Một nghị sĩ cấp cao của Nga hôm nay (7/3) tuyên bố, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc là hành động vi phạm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược – START mới và đây có thể sẽ là một trong những lý do thúc đẩy Nga rút khỏi hiệp ước.
Các phần của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD hôm qua (6/3) đã được vận chuyển đến Căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek, cách phía nam thủ đô Seoul 43 dặm, báo chí Hàn Quốc hôm nay dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết. Diễn biến này cho thấy Mỹ và Hàn Quốc quyết tâm thúc đẩy nhanh kế hoạch triển khai hệ thống THAAD.
Phản ứng trước thông tin trên, ông Viktor Ozerov – Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, cảnh báo: “Hoạt động triển khai này vi phạm sự cân bằng được đề cập đến trong hiệp ước START mới. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ là một trong những điều kiện để Nga rút khỏi hiệp ước như đã được quy định trong nội dung hiệp ước”.
Nga sẽ đối phó với thách thức đặt ra từ hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, ông Ozerov cảnh báo thêm. Theo ông này, quân đội Nga dự kiến sẽ phác thảo ra một loạt biện pháp đáp trả. “Đây là một thách thức khác đối với Nga và chúng tôi sẽ xử lý thách thức đó”, ông Viktor Ozerov nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga cho hay, “Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga sẽ tiến hành phân tích, rút ra kết luận và trình đề xuất về các biện pháp đáp trả lên giới lãnh đạo”.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.
Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua.
Nga và Mỹ là hai cường quốc mạnh nhất thế giới về vũ khí hạt nhân. Năm 2010, hai nước này đã ký kết Hiệp ước Nga-Mỹ về Các biện pháp cắt giảm và hạn chế Vũ khí tấn công chiến lược, hay còn gọi là START mới. Hiệp ước có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã quy định, số đầu đạn hạt nhân được triển khai của hai siêu cường hạt nhân Nga, Mỹ sẽ phải cắt giảm xuống còn 1.550 đơn vị mỗi bên, tương đương với mức giảm khoảng 30%. START mới giới hạn số bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng mang theo vũ khí hạt nhân của Nga, Mỹ xuống còn 800 đơn vị mỗi bên. Trong khi đó, số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm và máy bay ném bom mang theo vũ khí hạt nhân được hạn chế ở con số 700. Điều này có nghĩa là kho vũ khí khổng lồ của Nga và Mỹ sẽ được cắt giảm đáng kể.
Hiệp ước trên đang có nguy cơ đổ vỡ khi Mỹ tố Nga triển khai các tên lửa hành trình tấn công trên mặt đất, vi phạm Hiệp ước 1987 cấm các tên lửa tầm trung của Nga và Mỹ trên mặt đất. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố muốn xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân của Mỹ để đảm bảo kho vũ khí này “mạnh nhất thế giới”.