Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) vừa cho biết, họ đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa hành trình BrahMos có tầm bắn mở rộng từ 290km lên 450km.
Tầm bắn của BrahMos đã được tăng lên 450km.
Cuộc thử nghiệm này chỉ diễn ra ít ngày sau khi giám đốc của DRDO, ông S Christopher tiết lộ về sự phát triển của một phiên bản tên lửa BrahMos tầm bắn mở rộng tại triển lãm Aero India 2017. Loại tên lửa tham gia cuộc thử nghiệm mới diễn ra là biến thể phóng từ bệ phóng trên bộ.
“Tên lửa BrahMos mới đã tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Đây là sự tiến bộ và điều tuyệt vời đối với chúng tôi. Với phiên bản này, cả 3 quân chủng lục quân, hải quân và không quân sẽ có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ của quân địch. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một loại tên lửa hành trình siêu thanh có thể đạt đến tầm bắn như vậy”, giám đốc của liên doanh BrahMos, ông Sudhir Mishra nói với trang Financial Express.
BrahMos vốn là sản phẩm phát triển chung giữa Nga và Ấn Độ và hiện có tầm bắn 290km. Ấn Độ đã có thể bắt tay vào việc nghiên cứu mở rộng tầm bắn của BrahMos sau khi nước này trở thành thành viên của Hiệp hội kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).
Trong khi hải quân và lục quân Ấn Độ đều đã đưa BrahMos vào biên chế, không quân nước này cũng chuẩn bị thử nghiệm nó trên chiến đấu cơ Su-30MKI. Mặc dù biến thể phóng từ máy bay sẽ nhỏ và nhẹ hơn nhưng đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới một loại tên lửa có trọng lượng nặng như vậy được lắp trên một chiếc máy bay chiến đấu.
Ngoài việc có tốc độ đạt tới Mach 2.8, BrahMos còn trở nên lợi hại nhờ khả năng thay đổi đường bay linh hoạt, thậm chí hạ thấp xuống độ cao 10m so với mặt đất.