Trung Quốc sẽ đau đầu nếu Trump thành công trong tăng ngân sách quốc phòng và giảm thuế cho doanh nghiệp. Nhưng Bắc Kinh có thể sử dụng những giải pháp từ lịch sử của chính mình.
Tổng thống Trump hứa giảm thuế cho doanh nghiệp đến 20% (Ảnh: Bloomberg).
Nếu có một con số đến từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mà Bắc Kinh cần lo lắng, thì đó chưa hẳn là 10% tăng trưởng ngân sách quốc phòng mà Trump đề xuất lên Quốc hội, mà là cam kết giảm 20% thuế doanh nghiệp.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, nhiều ý kiến từ giới quân sự Trung Quốc kêu gọi chính phủ đáp trả động thái “tăng quân phí lịch sử” lên 603 tỉ USD của Trump bằng một mức tăng ngân sách quốc phòng 2 chữ số.
Dù Trump chưa từng chỉ đích danh Trung Quốc là một trong những lý do để tăng cường sức mạnh quân sự, điều này hoàn toàn không khó nhận ra. Một số chuyên gia Trung Quốc lo sợ rằng Mỹ sẽ leo thang trong triển khai quân lực ở châu Á, tăng tần suất các hoạt động ở biển Đông và nỗ lực gia tăng cách biệt về trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, vốn đã khá rõ ràng, giữa hai nước.
Trung Quốc đã công bố mức tăng ngân sách quốc phòng 7% vào hồi tuần trước, khi kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp thường niên diễn ra ở Bắc Kinh. Đây là mức tăng quân phí thấp nhất trong 7 năm qua.
Mặc dù đã đưa ngân sách quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên vượt mức 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 145 tỉ USD), tỉ lệ tăng “khiêm tốn” tạo ra không ít thất vọng cho những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở nước này.
Đây có thể là lý do Bộ tài chính Trung Quốc “lần đầu trong lịch sử” cố ý không đưa con số cụ thể trong báo cáo ngân sách thường niên trước Quốc hội, bởi thông tin này được đánh giá là “quá nhạy cảm”.
Bài học lịch sử của Liên Xô và mối đe dọa tiềm tàng từ Trump
Theo SCMP, hành động của Bắc Kinh là lý trí. Bởi ngay cả khi gói ngân sách quốc phòng khổng lồ của Trump được Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ chưa có thách thức tức thời nào tác động đến an ninh Trung Quốc.
Bất chấp phát ngôn cứng rắn từ Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan hay biển Đông, tỉ lệ rủi ro xung đột quân sự bùng phát vẫn rất nhỏ. Ban lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ bài học của Liên Xô quá khứ và sẽ không để bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang hao tiền tốn của với Mỹ.
Phần lớn nhà nghiên cứu lịch sử nhận định Liên Xô chi tiêu quá đà vào lĩnh vực quân sự. Thập niên 1960, ngân sách quốc phòng của họ là 36 tỉ USD. Con số tăng lên 70 tỉ USD vào năm 1970, tương đương 90% quân phí mà Mỹ chi ra vào thời điểm đó, bất chấp nền kinh tế Liên Xô có quy mô nhỏ hơn, chịu nhiều gánh nặng và bị suy thoái dần.
Tình hình trở nên tệ hơn vào năm 1983 khi Tổng thống Reagan công bố Sáng kiến phòng thủ chiến lược (Strategic Defense Initiative – SDI), hay còn được biết đến là “chương trình Star Wars” – một hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.
Moscow lo lắng và quyết định tăng mạnh đầu tư quốc phòng để chạy đua với Mỹ. Con số ước tính cho thấy ở thời điểm đỉnh cao, Liên Xô rót tới 35% GDP vào chi tiêu quân sự. Quân phí vượt ngưỡng cho phép đã làm nền kinh tế của họ tê liệt rồi sụp đổ.
Trung Quốc nhận thức rõ bài học Moscow. SCMP cho hay, trong 17 năm qua Bắc Kinh đã duy trì ổn định chi phí quốc phòng trong khoảng 1.9-2.1% của GDP, theo số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). Con số này ở Mỹ là 3.3-4.7%.
Trung Quốc hoàn toàn có thể chi tiền mạnh tay hơn, nhưng dường như họ đang tính đến dài hạn. Ban lãnh đạo ở Trung Nam Hải tin rằng chừng nào nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng tương đối cao, họ sẽ bắt kịp Mỹ ở một thời điểm nào đó.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động cuộc đại cải tổ vào năm 2015 với quyết tâm đưa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lên ngang tầm với những lực lượng hàng đầu thế giới. Nhưng Bắc Kinh muốn hành động theo nhịp độ riêng.
SCMP bình luận, thách thức thực sự với Trung Quốc là Tổng thống Trump cam kết giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%. Tuy nhiên, phương án này vẫn “vắng bóng” một cách đáng tò mò trong bản dự thảo thuế mà ông trình lên Quốc hội.
Sẽ có nhiều rào cản với nỗ lực giảm thuế của Trump, nhưng cho đến nay ông chủ Nhà Trắng vẫn chứng minh được khả năng “nói là làm”, bất kể vấn đề nêu ra khó khăn hoặc gây tranh cãi đến đâu.
