Trung Quốc được cho là có ảnh hưởng với Triều Tiên vì Bình Nhưỡng phụ thuộc nhiều về kinh tế vào Bắc Kinh.
Malaysia phong tỏa sứ quán Triều Tiên.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể là bên trung gian giải quyết khủng hoảng ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên xung quanh nghi án Kim Jong-nam. Triều Tiên đã áp đặt lệnh cấm xuất cảnh với tất cả công dân Malaysia ở nước này. Malaysia sau đó có động thái đáp trả tương tự.
Trung Quốc được coi là sự lựa chọn tốt nhất cho vai trò này, vì họ có quan hệ chặt chẽ với cả hai nước, theo Bernama.
“Malaysia có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) nhưng sẽ mất một thời gian dài. Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ phớt lờ bất kỳ áp lực nào từ cơ quan quốc tế”, chuyên gia địa chính trị Malaysia Azmi Hassan nói.
“Vì vậy, lựa chọn tốt nhất là sử dụng quan hệ gần gũi của Trung Quốc với Triều Tiên để cho Bình Nhưỡng biết là nếu căng thẳng đối với Malaysia tiếp tục kéo dài, họ có thể vô tình tạo cơ hội cho các đối thủ như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc can thiệp.
Theo ông, Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn đối với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cũng tin tưởng vào Kuala Lumpur, vì vậy điều này làm cho Trung Quốc trở thành một bên lý tưởng để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Hassan cho rằng Triều Tiên sẽ không có hành động quân sự chống lại Malaysia. “Triều Tiên sẽ không đi xa đến mức hành động quân sự. Họ biết kẻ thù thực sự của họ là ai, và đó không phải là Malaysia”, ông nói.
“Nói cho cùng, Malaysia không muốn thù địch với họ, Malaysia chỉ muốn giải quyết vụ việc và tìm ra sự thật đằng sau vụ sát hại Kim Chol”, ông nói thêm.
Chuyên gia Luật pháp Quốc tế của Đại học Hồi giáo Malaysia Mohd Yazid Zul Kepli cho biết động thái trả đũa của Malaysia là cấm người Triều Tiên rời khỏi nước này không vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo ông, có một khái niệm theo luật quốc tế được gọi là trả đũa – một quốc gia có thể hành động mâu thuẫn với luật pháp nếu nước khác thực hiện điều đó chống lại họ. “Ví dụ, nếu một nước láng giềng tịch thu tài sản của Malaysia ở nước họ, Malaysia cũng có thể chiếm giữ tài sản của nước láng giềng ở Malaysia có cùng giá trị”, ông nói.
“Trung Quốc không có sự kiểm soát trực tiếp đối với Triều Tiên, nhưng họ có ảnh hưởng, một phần vì Triều Tiên lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc – khoảng 90% thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc”, Hazel Smith giáo sư tại Đại học Miền Trung Lancashire, Anh, nói.
“Trung Quốc chắc chắn không ủng hộ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Triều Tiên và có thể chuẩn bị sử dụng một số ảnh hưởng đằng sau hậu trường để giải quyết vấn đề công dân Malaysia bị giữ ở Triều Tiên”, bà Smith nói.
Mặc dù không có gì đảm bảo rằng sự tham gia của Trung Quốc có thể làm dịu lập trường của Triều Tiên, Malaysia cần phải khai thác mọi biện pháp có thể, bao gồm tìm kiếm sự can thiệp từ Nga.
“Điều quan trọng nhất là Malaysia cần phải có được sự ủng hộ quốc tế nhiều nhất có thể để gây sức ép với Triều Tiên bãi bỏ lệnh cấm và giải quyết vụ sát hại công dân Triều Tiên một cách thân thiện”, ông nói thêm rằng Malaysia cũng có thể mang vụ việc lên các tổ chức quốc tế như ASEAN, Phong trào Không liên kết (NAM), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Hội đồng Bảo an LHQ và Đại hội đồng LHQ.
“Malaysia không có đòn bẩy đối với Triều Tiên ngoại trừ việc họ giữ thi thể của Kim Jong-nam, vì vậy, cuộc khủng hoảng này có thể kết thúc nếu thi thể được bàn giao và tất cả người Triều Tiên ở Malaysia trở về Triều Tiên. Nhưng Malaysia có thể quốc tế hoá tình hình và đưa vụ việc lên Hội đồng Bảo an LHQ”, Christoph Bluth, giáo sư Đại học Bradford, nói.
Sẽ rất khó đoán trước điều gì có thể xảy ra nếu Malaysia muốn truy tố công dân Triều Tiên hoặc nếu có người Triều Tiên ở Malaysia quyết định đào tẩu thay vì trở về nhà, ông nói.
“Trong kịch bản này, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn bởi vì Triều Tiên sẽ yêu cầu họ trở lại”, Bluth nhận xét.
Giáo sư William Case nhấn mạnh tính khó đoán của Triều Tiên, đồng thời cũng nói thêm rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể hạn chế, theo Today Online.
“Trung Quốc có thể đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề này nhưng chúng ta phải suy nghĩ thực tế về mức độ ảnh hưởng và độ sẵn sàng của Trung Quốc trong việc đối phó với Triều Tiên”, Shahriman Lockman, từ Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (ISIS), nói.