Hội nghị thông tin đối ngoại với chủ đề “Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam: Bối cảnh mới và giải pháp” diễn ra ngày 14.3 do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đã chia sẻ và trao đổi những thành tựu, bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới đầy thách thức, chuyển biến nhanh, phức tạp khó lường.
Trung Quốc đã xây dựng đường băng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Nhiều thay đổi về bản chất
70 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu giảng dạy về lịch sử, luật, chính trị học và quan hệ quốc tế từ các Bộ, ngành… tham dự hội nghị. 34 tham luận tập trung 3 vấn đề chủ yếu: Cơ sở lý luận và thực tiễn, những bằng chứng, luận cứ lịch sử và cơ sở pháp lý thuyết phục về chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam với biển đảo, nhất là tại một số đảo, quần đảo, vùng biển đang diễn ra tranh chấp, chồng lấn của các bên; Phân tích bối cảnh mới của thế giới và khu vực, những chuyển động địa chính trị, kinh tế, những vấn đề văn hóa khoa học công nghệ, thậm chí cả phong cách của các nhà lãnh đạo thế giới đặt ra cơ hội và thách thức thế nào với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; và những kiến nghị chính sách và giải pháp cấp bách, kịp thời, thiết thực và hiệu quả, phù hợp đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, vấn đề Biển Đông đã có nhiều diễn biến mới. Trên thực địa, Trung Quốc đã biến đổi nguyên trạng, những bãi đá trước đây vài chục mét vuông đã được bồi đắp hàng hecta, đủ chỗ cho đường băng máy bay hoạt động. Một loạt các cường quốc khác đã cho tàu, máy bay hoạt động trên thực địa như Nhật Bản, Nga. Vấn đề Biển Đông cũng đã được quốc tế hóa mạnh mẽ, được đề cập ở các hội nghị như G7, G20 và được các nước lớn quan tâm. Trên mặt trận pháp lý cũng đã có những chuyển biến với phán quyết của Tòa Trọng tài Luật Biển về vụ kiện của Philippines kiện đường 9 đoạn Trung Quốc vẽ ra phi pháp trên Biển Đông.
Có những học giả nhận định, thay đổi trên thực địa cho thấy bản chất vấn đề Biển Đông đã thay đổi: đây không chỉ là việc tranh chấp chủ quyền mà còn là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong khi đó, vị thế và sức mạnh của Trung Quốc ngày nay đã thay đổi đáng kể với những tham vọng mới, khi họ cho Biển Đông là vấn đề sinh mệnh quốc gia, liên quan đến an ninh năng lượng và tham vọng trở thành cường quốc biển của họ.
Những diễn biến mới này đã đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, hiệu quả trong và ngoài nước, đến việc phải xem xét lập trường khác nhau của các bên, ngay cả trong ASEAN, và tính đến lợi ích của các bên khác nhau trong giải quyết xử lý. Với chính quyền mới ở Philippines, phán quyết Biển Đông được đề cập ít hơn trong khi đây là ưu tiên của chính quyền trước đó, và Philippines cũng thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông so với chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền mới ở Mỹ cũng chưa định hình rõ rệt chính sách đối ngoại.
Tăng cường thế và lực của Việt Nam
Với Việt Nam, các đại biểu nhận định thế và lực của nước ta trong đấu tranh biển đảo đã khác. Về thế, tương tác của Việt Nam với các cường quốc có nhiều thay đổi; về lực, chúng ta tự tin hơn trên thực địa, Nhận thức xã hội về vấn đề này đồng thuận hơn. Giải pháp được nhiều người chú trọng là nâng cao hoạt động giáo dục tuyên truyền bảo vệ biển đảo, làm sao sát thực, hiện đại và kịp thời hơn, phù hợp với những thay đổi của báo chí truyền thông hiện nay. Chúng ta cũng phải hình thành mặt trận đối ngoại rộng khắp để bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam rộng rãi trong cuộc đấu tranh biển đảo, củng cố năng lực thực địa để đảm bảo lực lượng của Việt Nam có khả năng bám trụ lâu dài, kết hợp sức mạnh quốc tế với sức mạnh Việt Nam, sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc.
Ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao cho rằng: Cuộc đấu tranh của Việt Nam nhằm giữ được chủ quyền, biển đảo, nhưng cũng nhằm giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đề ra. Việt Nam ủng hộ bất kỳ giải pháp nào về Biển Đông theo hướng: Biển Đông phải là khu vực mở, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải hàng không, giải quyết dựa trên chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, Việt Nam cần cân bằng mọi mối quan hệ quốc tế, thể hiện vai trò tích cực trong ASEAN, kiên định lập trường đấu tranh chủ quyền, biển đảo. Đồng tình với các kiến nghị giải pháp trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viêt Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược về Trung Quốc và các đối tác liên quan.