Nếu Trump thành công trong việc giảm thuế và Bắc Kinh không thể phản ứng với một giải pháp hiệu quả, Trung Quốc sẽ đối diện với vấn đề còn nghiêm trọng hơn là sức mạnh quân sự Mỹ ở biển Đông.
Và bài học của Hốt Tất Liệt
Trung Quốc có thể tham khảo một bài học từ Hốt Tất Liệt – nhà cai trị ngoại bang đầu tiên thiết lập một vương triều ngay trên đất Trung Hoa, SCMP cho hay. Đại Hãn Mông Cổ này không chỉ chinh phục Trung Quốc bằng gót sắt quân đội, mà chủ yếu thông qua chính sách thuế và thương mại thông minh, cùng các biện pháp tiếp xúc chính trị linh hoạt.
Cuộc chiến giữa triều đình Tống và Mông Cổ kéo dài 44 năm (1234-1279), kéo dài nhất trong lịch sử chinh phục của người Mông Cổ. Trong khi phe Tống không có lực lượng kỵ binh tinh nhuệ, họ tự tin sở hữu hải quân hùng mạnh nhất. Sự thống trị của các hạm đội Tống trên phần lớn vùng nước ở miền Nam Trung Quốc cho phép họ cầm cự hết lần này đến lần khác các đợt tấn công của Mông Cổ.
Hốt Tất Liệt xoay chuyển tình hình khi lên nắm quyền vào năm 1260, kế vị anh trai mình là Mông Kha – người thiệt mạng trong một chiến dịch ở Trung Quốc.
Hốt Tất Liệt mạnh tay giảm thuế cho các tàu buôn chấp nhận sử dụng các cảng do Mông Cổ quản lý làm “cảng thường trú”. Các điều khoản thương mại được đơn giản hóa.
Lịch sử ghi nhận thuế xuất quan qua cảng của Hốt Tất Liệt chỉ chiếm 3-5% tổng giá trị hàng hóa, so với mức 10-30% tại nhiều cảng khẩu khác. Trong khi đó, triều đình Tống có quyết định sai lầm khi ra lệnh tăng thuế và buộc giới thương nhân phải đưa tàu qua các “điểm dịch vụ” của chính quyền. Một tỉ lệ lớn nhà buôn Trung Quốc, cùng với toàn bộ đội tàu của họ, đã lựa chọn đi theo Mông Cổ.
Chỉ trong vài năm, đế chế du mục xây dựng được đội tàu chiến quy mô hơn mọi đối thủ. Cuộc chinh phạt của Hốt Tất Liệt mở màn bằng chuỗi thắng lợi trên mặt nước trước quân Tống.
“Cuộc chiến của Hốt Tất Liệt với Tống sẽ giậm chân tại chỗ nếu không có sự tiếp sức từ lực lượng hải quân Trung Quốc đào ngũ,” nhà sử học James Waterson viết.
Có nhiều lo ngại rằng chính sách giảm thuế của chính quyền Trump sẽ tạo ra hiệu ứng tương tự, theo SCMP. Hai vấn đề nổi cộm mà nền kinh tế Trung Quốc ngày nay gặp phải là thất thoát vốn và thiếu đầu tư tư nhân.
Đầu tư ở khu vực tư nhân trong năm 2016 chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu đánh giá vào năm 2012, khoảng 3%. Trong khi đó, nhà chức trách chật vật để ngăn các dòng vốn chạy khỏi đất nước. Con số thống kê vốn đầu tư ra bên ngoài đạt kỷ lục vào năm ngoái, 725 tỉ USD.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc hiện đã công khai phàn nàn về môi trường kinh doanh kém, các biện pháp hạn chế quá mức và tình trạng độc quyền của nhà nước. Bắc Kinh cam kết giảm gánh nặng thuế, nhưng kết quả thu được chưa khả quan.
Trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tuần qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn trong báo cáo công tác chính phủ rằng thuế doanh nghiệp sẽ được giảm khoảng 50 tỉ USD, và các loại phí hành chính giảm 28.9 tỉ USD.
Ông Lý nói rằng Trung Quốc đã giảm được 82 tỉ USD tiền thuế trong năm 2016. Nhưng theo SCMP, việc giảm thuế không được thực thi trên diện rộng và bị áp nhiều điều khoản nghiêm ngặt, đồng thời chưa có số liệu thẩm định độc lập để chứng minh.
Tiền thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mà chính phủ Trung Quốc thu được năm ngoái đạt 754 tỉ USD, so với 728 tỉ USD của năm 2015, chưa cho thấy hiệu quả của các biện pháp cắt giảm.
SCMP cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội là doanh nhân không cảm thấy báo cáo của ông Lý có sức thuyết phục, dù họ không công khai phản bác.
Tông Khánh Hậu, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, nói với tờ báo Hồng Kông rằng “Trung Quốc vẫn còn không gian để cắt giảm thuế hơn nữa”, sau khi ông nghe bài phát biểu của Thủ tướng Lý.
Theo các chuyên gia Trung Quốc thì Bắc Kinh cần hành động nhanh. Cũng giống như Hốt Tất Liệt đã chứng minh vào 800 năm trước, thuế quan đôi khi còn quyền lực hơn đao kiếm.