại.
Phát triển thành công vũ khí siêu thanh thì Bắc Kinh dễ dàng đè bẹp hệ thống phòng chống tên lửa hiện tại của Nhật Bản và Đài Loan là Patriot Advanced Capability-3 (PAC3). Cùng với quân đội, Bắc Kinh còn phát triển vũ khí siêu thanh thông qua “Dự án 089” của một công ty nhà nước. “Dự án 089” được cho là để phát triển vũ khí siêu thanh tầm xa nhằm chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Mỹ.
Đến nay Trung Quốc đã 7 lần thử nghiệm tên lửa siêu thanh và 6 lần thành công. Bắc Kinh đã xác nhận những vụ thử nghiệm nói trên. Tuy nhiên, việc nước này phát triển chương trình vũ khí siêu thanh tầm ngắn nhắm vào các mục tiêu ở Đông Á chỉ mới được phát hiện gần đây.
Trước sự đầu tư mạnh mẽ cho loại vũ khí mới nguy hiểm này của Trung Quốc, và để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ mình.
Hệ thống THAAD sẽ được triển khai tại một địa điểm thuộc khu vực Seongju, phía Đông Nam Seoul. Khu vực này là một phần sân golf thuộc sở hữu của tập đoàn Lotte. Phía Lotte đầu tháng 3/2017 đã thông qua thỏa thuận này với chính phủ.
“Chân mình thì lấm bê bê/ lại đem cầm đuốc đi rê chân người” là cái thói lâu nay của mấy ông Tầu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức phản đối quyết liệt hành động nói trên của Hàn Quốc. Tân Hoa Xã tuyên bố: “Trung Quốc tẩy chay hành động như vậy của Lotte”.Trung Quốc cũng đe dọa tẩy chay hàng hóa, sản phẩm văn hóa và giải trí đến từ xứ Hàn.
Truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng, nên xem xét cắt quan hệ ngoại giao nếu Hàn Quốc triển khai THAAD.
THAAD có hệ thống radar có khả năng thâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Vì thế, không có gì lạ khi Bắc Kinh khẳng định THAAD là một mối đe dọa an ninh của nước này.
Trở lại việc Trung Quốc phát triển vũ khí có tốc độ hàng chục nghìn km/h là quyết đối đầu với lá chắn tên lửa mà Mỹ và Nhật Bản thiết lập ở Đông Á.
Tờ Japan Times dẫn nguồn tin tạp chí quốc phòng Kanwa, cho biết, lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc gần đây đang phát triển chương trình vũ khí siêu thanh (phương tiện bay có tốc độ trên Mach 5, tương đương với 6.123 km/h). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản, Đài Loan thiết lập lá chắn phòng thủ tên lửa, cũng như kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn THAAD của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc đang phát triển vũ khí siêu thanh thông qua phương tiện mang phóng khác. Một công ty nhà nước Trung Quốc được chỉ định triển khai chương trình Project 089 nhằm phát triển vũ khí siêu thanh sẽ được phóng từ các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định lá chắn tên lửa của Nhật Bản có thể bị vô hiệu hóa nếu Trung Quốc phát triển thành công vũ khí siêu thanh.
Về năng lực phòng thủ tên lửa của Nhật Bản dựa trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của lực lượng Phòng vệ trên không và tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 trên các tàu khu trục Aegis của lực lượng Phòng vệ biển. Đài Loan cũng triển khai hệ thống phòng không PAC-3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ đã thỏa thuận triển khai Hệ thống đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Còn Mỹ và Nga cũng đang tích cực phát triển khả năng tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang phát triển chương trình Phương tiện tấn công nhanh toàn cầu HTV 2 có thể tấn công bất kỳ nơi đâu trên trái đất chỉ trong một giờ.
Riêng Nga đang phát triển tên lửa siêu thanh Zircon có khả năng phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 400 km chỉ trong 2,5 phút. Ngoài ra, Moscow được cho là đang phát triển phương tiện bay siêu thanh Yu-71 phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat.
Vậy là so với Nga và Mỹ, Trung Quốc tuy đã cố vươn lên những vẫn là kẻ đến sau.Lại thêm sự đe dọa của hai quốc gia sát nách là Hàn Quốc và Triều Tiên vốn “không phải dạng vừa” luôn bắt tay với nước lớn để qua mặt Trung Quốc.
Xem ra phải chi cho ngân sách quốc phòng lần này như vậy cũng là xót lắm khi kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng. Nhưng biết làm sao khi muốn giành ngôi bá chủ thế giới thì phải có vũ khí đáp trả vũ khí.
Chẳng rõ vũ khí siêu thanh của Trung Quốc có xuyên thủng bức tường vũ khí của mấy ông hàng xóm hay không. Có điều các nhà chức trách ở Trung Nam Hải và ở Bộ Quốc phòng đã khôn ngớt tuyên bố sẽ dạy cho các nước lân bang một bài học nếu cố tình ngả theo Mỹ mà chống lại Trung Quốc