Bản tin Biển Đông ngày 06/03/2017.
Tuyên bố vô trách nhiệm của Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc: “Tương lai tranh chấp Biển Đông sẽ phụ thuộc vào Mỹ”
Ngày 4/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, sau khi có thông tin các quan chức quân sự Mỹ cam kết với các nước đồng minh Châu Á sẽ đưa các tàu chiến tới tuần tra ở các vùng biển tranh chấp, bà Phó Oánh, Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc lớn tiếng phát biểu rằng tương lai tranh chấp Biển Đông sẽ “phụ thuộc đáng kể vào phía Mỹ vì các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đóng vai trò “thông điệp” ở một chừng mực nào đó”. Mặc khác, bà Phó lớn tiếng tuyên bố “Trung Quốc sẵn sàng đối phó với bất kỳ thách thức nào đến từ tân Tổng thống Donald Trump đối với quan hệ giữa hai nước” và “bác bỏ những lo ngại rằng Trung Quốc đang có ý đồ thách thức trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu và nhảy vào vị trí siêu cường thế giới của Mỹ”. Không những thế, bà này còn lớn tiếng chỉ trích những cáo buộc của Mỹ rằng lập trường quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông đang đe doạ tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, bao gồm các động thái của Bắc Kinh nhằm lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa trên các cấu trúc tranh chấp. Bà Phó còn nói rằng,
Tuyên bố nói trên có thể được xem là bất ngờ, bởi lẽ trước giờ Bắc Kinh luôn “đao to búa lớn” về “những nỗ lực gìn giữ hoà bình và ổn định” của nước này, đồng thời ngang ngược yêu cầu những nước không liên quan trực tiếp ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, không can thiệp vào tranh chấp. Liên quan đến những phát biểu này của bà Phó Oánh, một số học giả người Trung Quốc cũng đã có những nhận định riêng. Ông Wang Wenfeng, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Mỹ ở Viện Quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc khăng khăng cho rằng tự do hàng hải không bao gồm các tàu quân sự”, “khác với quan điểm của Mỹ cho rằng họ có quyền đưa tàu chiến vào các “vùng biển tranh chấp” ở Biển Đông”. Ông Li Jie, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh cũng ngang nhiên cảnh báo rằng Mỹ sẽ can thiệp và làm phức tạp tình hình tranh chấp biển ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc khoá 12: ngân sách quốc phòng sẽ tăng thêm 7% năm 2017
Ngày 4/3, hãng Tân Hoa xã đưa tin, trong cuộc họp báo bà Phó Oánh, Người Phát ngôn Quốc hội Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng năm 2017 của Trung Quốc sẽ tăng thêm 7% với lý do “Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng tiềm lực quân sự” nhằm đáp ứng “yêu cầu bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.Hãng này cho biết, mức 7% này được xem là “mức tăng ngân sách quốc phòng thấp nhất của Trung Quốc ít nhất là trong 10 năm qua, đánh dấu lần tăng thứ hai trong ngân sách quốc phòng”
Đề cập đến tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bà Phó một mặt khẳng định sẽ ủng hộ các cuộc đối thoại và giải pháp hoà bình nhằm giải quyết tranh chấp, mặt khác lại nói rằng “thế nhưng vào thời điểm này, Trung Quốc vẫn phải có tiềm lực để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình”, thậm chí còn bóng gió “Trung Quốc, cụ thể, sẽ ngăn ngừa các thế lực bên ngoài can thiệp vào những vấn đề này.” Bà này còn mạnh miệng cam kết “việc tăng cường tiềm lực của Trung Quốc là có lợi đối với hoà bình và ổn định của khu vực, chứ không phải là điều ngược lại”.
