Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 17/03

Bản tin Biển Đông ngày 17/03

Bản tin Biển Đông ngày 17/03/2017.

Trung Quốc đang xây dựng cảng lớn ở quần đảo tranh chấp trên Biển Đông

Ngày 16/3, hãng UPI cho biết, theo nguồn tin từ Hãng Tin tức Trung ương Đài Loan, Trung Quốc có thể đang xây dựng một cảng lớn ở Hoàng Sa trên Biển Đông. UPI nhận định, công trình mới này có thể là bước đi mới trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục quân sự hóa một số khu vực ở Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa.

Úc kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Hãng ABC News đưa tin, ngày 16/3, tại Diễn đàn Viện Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược Albert del Rosario (ADR) được tổ chức ở Manila, Philippines, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cần kết thúc tiến trình đàm phán dự thảo khung và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) “sớm nhất có thể”. Bà cũng phản đối mạnh mẽ quy mô bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết những hành động như vậy sẽ gây ra nguy cơ xung đột. Bà Bishop khẳng định, một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc có ý nghĩa “tối quan trọng” đối với sự thịnh vượng và ổn định của các quốc gia trong khu vực, đồng thời kêu gọi các quốc gia “cần ủng hộ và luôn sẵn sàng để bảo vệ và thậm chí là đấu tranh cho trật tự này, nếu điều đó là cần thiết”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Úc một mặt ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với việc bảo vệ trật tự dựa trên các nguyên tắc và hoà bình thế giới, mặt khác cho biết Úc sẽ cam kết xây dựng lực lượng phòng thủ vững chắc để tự bảo vệ lợi ích an ninh của mình.

“Các biện pháp đáp trả hợp pháp” và các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 16/3, trang The Strategist đăng bài viết “Các biện pháp đáp trả hợp pháp” và các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông” của Andrew Davies, chuyên gia phân tích cao cấp về tiềm lực quốc phòng, giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) và Mark Thomson, chuyên gia kinh tế quốc phòng của ASPI.

Tại cuộc họp Đối thoại kênh 2 thường niên “Nhóm Bộ Tứ + (Quad Plus)” ở Mỹ, với đại diện của các trung tâm nghiên cứu tại Úc, Ấn Độ, Nhật Bản , Mỹ và năm nay có thêm Singapore, các chuyên gia đã tích cực trao đổi về nhiều thách thức khó khăn trên toàn cầu hiện nay, trong đó đặc biệt quan ngại việc Trung Quốc mở ra một loạt các khu vực tiền đồn kiên cố ở Biển Đông, bác bỏ tính pháp lý của Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Các tác giả cho biết một trong những quan điểm gây thích thú nhất tại cuộc họp năm nay là bài tham luận về vấn đề Biển Đông của GS. James Kraska, Đại học Hải chiến Mỹ đề xuất biện pháp đáp trả các hành động đơn phương của Trung Quốc bằng cách đáp trả theo ba hướng, trong đó có ủng hộ và tăng cường các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ (FONOPS) và tận dụng cơ sở pháp lý có được từ Phán quyết Trọng tài, qua đó kêu gọi các quốc gia (trong đó có các quốc gia thuộc Bộ Tứ) tiến hành các FONOPS để đẩy mạnh luật biển quốc tế, nhấn mạnh vai trò của thượng tôn pháp luật. Nhưng đáng chú ý nhất là ý tưởng sử dụng “các biện pháp đáp trả hợp pháp”. Việc sử dụng các biện pháp đáp trả hợp pháp là hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang lộng hành mà không phải chịu bất cứ sự trả giá nào hay cảnh cáo mạnh mẽ nào ngoài việc một số quốc gia đã sử dụng hình thức phản đối ngoại giao. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang ngang nhiên hạn chế quyền qua lại vô hại ở vùng lãnh hải và đi qua không hạn chế ở vùng đặc quyền kinh tế, những quyền được UNCLOS cho phép. Dù FONOPs có khả năng “phi hợp thức hoá” bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đặt ra đối với các vùng biển xung quanh các cấu trúc chiếm đóng trái phép nhưng ở Biển Đông sau khi Phán quyết của Toà Trọng tài được đưa ra nhưng có thể thấy rằng Trung Quốc chỉ xem giá trị đúng đắn của pháp lý đóng vai trò quan trọng thứ hai. Bởi lẽ, không dễ gì để Trung Quốc từ bỏ yêu sách của mình trên Biển Đông vì nước này vẫn giữ nguyên lập trường quyết đoán nhằm bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”. Ngoài ra, quyết định triển khai FONOPS trong các vùng biển mà Trung Quốc đã yêu sách có thể sẽ bị huỷ bỏ vì lý do an toàn hay tổn hại lòng tin. Ông Kraska cho biết một phản ứng hợp pháp mà các quốc gia có thể dùng là áp đặt các hạn chế tương tự đối với tàu thuyền và máy bay của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của các nước.

Những lo ngại nói trên sẽ không xảy ra khi tàu thuyền Trung Quốc bị cản trở ở vùng biển của quốc gia khác. Sự bất cân xứng về lợi ích lãnh thổ sẽ được loại bỏ đồng thời đảm bảo hơn nữa sự tự kiềm chế của mỗi bên. Thêm vào đó, khi triển khai những biện pháp đáp trả hợp pháp các quốc gia vẫn có thể kiểm soát khả năng leo thang tranh chấp. Biện pháp này sẽ gặp phải ít rủi ro hơn nhiều so với việc thực hiện các FONOPS ở các vùng biển Trung Quốc yêu sách mà vẫn khẳng định rõ ràng quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia.

Trung Quốc dọa sẽ có phản ứng cứng rắn nếu Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông

Ngày 16/3, hãng Reuters đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ, liên quan đến việc tàu mẫu hạm trực thăng Izumo của Nhật Bản sắp có chuyến hải trình đi qua Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra lời đe dọa rằng Bắc Kinh “cam đoan sẽ có phản ứng cứng rắn nếu Nhật Bản làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”. Tuy nhiên bà không cho nói gì về việc Trung Quốc có nhận được thông tin nào về kế hoạch của phía Nhật Bản mà chỉ nói rằng Nhật Bản không liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông, đồng thời đòi hỏi nước này phải “công khai rõ ràng” việc “đã từng xâm lược một cách đáng khinh bỉ” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines: Chỉ có Philippines mới được quyền thăm dò và xây dựng ở Benham

Trang The Philippine Star đưa tin, ông Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa Tối cao Philippines khẳng định, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), chỉ có Philippines mới có quyền tiến hành xây dựng ở Benham Rise, đồng thời cho biết chỉ các quốc gia ven biển mới có quyền xây dựng ở vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa của họ. Về vụ việc gần đây liên quan đến tàu khảo sát của Trung Quốc lảng vảng ở khu vực, ông Carpio cho hay, phía Trung Quốc vẫn “được phép thực hiện khảo sát các luồng nước nếu chỉ đơn thuần là nghiên cứu về cá và các cột nước”, nhưng “nếu đó là nghiên cứu về dầu khí và khoáng sản, Trung Quốc sẽ không có quyền”

RELATED ARTICLES

Tin mới