Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 13/03

Bản tin Biển Đông ngày 13/03

Bản tin Biển Đông ngày 13/03/2017.

Tranh chấp Biển Đông sẽ là tâm điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Ngày 11/3, tạp chí National Interest đăng bài viết “Tranh chấp Biển Đông sẽ là tâm điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN” của Richard Javad Heydarian. Phó Gíao sư chuyên ngành quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, Philippines.

Tác giả nhận định, do năm 2017 là năm ASEAN đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập, điều đó sẽ tạo thêm động lực để các nước ASEAN có được một bước đột phá lớn trong năm nay, nhất là trong việc giải quyết các tranh chấp biển đang đe doạ đến sự thống nhất trong cấu trúc an ninh của khu vực. Trong năm Chủ tịch của Philippines, ASEAN đã lên kế hoạch cho hai cuộc họp nhằm hình thành nội dung cụ thể của Bộ Quy tắc ứng xử (COC): một cuộc tổ chức ở Bali, Indonesia (tháng 2) và một cuộc tổ chức ở Philippines (tháng 6). Đáng chú ý hơn nữa, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây cũng đã đưa ra tuyên bố chưa từng có rằng dự thảo đầu tiên của COC đã được thông qua và “hoan nghênh” cái mà ông này gọi là “bước tiến triển (ngoại giao) rõ nét khiến Trung Quốc và các nước ASEAN đều cảm thấy hài lòng”. Tuy nhiên, chưa có quan chức nào của các quốc gia cung cấp thêm thông tin về các thành tố của dự thảo COC, chẳng hạn như cơ sở pháp lý, phương thức thực thi, người chịu trách nhiệm thực thi nếu COC được phê chuẩn. Trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte dường như đang dồn sức nhiều hơn cho hợp tác kinh tế và chiến dịch bài trừ khủng bố và tội phạm buôn bán ma tuý, nhiều học giả Philippines bày tỏ hy vọng Chính phủ nước này sẽ tái khẳng định Phán quyết như nền tảng của bất cứ cuộc đàm phán COC nào và đưa tranh chấp Biển Đông thành tâm điểm của chương trình nghị sự của khu vực năm nay. Mặc dù vậy, do ASEAN và Philippines vẫn chưa quyết tâm có được một lập trường rõ ràng nhằm răn đe Trung Quốc, tác giả cảnh báo, trừ khi nỗ lực thúc đẩy để tạo đột phá vào cuối năm 2017, ASEAN có thể sẽ không đạt được kết quả khả quan nào.

Đài Loan muốn “có mặt” trong các cuộc đối thoại về vấn đề Biển Đông

Ngày 12/3, trang Inquirer đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn, ông Lin Cheng-yi, Thứ trưởng Đài Loan phụ trách các vấn đề Trung Hoa Đại lục đã bày tỏ mong muốn rằng Đài Loan sẽ được tham gia vào các cuộc đối thoại về các vấn đề biển và các vấn đề quốc tế khác, kể cả khi Đài Loan không có ý định đưa ra quan điểm nào về tình trạng quân sự hoá đang leo thang ở Biển Đông. Ông Cheng-yi cho biết, dù Đài Loan có yêu sách đối với một số đảo, trong đó có Ba Bình, Đài Loan “sẽ hài lòng hơn nếu có thể đi xa hơn các cuộc đối thoại song phương và muốn tham gia vào một cuộc đối thoại đa phương” và cho rằng chính sách “Một Trung Quốc” đã ngăn cản Đài Loan từ trước đến nay.

Tòa án Tối cao Trung Quốc ngang nhiên mở rộng thẩm quyền của nước này bao trùm lên tất cả các vùng biển “thuộc quyền kiểm soát”, bao gồm Biển Đông

Ngày 12/3, trang The New Indian Express đưa tin, Tòa án Tối cao Trung Quốc (SPC) mới đây đã đệ trình một bản báo cáo lên Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) nói rằng Tòa Tối cao vừa mới mở rộng thẩm quyền “bao trùm” lên tất cả các “vùng biển thuộc quyền kiểm soát lãnh thổ của nước này”, một động thái có thể gây qua ngại lớn cho các quốc gia láng giềng và các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, thậm chí có thể được xem như một thách thức nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực. Theo nguồn tin từ Tân Hoa xã, ông Chu Cường, Chánh án Tòa án Tối cao ngụy biện rằng, việc thẩm quyền trên biển của Trung Quốc lên một phạm vi rộng lớn như vậy là một phần của chiến lược trở thành cường quốc biển của nước này, đồng thời cho biết sẽ đẩy mạnh việc giải quyết các vụ việc kinh doanh có yếu tố nước ngoài và các vụ việc trên biển nhằm phục vụ Sáng kiến “Một Con đường, Một Vành đai”. Theo đó, công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài sẽ bị chính quyền nước này truy tố trách nhiệm hình sự nếu thực hiện các hành vi đánh bắt trái phép hoặc giết hại các loài sinh vật hoang dã trong “các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Báo cáo của ông Chu Cường cũng cho biết các Tòa Trung Quốc đã xét xử và ra Phán quyết đối với 6.899 vụ liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài và hơn 16.000 vụ việc trên biển trong năm 2016.

Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ những quan ngại của Philippines về các hoạt động trên biển của nước này

Ngày 11/3, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 10/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lớn tiếng bác bỏ những lo ngại của ông Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines về khả năng các đợt khảo sát của Trung Quốc nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một phần chiến dịch để nước này củng cố các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ông này biện minh rằng, việc “các tàu nghiên cứu” đi qua các vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon hồi 2016 “chỉ đơn thuần là thực thi quyền tự do hàng hải và quyền qua lại vô hại”. Ông Cảnh Sảng cũng đã lớn tiếng chỉ trích rằng “bình luận của một số người ở Philippines về sự kiện này là sai sự thật”. Đáng chú ý, phía Đông Bắc đảo Luzon cũng là phía Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự.

Indonesia công bố thêm nhiều đảo ở ngoài khơi

Ngày 12/3, tờ The Jakarta Post đưa tin, ngày 11/1, Chính phủ Indonesia mới đây đã công bố danh sách 111 đảo ngoài khơi, một động thái được cho là nhằm bảo vệ các vùng biên giới lãnh thổ của Indonesia trước các yêu sách lãnh thổ của quốc gia khác, bao gồm cả các đảo trước đó chưa được nước này công bố, Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biển và Nghề cá hết sức hoan nghênh Sắc lệnh Tổng thống số 6/2017 về các đảo ngoài khơi, một văn kiện mới được Tổng thống Joko Widodo thông qua nhằm sửa đổi Sắc lệnh năm 2005 mới chỉ đề cập đến 92 đảo. Hai đảo mới được đưa vào là Bintan và Berakit ở quần đảo Riau và Nusa Penida ở Bali. Bà Susi cho hay, Chính phủ nước này sẽ quản lý một cách sát sao 111 đảo nhằm ngăn chặn các hoạt động như buôn bán ma túy, buôn người và hoạt động đánh cá trái phép. Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các đảo ngoài khơi này có thể được sử dụng để phục vụ cho người dân và Chính phủ nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới