Tất các các nước làm ăn với Trung Quốc đều phải rất thận trọng, đối với các nước phát triển thì nhanh chóng mở rộng sang các nước khác để tránh phụ thuộc, như Hàn Quốc phải mở rộng thị trường sang Ấn Độ và Indonesia để đa dạng hóa đầu tư và xuất khẩu. Còn các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia nếu như quá phụ thuộc hay tin tưởng Trung Quốc sẽ phải trả giá.
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc thông báo, ngày 6/3 hơn 10 trung tâm thương mại của Lotte tại Trung Quốc đã bị đóng cửa sau hoạt động “kiểm tra” của cơ quan chức năng sở tại. Seoul xem các hoạt động “kiểm tra” dẫn tới đóng cửa một số cửa hàng của Lotte là thủ đoạn sử dụng công cụ thương mại chống lại tập đoàn Hàn Quốc này với lý do Hàn Quốc đã sang nhượng đất cho quân đội Hàn Quốc bố trí trận địa phòng thủ tên lửa THAAD.
Lấy thương mại để gây sức ép về chính trị
Tại Trung Quốc, hiện tại Lotte có 115 trung tâm thương mại đang hoạt động. Năm 2015 hệ thống cửa hàng Lotte tại Trung Quốc đã mang về doanh thu khoảng 3,7 tỉ USD. Các trung tâm thương mại của Lotter bị Trung Quốc đóng cửa nằm ở Đan Đông, gần biên giới với CHDCND Triều Tiên. Nhà chức trách Trung Quốc đóng cửa 2 trung tâm thương mại này của Lotte với lý do liên quan đến an toàn cháy nổ.
Một làn sóng biểu tình tại Trung Quốc, xuất hiện nhiều hình ảnh các cuộc biểu tình trước chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại của Lotte. Những bức ảnh khác cho thấy các trung tâm này phải tạm đóng cửa.
Những người biểu tình Trung Quốc mang theo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung: “Lotte Hàn Quốc đã tuyên chiến với Trung Quốc!”, hay “Lotte ủng hộ THAAD thì phải cút khỏi Trung Quốc!”. Các cuộc biểu tình như vậy xảy ra sau khi một cuộc tấn công mạng có địa chỉ IP từ Trung Quốc tấn công vào trang web của Lotte Duty Free.
Hôm nay cổ phiếu của Lotte Shopping Co Ltd trong đó Lotte Mart là một bộ phận kinh doanh, đã giảm 4%. Các công ty lữ hành Trung Quốc ở Bắc Kinh đã ngừng bán các chuyến du lịch đến Hàn Quốc kể từ 15/3. Trung Quốc cũng đã hủy lời mời Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan tham dự Diễn đàn Bác Ngao năm nay.
Chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về các biện pháp kinh tế Trung Quốc sử dụng chống lại Seoul, nước này sẽ theo dõi sát tình hình và có biện pháp phản ứng. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc khẳng định, biện pháp trả đũa sẽ được thực hiện thông qua luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hay hiệp định tự do thương mại Hàn – Trung.
Ngoài Lotte và ngành du lịch, ngành giải trí Hàn Quốc cũng đang trở thành nạn nhân của Trung Quốc. Trước mắt, tất cả các công ty trực tuyến hàng đầu Trung Quốc đã hủy bỏ các chương trình giải trí hợp tác với Hàn Quốc.
Trước đó, Tân Hoa Xã ngày 27/2 đã có bài xã luận đe dọa Lotte rằng, tập đoàn này đã “mở chiếc hộp Pandora” sau khi chấp thuận nhượng đất cho quân đội Hàn Quốc triển khai THAAD ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang.
Hãng thông tấn Trung Quốc lập luận, THAAD không có khả năng đánh chặn tên lửa từ CHDCND Triều Tiên vì nó được thiết kế bắn hạ tên lửa ở độ cao từ 40 đến 150 km. Trong khi tên lửa Bình Nhưỡng chỉ bay ở độ cao thấp hơn 20 km.
Bắc Kinh và Moscow tin rằng, hệ thống ra đa của THAAD có khả năng phát hiện mục tiêu trong bán kính 2000 km, vào sâu lãnh thổ Trung Quốc và Nga nên sẽ cho phép Mỹ theo dõi các chuyến bay, phóng tên lửa mà 2 nước này thực hiện.
Cả Bắc Kinh và Moscow đã đồng ý sẽ có biện pháp đối phó thêm một khi THAAD được triển khai.
Thấy gì từ vụ giàn khoan 981
Theo tờ Daily ngày 14/2 có bài bình luận trên báo nhận định, Hàn Quốc nên học cách Việt Nam ứng phó với Trung Quốc, đừng để Bắc Kinh bắt nạt. Nếu vì áp lực Trung Quốc sử dụng các thủ đoạn thương mại mà Seoul chấp nhận bỏ kế hoạch lắp đặt THAAD, sẽ là một thất bại chiến lược đối với đất nước này.
Hàn Quốc nhận định, là nước có biên giới chung với 14 quốc gia, dường như Trung Quốc luôn có khuynh hướng gây hấn với láng giềng. Năm 1962 họ tiến hành cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ, năm 1979 họ tấn công biên giới Việt Nam.
Hiện tại, Trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp các đảo ở Biển Đông với các nước trong khu vực, như Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Singapore… trên Biển Đông. Tuy nhiên theo Hàn Quốc, Bắc Kinh không chống lại các nước láng giềng và khu vực Đông Nam Á này một cách hiếu chiến như đang làm với Seoul.
Việt Nam và Hàn Quốc đều phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm 2015, tỉ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc là 23,6%, còn Việt Nam là 20,3%. Tuy nhiên với Việt Nam, Trung Quốc không quá đáng sợ. Người Việt Nam đã chiến đấu chống lại những lần xâm lược từ Trung Quốc trước đây.
