Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố rằng các chính trị gia có tư tưởng tự do và những người theo chủ nghĩa phát xít ở Hà Lan đều giống nhau.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ châu Âu.
Thêm vào đó, ông Cavusoglu thậm chí còn đưa ra dự báo rằng quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu sẽ đi xuống trầm trọng đến mức một cuộc xung đột hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của Ankara sau khi cuộc bầu cử toàn quốc ở Hà Lan vừa kết thúc.
Thủ tướng Hà Lan đương nhiệm Mark Rutte đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào ngày 15/3. Có thể thấy rằng chiến thắng của ông Rutte không khiến Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm cứng rắn của mình đối với Hà Lan và Châu Âu.
Mới đây, ông Cavusoglu đã có ý định đặt chân xuống Hà Lan để tham dự một buổi mít tinh nhằm kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại quốc gia này ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thêm quyền lực trong chính phủ, song chính quyền của ông Rutte đã từ chối để ông Cavusoglu nhập cảnh.
Tuy vậy, chiến thắng của ông Rutte, một người ủng hộ tư tưởng dân chủ, không có nghĩa là người dân sẽ ngừng phản đối tình trạng nhập cư ồ ạt ở Hà Lan. Kết quả bỏ phiếu cho thấy đảng cầm quyền VVD của ông Rutte đã mất 8 ghế trong Quốc hội, trong khi đảng Tự do có tư tưởng cánh hữu lại có thêm 5 ghế.
Bản thân ông Rutte, người vừa tuyên bố rằng việc ông đắc cử là một chiến thắng trước “những quan điểm sai lầm của người dân”, thực tế không lạ gì trước việc sử dụng những ngôn từ có hàm ý gây động chạm dư luận.
Vào tháng 1/2017, trong một áp phích cổ động bầu cử, ông Rutte nhìn dòng chữ “Hãy hành động thật bình thường hoặc đi khỏi đây ngay”. Thông điệp này bị nhiều người cho là nhằm thu hút các cử tri ủng hộ đảng Tự do của Hà Lan. Ông Rutte khẳng định rằng ông không phản đối chấp nhận người nhập cư và thay vào đó tập trung vào việc xây dựng quan hệ giữa người nhập cư và người Hà Lan.
Hiện Hà Lan đang có 400.000 người Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người trong số đó có mong muốn đến dự các cuộc mít tinh trưng cầu dân ý do chính quyền Ankara tổ chức song đã bị chính phủ Hà Lan ngăn chặn. Ngoài ra, một số quốc gia Châu Âu như Áo và Đức cũng tỏ ra nghi ngại không cho phép các cuộc mít tinh này diễn ra ở hai quốc gia trên.
Tổng thống Erdogan đã bày tó sự tức giận trước việc Hà Lan cấm cửa các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ và gọi các chính trị gia châu Âu là các phần tử “phát xít”.
Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt đã gọi những phát biểu của ông Erdogan là “cay độc” và lấy dẫn chứng việc Ankara đã tiến hành thành trừng mạnh mẽ sau âm mưu đảo chính diễn ra vào tháng 7/2016 vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của EU nhằm giải quyết khủng hoảng tị nạn. Một năm sau thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó thống nhất ngăn chặn dòng người nhập cư tiến vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Tổng thống Erdogan chỉ canh báo rằng Hà Lan “sẽ phải trả giá” cho những hành động của họ.