Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐBQH thôi giữ trọng trách: Lên quá nhanh, khó đảm bảo

ĐBQH thôi giữ trọng trách: Lên quá nhanh, khó đảm bảo

Một cán bộ đi lên quá nhanh nhưng không đủ kinh nghiệm, trình độ để xử lý thực tiễn thì khó đảm đương công việc tốt.

Bà Lê Thị Thu Ba – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội nên quan điểm trước hiện tượng nhiều ĐBQH bị miễn nhiệm cùng một nhiệm kỳ.

PV:- Quốc hội vừa chấp nhận đơn thôi việc của Đại biểu chuyên trách Nguyễn Văn Cảnh sau khi ông xin ‘cáo quan về quê’ vì lý do gia đình và kinh doanh.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội lần này, ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) và doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách ĐBQH.

Thưa bà, đã từng có tiền lệ ba vị ĐBQH thôi giữ trọng trách trong cùng một nhiệm kỳ như trên hay chưa? Bà bình luận như thế nào về hiện tượng này?

Bà Lê Thị Thu Ba:- Khi tôi tiếp cận được những thông tin phản ánh về các trường hợp ĐBQH bị bãi miễn, miễn nhiệm tư cách ĐBQH, trong nhận thức của tôi đã gợn lên những nghi ngại về chạy chức, chạy quyền đã được dư luận phản ánh từ rất lâu rồi.

Còn chạy thế nào, chạy kiểu gì thì lại là trách nhiệm của các cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, việc trong cùng một nhiệm kỳ, mới qua hai kỳ họp nhưng chúng ta đã phải chứng kiến có tới 3 ĐBQH hoặc bị bãi nhiệm hoặc xin thôi chức, đó là hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử. Nó cũng cho thấy một hiện tượng không bình thường.

Xin nói riêng về trường hợp của ông Nguyễn Văn Cảnh, tôi không khẳng định quá trình thăng tiến của ông Nguyễn Văn Cảnh có yếu tố tiêu cực, chạy chức, chạy quyền hay không nhưng rõ ràng, đó không phải là con đường thăng tiến của một quan chức có tầm vóc, trí tuệ bình thường.

Với quá trình thăng tiến thần tốc như vậy chỉ có thể xảy ra với một người có trí tuệ, thông minh, uyên bác hơn người. Phải có năng lực và phải thể hiện được năng lực và năng lực đó phải được dư luận, cộng đồng, xã hội ghi nhận từ thực tiễn. Vậy, ông Nguyễn Văn Cảnh có được trí tuệ, có được năng lực đó không? Có được dư luận ghi nhận không? Tôi xin dành câu trả lời này cho phía chính quyền cũng như người dân địa phương nơi ông Cảnh được bổ nhiệm, tuyển chọn.

Tuy nhiên, khi nhìn vào quá trình tuyển dụng của ông Cảnh, cụ thể từ tháng 3/2013, lúc này ông Cảnh vẫn còn đang là một chủ doanh nghiệp tư nhân. Đến ngày 25 – 26/3/2013, ông nhận được quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch công chức và được điều về công tác tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Bình Định. Tháng 1/4/2013, ông chính thức đảm nhận chức danh mới.

Đến tháng 7/2013, ông Cảnh được bổ nhiệm chức danh Phó chánh văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Đến tháng 8/2013, ông Cảnh lại tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức danh Chánh văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Như vậy, chỉ trong 5 tháng, ông Nguyễn Văn Cảnh từ một chủ doanh nghiệp tư nhân đã được bổ nhiệm thần tốc trở thành Chánh văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đến tháng 11/2014 ông lại được đồng ý về làm Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội. Khi đó, ông Cảnh đã gần 40 tuổi.

Ở đây, tôi thấy có hai vấn đề. Một là, quy định tuyển dụng cán bộ, công chức có cho phép tuyển dụng cán bộ giữ những vị trí quan trọng như vậy tại văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND mà có tuổi đời cao như vậy hay không?

Hai là, cũng phải đợi đến gần 40 tuổi ông Cảnh mới được tuyển dụng vào ngạch công chức, viên chức của tỉnh. Như vậy, dư luận hoàn toàn có quyền được nghi ngờ về quy trình bổ nhiệm cũng như năng lực, trí tuệ siêu phàm của ông Cảnh nếu có.

Vì vậy, UBND, HĐND tỉnh Bình Định phải kiểm tra và có câu trả lời rõ ràng trước công luận về quy trình bổ nhiệm của ông Cảnh.

Tiện đây, tôi cũng muốn đặt vấn đề về trách nhiệm với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội: đề xuất ông Cảnh vào vị trí đó là do ông Cảnh quá tài giỏi hay còn vì lý do nào khác? Tôi cũng như dư luận cả nước sẽ chờ đợi được lắng nghe câu trả lời từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

PV:- Quốc hội cũng từng ghi nhận các trường hợp bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH như ông Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình (2006), ĐBQH Lê Minh Hoàng – nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP HCM (2005), doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến (2015), doanh nhân Châu Thị Thu Nga (2015).

