Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên định "hủy diệt" căn cứ quân sự Iwakuni ở Nhật...

Triều Tiên định “hủy diệt” căn cứ quân sự Iwakuni ở Nhật Bản

Các chuyên gia về lĩnh vực tên lửa cho rằng mục tiêu tấn công trong vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3 của Triều Tiên là nhằm vào căn cứ Iwakuni của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản.

Cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc có thể là nguyên
nhân khiến Triều Tiên cùng lúc phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 6/3.

Japan Times đưa tin theo đánh giá của giới chuyên gia, 4 quả tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng hồi đầu tuần có thể là loại Scud đã được cải tiến nhằm tăng tầm bắn.

Ngay cả, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cũng tuyên bố vụ phóng hôm 6/3 là nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật cũng như là hành động dằn mặt Washington trong bối cảnh quân đội Mỹ – Hàn tiến hành tập trận chung.

Hai nhà nghiên cứu David Schmerler và Jeffrey Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California nhận định thông qua những hình ảnh mà KCNA đăng tải bao gồm một bản đồ chi tiết về tầm bắn của 4 quả tên lửa, rõ ràng, vụ phóng hôm 6/3 là nhằm mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào căn cứ Iwakuni.

“Đây là lần đầu tiên Triều Tiên nói rõ mục tiêu của vụ phóng là mô phỏng khả năng tấn công các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản. Còn hồi năm ngoái, một đơn vị tên lửa của Triều Tiên đã cho phóng tên lửa Nodong để mô phỏng vụ tấn công hạt nhân nhằm vào thành phố Busan của Hàn Quốc”, ông Lewis chia sẻ với tờ Japan Times.

Trước đó, vào tháng 7/2016, KCNA cũng ra thông báo về việc Triều Tiên tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng các điều kiện tổ chức tấn công phủ đầu nhằm vào sân bay và cầu cảng tại Hàn Quốc.

Theo Japan Times, trong số những bức ảnh được KCNA công bố hôm 7/3 sau vụ phóng 4 quả tên lửa đạn đạo còn có một tấm bản đồ mô phỏng đường bay của các tên lửa khi được phóng từ khu vực Hwangju của Triều Tiên tới các khu vực nằm gần hai thành phố cảng phía nam của Hàn Quốc là Ulsan và Busan.

Tuy nhiên, dựa theo tầm bắn khoảng 1.000 km của 4 quả tên lửa trước khi rơi xuống khu vực bờ biển thuộc hai tỉnh Aomori và Akita của Nhật Bản, ông Schmerler cho rằng kế hoạch ban đầu của Triều Tiên có thể là nhằm vào căn cứ không quân của Mỹ ở thành phố Misawa thuộc tỉnh Aomori. Do đó, nhiều khả năng loại tên lửa mà Triều Tiên phóng chính là Scud.

Song ông Lewis lại cho rằng, các căn cứ quân sự Sasebo của Mỹ ở tỉnh Nagasaki và căn cứ Iwakuni cũng đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Scud khi tên lửa này được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Sohae thuộc bãi phóng Tongchang-ri của Triều Tiên. Đây cũng chính là nơi Triều Tiên cho phóng 4 quả tên lửa hôm 6/3.

Sau khi so sánh các tấm bản đồ, cuối cùng, hai nhà nghiên cứu đi tới kết luận rằng tầm bắn của 4 quả tên lửa được Triều Tiên phóng hồi đầu tuần tương tự như tầm bắn mà Bình Nhưỡng thực hiện trong đợt diễn tập giả định tấn công thành phố Busan của Hàn Quốc hồi tháng Bảy năm ngoái. Và căn cứ Iwakuni của lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ ở tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản “chính là mục tiêu giả định trong đợt phóng tên lửa hôm 6/3 của Triều Tiên”.

Căn cứ Iwakuni của Mỹ ở Nhật Bản hiện còn là nơi đóng quân của Phi đội bay số 31 thuộc Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) cùng nhiều đơn vị khác của MSDF. Căn cứ Iwakuni hiện có khoảng 15.000 binh lính đang hoạt động bao gồm cả quân nhân Nhật Bản.

Đặc biệt, Iwakuni còn là căn cứ quân sự đầu tiên có sự xuất hiện của các chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35B của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai F-35B tới các căn cứ quân sự nước ngoài và tại Nhật Bản là tháng Một năm nay.

Tuy nhiên, những vụ phóng liên tiếp trong thời gian gần đây mà không hề bị giới tình báo nước ngoài phát hiện trước thời điểm xảy ra vụ phóng đã cho thấy, năng lực tên lửa của Triều Tiên vượt qua những gì mà giới chuyên gia từng đánh giá.

Chia sẻ với tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Nathan Hunt tại Công ty Tư vấn chính sách và chiến lược Sentinel ở Washington cho rằng, Triều Tiên đang phát triển “năng lực hoạt động của tên lửa tương đương giai đoạn thời chiến”.

RELATED ARTICLES

Tin mới