“VN đã bị thế giới cảnh báo sẽ trở thành 1 trong những quốc gia ô nhiễm nặng. Nếu còn kêu gọi đầu tư dễ dãi thì hậu quả sẽ nặng nề”.
Dù chưa có báo cáo ĐTM nhưng Bắc Giang vẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy
Trái quy định pháp luật
Thời gian gần đây dư luận và báo chí xôn xao trước việc Công ty TNHH JA Solar VN (JA Solar) thuộc Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) đang gấp rút xây dựng 1 nhà máy cực lớn ở Bắc Giang với vốn đầu tư 280 triệu USD (khoảng 6.000 tỉ đồng) nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) bày tỏ nhiều lo ngại trước việc Bắc Giang đồng ý cho phía doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy khi chưa có ĐTM.
Theo TS Tuấn, việc chế tạo ra các tấm pin năng lượng mặt trời cũng chứa đựng rủi ro trong việc gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát tốt. Đây có thể là một trong những nguyên nhân để lý giải sự chậm trễ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đánh giá về quyết định của Bắc Giang trong trường hợp này, TS Lê Anh Tuấn khẳng định hoàn toàn không đúng theo các quy định của pháp luật.
“Quy định đã nói rất rõ là phải có báo cáo ĐTM trước khi được phê duyệt và xây dựng. Nếu nhà máy không làm đánh giá tác động môi trường mà vẫn được phê duyệt để xây dựng thì vi phạm quy định của pháp luật.
Thực ra bất cứ một nhà máy nào đó khi hoạt động, vận hành cũng tạo ra một chất thải, một nguy hại khác nhau. Ở đây tạo ra pin năng lượng mặt trời về cơ bản là tốt nhưng quá trình sản xuất sẽ tạo ra một số chất thải. Chất thải đó phải được xử lý. Vấn đề là chất thải đó xử lý như thế nào?
Bây giờ dư luận đang quan tâm là nhà máy không có ĐTM nhưng vẫn xây dựng, chưa có thẩm định. Giả sử sau này khi thẩm định chúng ta phát hiện quy trình này xử lý không hoàn toàn loại bỏ hết được chất thải thì làm cách nào để doanh nghiệp sửa lại nhà máy, kích thước, thiết bị. Như vậy là cơ quan quản lý phải có trách nhiệm trong chuyện này”, TS Tuấn khẳng định.
Cùng đưa ra ý kiến, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, trên thế giới việc sản xuất pin năng lượng mặt trời nhiều nơi đã tẩy chay trong số đó có Mỹ. Bởi vì quá trình sản xuất chứa đựng nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không xử lý tốt và kiểm soát gắt gao.
“Khi dự án chưa có đánh giá tác động môi trường chính xác, chuẩn xác thì chưa thể làm được. Bắc Giang cho phía doanh nghiệp Trung Quốc làm như vậy họ phải chịu trách nhiệm. Những nguyên liệu để làm pin năng lượng mặt trời có thể gây tổn hại và ô nhiễm đất, nước, không khí… Do đó trước khi quyết định phải xem xét thật kỹ, đưa dự án cho các chuyên gia đọc, phản biện. Đầu tư bằng mọi giá thì rất nguy hiểm”, GS Lê Huy Bá lo lắng.
Tỉnh lúng túng…
Một vấn đề khác được TS Lê Anh Tuấn đề cập đến là phần trả lời báo chí của ông Trần Vũ Thông, Phó giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang về việc cho danh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy khi chưa có ĐTM.
Cụ thể, ông Thông thừa nhận, về nguyên tắc là sai, nhưng do để đáp ứng nhu cầu phát triển, chính quyền địa phương đã “tạo điều kiện” để JA Solar tiến hành xây dựng nhà máy trước để kịp tiến độ theo thiết kế của nhà máy.
Ngoài ra, ông Thông cũng khẳng định, JA Solar được xây dựng nhà máy trước nhưng nếu xây dựng xong mà chưa có ĐTM được cơ quan chức năng phê duyệt thì đơn vị này không được phép sản xuất.
Đánh giá phần trả lời trên, TS Lê Anh Tuấn khẳng định, đó chỉ là cách giải thích mang tính chất chống chế, không thuyết phục.
“Tôi không hiểu tỉnh tạo điều kiện để kịp tiến độ theo thiết kết của nhà máy nghĩa là sao? Bây giờ tỉnh cho làm nhưng sau này nếu kiểm tra có vấn đề thì dự án sẽ phải sửa lại. Như vậy sẽ kéo dài tiến độ chứ sao có thể nói đúng tiến độ được.