Có thể thấy hầu hết những tư ĐBQH bị bác tư cách đều là doanh nhân, giới kinh doanh hoặc có liên quan tới kinh doanh. Phải nhìn nhận việc này ra sao? Dù đã được khẳng định việc xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu đã được tiến hành thận trọng, trách nhiệm… nhưng sau hàng loạt những vụ việc trên đang đặt ra cho chúng ta câu hỏi gì trong công tác bầu chọn ĐBQH, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Ba:- Tôi không nặng định kiến là doanh nhân, cán bộ hay công chức nhà nước mới được tham gia ứng cử ĐBQH. Tôi cho rằng, dù người tham gia ứng cử ĐBQH đứng trên cương vị nào nếu có đủ trình độ, năng lực, có phẩm chất tư cách đạo đức tốt, có thể đại diện được cho tiếng nói của nhân dân thì đều xứng đáng được bầu chọn.

Tuy nhiên, qua quan sát có thể thấy, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII, đã xuất hiện nhiều dư luận không tốt về chất lượng, tư chất của một số ĐBQH là doanh nhân.

Có thông tin nói rằng, trước khi cuộc bầu cử diễn ra nhiều doanh nhân có tiền không ngại chi cả khoản tiền lớn để đầu tư, xây dựng tại địa phương nơi đại biểu ứng cử. Thực chất đây là hình thức vận động hành lang, tranh thủ lấy lòng tin của người dân để bỏ phiếu cho mình. Đó là lợi thế của người có tiền.

Tôi rút ra bài học kinh nghiêm xương máu từ chính bản thân tôi, khi tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII. Bản thân một cán bộ, công chức nhà nước thì chắc chắn không thể chi nhiều tiền cho vận động tranh cử.

Vấn đề tiếp nữa, là công tác thẩm định hồ sơ, tôi cũng thấy có nhiều vấn đề. Có khá nhiều trường hợp là doanh nhân nhưng làm ăn thua lỗ, làm ăn không lành mạnh mà vẫn được đưa vào danh sách ứng cử. Những người có trình độ, hiểu biết thì họ sẽ có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Tuy nhiên, cũng có những người nông dân chất phác, họ chỉ hiểu đơn giản người đó có tiền bỏ ra đầu tư, xây dựng cho địa phương là thích, là ủng hộ.

Đó là sự bất bình đẳng giữa các ứng cử viên là doanh nhân và ứng cử viên là các cán bộ, công chức nhà nước. Và cũng được xem là kẽ hở để lọt những ĐBQH không đủ tư cách tham gia vào các kỳ họp Quốc hội.

PV:- Có ý kiến cho rằng,  ngoài cơ chế bãi nhiệm còn cần phải quy định rõ quy trình thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khi Quốc triệu tập lần đầu. Hiện, Quốc hội không có quy trình này nên buổi sáng bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu thì buổi chiều đã ra nghị quyết về thẩm tra tư cách. Đây cũng được xem là kẽ hở lọt đường cho ĐBQH không đủ tư cách mà vẫn lọt. Bà đồng tình ở mức độ nào với nhận định trên? 

Bà Lê Thị Thu Ba:- Tôi cho rằng việc thẩm tra tư cách đại biểu cũng là một yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng hơn là năng lực thực tế và khả năng đóng góp của đại biểu đó từ trước và sau khi trở thành một ĐBQH.

Nhìn từ những vụ việc trên có thể nói mọi khâu từ khâu thẩm định, thẩm tra cho tới khâu giới thiệu, ứng  cử và cho tới khi đã là ĐBQH đều đang có vấn đề. Vì vậy, Quốc hội phải tiến hành rà soát lại mọi quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá đại biểu, rà soát lại các cơ chế kiểm soát chất lượng ĐBQH trong suốt nhiệm kỳ để tìm cho ra kẽ hở đó nằm ở đâu.

Mục đích của Quốc hội là phải lựa chọn cho được những đại biểu có tâm, có tầm, xứng đáng là đại diện cho tiếng nói của nhân dân chứ không phải là những người mượn danh Quốc hội để đánh bóng tên tuổi, hoặc vào Quốc hội chỉ để tìm kiếm cơ hội trục lợi cho bản thân. 

Ông Cảnh từ một chủ doanh nghiệp địa phương mà sau một thời gian ngắn đã đảm đương nhiệm vụ của một Ủy viên thường trực của Ủy ban khoa học và Công nghệ của Quốc hội. Vị trí này tương đương với chức danh của một Tổng cục trưởng mà nếu một cá nhân cố gắng phấn đấu cũng phải phấn đấu cả đời mới ngồi được vào vị trí đó.

Vì vậy, tôi cho rằng vị trí đại biểu ủy viên chuyên trách phải được quy định rất cụ thể. Phải là cán bộ từ chức danh nào trở lên mới được đề cử là ủy viên chuyên trách. 

Nếu một cán bộ mà đi lên quá nhanh nhưng lại không đủ kinh nghiệm, trình độ để xử lý những vấn đề của thực tiễn thì cũng khó có thể đảm đương công việc của mình một cách tốt nhất được.

PV:- Xin cảm ơn bà!

RELATED ARTICLES

Tin mới