Theo tác giả, năm 1979 Trung Quốc phát động cuộc tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam với 200 ngàn quân, cuối cùng phải rút lui sau khi bị thương vong hơn 20 ngàn người.
Năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp, người Việt Nam đã xuống đường phản đối hành động này trên khắp cả nước.
Với sự phản ứng mạnh mẽ đó của người Việt, Bắc Kinh nhận thức được rằng mọi thủ đoạn trả đũa về kinh tế đối với Việt Nam sẽ không làm thay đổi được gì. Nhưng Hàn Quốc hầu như không dám chống lại. Bây giờ, Seoul đang do dự về quyết định THAAD do lo ngại sự trả đũa từ Trung Quốc. Liệu Hàn Quốc thiệt hại ra sao?
Các chuyên gia cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ cố gắng kiềm chế Seoul bất cứ khi nào và Hàn Quốc có thể trở thành nạn nhân của Trung Quốc như những gì Phần Lan đã phải chịu từ ảnh hưởng kinh tế của Liên Xô, mặc dù hai nước này không có liên hệ gần gũi về chính trị.
Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với một kết cục như Phần Lan, không chỉ mất độc lập về chính trị, mà kinh tế có thể bị hủy hoại một khi kinh tế Trung Quốc biến động. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, tổng sản phẩm trong nước của Phần Lan đã giảm 10%, tỉ lệ thất nghiệp tăng 18% do mối liên hệ chặt chẽ của kinh tế Phần Lan vào kinh tế Liên Xô.
Do đó theo các chuyên gia, để tránh đi theo vết xe đổ này, Hàn Quốc phải chấp nhận đối mặt với khó khăn, bất chấp những hậu quả ngắn hạn.
Nhớ lại năm 1880 một sứ giả của triều Thanh sang Nhật Bản đã “khen ngợi” một đối tác người Anh vì biết “chế ngự” người Triều Tiên. Sứ thần nhà Thanh nói với sứ giả Anh rằng, phải xem người Hàn như những đứa con: “Chúng sẽ trở nên ngoan ngoãn nếu bạn lộ cơ bắp của mình đúng thời điểm, trong khi làm ra vẻ tế nhị”.
Theo các học giả, Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng thủ đoạn này. Hàn Quốc cần phải mở rộng thị trường sang Ấn Độ và Indonesia để đa dạng hóa đầu tư và xuất khẩu. Quá phụ thuộc hay tin tưởng Trung Quốc, người Hàn Quốc sẽ phải trả giá.
Nhà báo này lưu ý thêm, hiện tại cuộc xung đột Trung – Hàn bắt nguồn từ ý chí của Washington chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ CHDCND Triều Tiên. Nhưng sẽ không công bằng nếu Hàn Quốc phải gánh tất cả rủi ro. Vì vậy chính phủ Hàn Quốc nên yêu cầu các quan chức Mỹ bảo vệ lợi ích của Hàn Quốc, làm giảm tối đa thiệt hại trong cuộc chơi quyền lực giữa 2 siêu cường này.
Hợp tác quốc tế chống lại chính trị hóa thương mại
Những gì đang diễn ra ở Đông Bắc Á và cách Trung Quốc sử dụng các đòn thương mại để tấn công đối phương cũng giống như những gì Bắc Kinh đã gây ra cho Philippines sau cuộc khủng hoảng Scarborough tháng 4/ 2012 dẫn tới vụ kiện lịch sử tháng 1/ 2013.
Những thủ đoạn kinh tế cũng đã được Trung Quốc sử dụng để trả đũa Nhật Bản vì các tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông. Còn với Việt Nam, người Trung Quốc đã và đang khiến không ít nông dân điêu đứng vì những thủ đoạn phá hoại kinh tế rất tinh vi và khó đối phó.
Điều này một lần nữa minh chứng, những tuyên bố về tự do thương mại và toàn cầu hóa mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ vừa qua cũng chỉ dừng lại ở mức “ảo thuật ngôn từ” mà thôi.
Các đòn bẩy kinh tế, thương mại, đầu tư và kể cả chủ nghĩa dân túy có thể trở thành công cụ chính trị để Trung Quốc chống lại láng giềng bất cứ khi nào cơm không lành, canh không ngọt.
Lúc này khi phải đối mặt với những ngón đòn thương mại từ nước láng giềng lớn nhất Đông Á, có lẽ Hàn Quốc mới thấy rằng mọi sự diễn ra trong khu vực Đông Á đều liên hệ với nhau, không thể cháy nhà hàng xóm bình chân như vại.
Đã đến lúc cần tính đến một chiến lược tổng thể để hóa giải những ngón đòn hiểm đánh dưới thắt lưng này cùng với các quốc gia khác trong khu vực, thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương.
Đã đến lúc Seoul cũng nên thể hiện rõ ràng thái độ quan điểm về vấn đề Biển Đông, ủng hộ Phán quyết Trọng tài – một biểu trưng của luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang chống lại, không thể “trung lập trong im lặng” mãi được.
Đối phó với các thủ đoạn chính trị hóa thương mại, cần có sự hợp tác đa phương và toàn diện giữa các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cùng với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, ASEAN…
Tuy nhiên, cuộc so găng này rất cần sự tỉnh táo, bình tĩnh, sáng suốt, quan trọng nhất là củng cố được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ quốc gia, dân tộc, cũng như giữa những quốc gia có cùng chung lợi ích trên nền tảng bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế.
Mọi ý đồ sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để theo đuổi các mục tiêu chính trị có thể sẽ phải trả giá, vì chủ nghĩa dân túy luôn luôn là một con dao hai lưỡi.