Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao TQ cắt giảm lục quân, tăng cường hải quân và...

Vì sao TQ cắt giảm lục quân, tăng cường hải quân và thủy quân lục chiến?

Ngoài tham vọng biến Hải quân trở thành lực lượng “hạng nhất”, Trung Quốc tiếp tục có kế hoạch mở rộng quy mô của lực lượng thủy quân lục chiến từ 20.000 lên 100.000 binh sĩ nhằm bảo vệ các tuyến đường biển cũng như lợi ích quốc gia ở nước ngoài.

Các binh sĩ thủy quân lục chiến Trung Quốc tham gia đợt diễn tập năm 2016. 

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin theo giới chức quân sự Trung Quốc, trong tương lai, binh sĩ thủy quân lục chiến nước này sẽ được triển khai tới các cầu cảng ở quốc gia Djibouti tại Sừng châu Phi và thành phố Gwadar ở tây nam Pakistan. 

Kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng thủy quân lục chiến là một phần trong chiến lược tái cơ cấu của đội quân lớn nhất thế giới trong đó chú trọng tới chuyển sang sử dụng các lực lượng đặc nhiệm. Còn hiện tại, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang cho triển khai chương trình cắt giảm 300.000 binh sĩ lục quân.

“Trong tương lai, lực lượng thủy quân lục chiến sẽ tăng lên con số 100.000 người với 6 lữ đoàn để hoàn thành những nhiệm vụ mới của đất nước. Ngoài ra, số lượng binh sĩ hải quân cũng sẽ tăng thêm 15%. Hiện tại, hải quân Trung Quốc đang có khoảng 235.000 binh sĩ”, SCMP cho hay. 

Phát biểu bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, ông Liu Xiaojiang, cựu chính ủy hải quân Trung Quốc cũng nhấn mạnh, lực lượng hải quân nước này đang đóng vai trò ngày càng lớn trong quân đội. 

“Trung Quốc là một quốc gia hàng hải do đó, chúng ta cần phải bảo vệ chủ quyền hàng hải và cả lợi ích quốc gia. Điều này có nghĩa là vai trò của lực lượng hải quân sẽ ngày càng gia tăng”, ông Liu nói. 

Chia sẻ với Tân Hoa Xã, ông Wang Weiming, phó Tổng tham mưu Hải quân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh phát triển các lực lượng hải quân đồng thời biên chế thêm tàu khu trục và tàu hộ tống cũng như tăng cường hoạt động tuần tra trên biển và trên không.  

Còn theo chuyên gia Li Jie, trước đây, lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc chỉ chủ yếu hoạt động ở các khu vực bờ biển quốc gia. Ngoài ra, năng lực của lực lượng này cũng bị hạn chế do quy mô binh sĩ nhỏ và trang thiết bị quân sự nghèo nàn. Do đó, một khi quy mô thủy quân lục chiến được mở rộng, lực lượng này sẽ đảm nhận những nhiệm vụ ở các khu vực xa hơn cùng với hải quân. 

“Bên cạnh những nhiệm vụ truyền thống như sẵn sàng đối phó trước nguy cơ xảy ra xung đột với Đài Loan, bảo vệ quyền hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, hoạt động của Hải quân Trung Quốc trong tương lai sẽ được mở rộng và vươn tới những vùng biển xa bao gồm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia trên bán đảo Triều Tiên, các tuyến đường biển và cả hoạt động hỗ trợ tại khu cảng ở Djibouti và Gwadar. Trong khi đó, quy mô hiện tại của lực lượng thủy quân lục chiến và trang thiết bị quân sự còn nhiều giới hạn cũng như chưa đủ ứng phó trước những thách thức mới”, ông Li chia sẻ. 

Theo chuyên gia quân sự ở Macau, ông Antony Wong Dong, mục đích của kế hoạch mở rộng lực lượng thủy quân lục chiến là nhằm hỗ trợ an ninh cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Sáng kiến này nhằm thiết lập mạng lưới thương mại và đầu tư mới trải dài từ Đông Nam Á tới Đông Âu cũng như giúp các công ty và người lao động Trung Quốc mở rộng hoạt động tại những khu vực có độ rủi ro cao như Pakistan và Afghanistan. 

Lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc được thành lập vào thập niên 50. Trong nhiều thập niên, Đài Loan từng sở hữu lực lượng thủy quân lục chiến xếp hàng thứ hai trên thế giới và chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, năng lực thủy quân lục chiến Đài Loan bắt đầu giảm sút vào những năm 1990 khi Bắc Kinh bắt đầu mở rộng tham vọng bá chủ Biển Đông. 

Hiện tại, Trung Quốc đang cho xây dựng một căn cứ hải quân ở Djibouti, để cung ứng hỗ trợ hậu cần cho một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Trong tuyên bố hồi năm ngoái, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay căn cứ hải quân ở Djibouti sẽ chủ yếu phục vụ công tác chống hải tặc, cứu trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình. 

Tuy nhiên, tại Djibouti, cả Mỹ và Pháp vẫn đang cho duy trì hoạt động của các căn cứ quân sự trong đó căn cứ Lemonnier hiện là nơi hoạt động của hơn 4.000 binh sĩ. Dù không lên tiếng xác nhận có bao nhiêu binh sĩ sẽ được triển khai tới Djibouti nhưng theo giới truyền thông, khả năng Trung Quốc sẽ đưa 10.000 người tới khu vực này. 

Trong khi đó, cảng nước sâu Gwadar nằm gần eo biển Hormuz, là tuyến đường biển chủ chốt vận chuyển dầu mỏ ra và vào vịnh Péc-xích. Khu cảng này được Trung Quốc tài trợ xây dựng và cũng do chính các công ty của đại lục điều hành hoạt động. Dù khu cảng này không phục vụ mục đích quân sự, nhưng trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn có thể điều động lực lượng hải quân tới đây. 

RELATED ARTICLES

Tin mới