Khả năng đó tôi nghĩ là rất lớn. Nhà máy nào cũng thế trước khi làm phải được phê duyệt cẩn thận. Tất cả các bên sẽ cùng làm việc này. Đến khi vận hành chúng ta sẽ kiểm tra lại các phê duyệt đó có hợp lý hay không? Nếu có vấn đề thì lúc đó sửa chữa sẽ ít hơn là chưa được xem xét, phê duyệt về mặt kỹ thuật.
Thà chúng ta khởi công chậm vài ba tháng nhưng mà chắc chắn còn hơn là để như vậy. Để đến cuối cùng mới phát hiện ra sự cố thì không những dự án kéo dài mà còn gây khó khăn cho cả 2 bên”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia thừa nhận, rất nhiều trường hợp tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi triển khai dự án dẫn đến những hệ quả khó lường sau này. Đặc biệt sự dễ dãi của các địa phương dẫn đến một số cái không phù hợp về mặt quản lý, về mặt kỹ thuật.
“Sau này người ta có thể tìm cách lấp liếm hay là dễ dàng cho qua để từ từ điều chỉnh. Những việc như vậy trước tiên là vi phạm pháp luật. Thứ hai là những nhà đầu tư khác sẽ có sự so sánh. Tại sao dự án của doanh nghiệp A làm khó khăn trong khi doanh nghiệp Trung Quốc lại làm dễ dàng. Liệu có vấn đề gì bên trong hay không? Đó là những vấn đề phải tính đến”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo TS Lê Anh Tuấn, dự án nhà máy pin năng lượng mặt trời ở Bắc Giang được xếp vào các dự án có quy mô lớn do đó cần sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên trả lời báo chí, đại diện Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ TN-MT) lại khẳng định, đơn vị này chưa hề nhận được hồ sơ ĐTM của tập đoàn JA Solar.
“Cái đó tôi không dám khẳng định. Nhưng rõ ràng đối chiếu với các quy định của nhà nước là vi phạm pháp luật. Việc này cần phải điều tra, làm rõ ràng để xem xét xử lý vi phạm nếu có”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phải giải trình cụ thể…
Tiếp tục phân tích, TS Lê Anh Tuấn bày tỏ lo ngại khi thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, tại một số dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng báo cáo đánh giá ĐTM được địa phương làm hết sức sơ sài, thậm chí làm cho có.
Chẳng hạn như: bản ĐTM của Nhà máy giấy Lee & Man (Đồng Nai) hay như đánh giá tác động môi trường dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1.
Đối với các công ty, doanh nghiệp của Trung Quốc, vị chuyên gia khẳng định việc kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng ĐTM là hết sức quan trọng vì quốc gia này có chủ trương sản xuất ra những mặt hàng với giá bán rẻ nhất. Tuy nhiên đi kèm với việc này là các công nghệ được sử dụng chất lượng cũng không cao.
“Đã nhiều lần các nhà lãnh đạo của chúng ta khẳng định không thể hi sinh môi trường để đánh đổi chuyện tăng trưởng kinh tế. Nhưng từ chuyện nói đến thực tế còn một khoảng cách. Chúng ta phải tìm cách rút ngắn khoảng cách đó bằng cách siết chặt các quy định và thể chế, đồng thời các chế tài phải được thực thi. Không thể vì chạy đua theo đầu tư mà bất chấp tất cả, đánh đổ môi trường.
Riêng với nhà máy pin năng lượng mặt trời ở Bắc Giang tôi nghĩ cần làm mấy việc sau. Thứ nhất, phải yêu cầu Bắc Giang giải trình. Thứ hai, nội bộ TNMT và Tổng cục môi trường phải kiểm tra lại sổ thực địa, đánh giá những nguy cơ gì có thể xảy ra. Nếu thấy được điều đó phải ngưng dự án lại để đánh giá xem xét cụ thể mới cho làm tiếp. Trong trường hợp tỉnh cố tình nhảy cóc thì phải truy trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo GS-TSKH Lê Huy Bá, Việt Nam đã bị thế giới cảnh báo sẽ trở thành 1 trong những quốc gia ô nhiễm nặng, chỉ đứng sau Trung Quốc. Do đó nếu tiếp tục kêu gọi đầu tư theo kiểu dễ dãi như thời gian qua thì hậu quả để lại sẽ vô cùng nặng nề.
“Chúng ta phải yêu cầu có đánh giá tác động môi trường. Nếu được duyệt thì được phép xây dựng còn không thì phải dừng lại. Phải yêu cầu giải trình cụ thể”, GS Bá chia sẻ.