Mặc dù Trung Quốc đã liên tục “trấn an” cộng đồng quốc tế bằng những “cam kết với khu vực” song việc xây dựng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn là mối quan ngại sâu sắc đối với các các ước trong khu vực, cho thấy rõ hơn bao giờ hết lập trường ngày càng hiếu chiến của nước này trong các tranh chấp lãnh thổ, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ: Philippines cần khẳng định Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông
Ngày 5/3, tạp chí The Strait Times đưa tin, tại Hội thảo “Quan hệ Mỹ – ASEAN: Dự báo 40 năm tới”, một nhóm các quan chức cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khẳng định Phán quyết Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Đặc biệt, ông Ernest Bower, cố vấn cao cấp thuộc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS khẳng định việc Philippines tái khẳng định các yêu sách của mình thông qua Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông sẽ tạo được tiếng vang lớn bởi “các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 82% người dân Philippines muốn thấy vụ kiện Trọng tài “tiếp tục được tuân thủ và thi hành”, “đó là quyết tâm và mong mỏi của người Philippines” và tin tưởng quyết định “theo đuổi Phán quyết” của Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ là một quyết định khôn ngoan. Đồng thời, ông cũng tỏ ra lo ngại rằng nếu không tiếp tục đề cao Phán quyết, điều đó có thể gây nguy hại cho chủ quyền và an ninh của nước này.
Các quan chức Philippines đã tới thăm tàu sân bay của Mỹ trên Biển Đông
Ngày 5/3, tạp chí The Japan Times đưa tin, ngày 4/3, theo thông tin từ Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Philippines Molly Koscina, ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Carlos Dominguez, Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines và ông Vitaliano Aguirre II, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines cùng ba quan chức an ninh của Philippines đã tới thăm tàu sân bay USS Carl Vinson đang tuần tra trên Biển Đông. The Japan Times cho biết, chuyến thăm đã thể hiện sự tiếp nối những cam kết cấp cao giữa các quan chức chính phủ Philippines và quân đội Mỹ. Hiện tại, chưa có phản ứng nào từ phía Trung Quốc về sự kiện này. Trước đó, các quan chức Hải quân Mỹ cũng đã khẳng định với một nhóm các nhà báo đã tới Carl Vinson từ 3/3 rằng việc triển khai tàu chiến của Mỹ tới Biển Đông là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Động thái gây quan ngại mới: Trung Quốc khánh thành giàn thăm dò dầu khí trên Biển Đông
Ngày 5/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 4/3, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết Trung Quốc vừa mới khánh thành giàn khoan Bluewhale I, giàn khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông. Theo thông tin CCTV đưa, giàn khoan này có quy mô “ngang ngửa với một sân bóng với hệ thống khoan hiện đại có thể khoan xuống độ sâu đến 3658 mét và khoan sâu vào lớp vỏ trái đất đến 15.240 mét”. Đáng chú ý, CCTV tiết lộ rằng “Bluewhale I” được thiết kế “đặc biệt, dành riêng cho khu vực Biển Đông, nơi có nguồn dự trữ dầu khí chưa được khai phá nằm sâu 3000 mét hoặc hơn, dưới mực nước biển”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định, việc triển khai các giàn khoan lớn của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông từ trước tới nay đã gây ra quan ngại sâu sắc cho các nước láng giềng trong khu vực, nhất là Nhật Bản và Việt Nam.
Lấy cớ “bảo vệ hệ sinh thái và môi trường ở Biển Đông”, Trung Quốc ráo riết thúc đẩy việc xây dựng một căn cứ ở Hải Nam
Ngày 5/3, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 4/3, sau cuộc họp giữa các đại biểu tỉnh Hải Nam, ông Xiao Jie, Thị trưởng “Thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam cho biết “Chính quyền Trung ương đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường ở Tam Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield trên Biển Đông, tập trung vào việc bảo vệ sinh thái, tập trung vào sáu dự án, bao gồm khôi phục các đảo, đá, bờ biển, cung cấp hệ thống theo dõi môi trường biển và phủ xanh các “đảo””. Bên cạnh đó, ông cho biết Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc xây dựng một căn cứ khác ở Hải Nam để hỗ trợ hậu cần. Ông cũng tiết lộ thêm, thành phố đang lên kế hoạch “kết hợp” các công trình, cơ sở quân sự và dân sự trên các “đảo”, thậm chí còn ngang nhiên nói thẳng ra rằng, “các công trình dân sự trên đảo có thể được quân đội sử dụng”.
Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện nhiều hành động bất hợp pháp nhằm hợp lý hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.