Bản tin Biển Đông ngày 20/03/2017.
Trung Quốc đang tiếp tục âm mưu xây dựng ở bãi cạn Scarborough?
Ngày 18/3, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Biển Đông: Phải chăng một lần nữa Trung Quốc lại cân nhắc về dự án xây dựng ở bãi cạn Scarborough?” của Ankit Panda. Tác giả cho rằng “nhiều dấu hiệu mới cho thấy khả năng Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Biển Đông hoàn toàn không hề được giảm bớt kể từ năm 2016”.
Liên quan đến phát biểu của Thị trưởng Thành phố Tam Sa Tiêu Kiệt vừa qua nói rằng Trung Quốc sẽ xây các trạm quan sát môi trường trên nhiều cấu trúc ở Biển Đông, ông cho rằng tin này “không có gì là mới mẻ” vì từ năm 2015, Bắc Kinh đã ngang nhiên lợi dụng công việc nghiên cứu đại dương và thiên văn “làm cái cớ để hiện thực hoá tham vọng và dự án bồi đắp chưa từng có tiền lệ ở Trường Sa”. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng thông tin đáng quan ngại nhất trong các phát biểu của ông Tiêu Kiệt nằm ở chỗ, “các cấu trúc mà Trung Quốc đặt các trạm quan sát sẽ bao gồm “sáu cấu trúc, kể cả bãi Scarborough””. Theo tác giả, thông tin này càng khiến người ta thêm nghi ngờ bởi “nguồn tin” – tờ Hải Nam Nhật báo – đã nhanh chóng xóa đi phần nội dung đề cập đến bãi cạn Scarborough, trong khi Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ giải thích chính thức nào, nếu có bất cứ dự án bồi đắp nào được Trung Quốc tiến hành ở Scarborough, điều đó không chỉ vi phạm luật quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà sẽ còn gây suy giảm nghiêm trọng quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã được Tổng thống Philippines nỗ lực hàn gắn trong thời gian qua. Ông Ankit cũng cho rằng, khó có khả năng ông Tiêu Kiệu “nói nhầm” và khả năng Trung Quốc thực sự gây leo thang “hiện trạng” ở bãi cạn Scarborough có thể sẽ sớm nổi lên một lần nữa. Ngoài ra, tác giả cho biết việc xây dựng ở bãi cạn này sẽ là một trường hợp khác hẳn so với bảy đảo nhân tạo trung Quốc đã xây ở Trường Sa.
Philippines sẽ tăng cường các cơ sở quân sự trên Biển Đông
Hãng Reuters đưa tin, ngày 17/3, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 41 Bộ Tư lệnh phía Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định phía nước này, khẳng định Philippines sẽ tăng cường các cơ sở quân sự trên các đảo và đá ở Biển Đông, tuyên bố các kế hoạch sơ bộ nhằm xây dựng một hải cảng mới và củng cố một đường băng thô đã có và công bố kế hoạch khảo sát một tiền đồn trên đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa với lý do “Philippines chưa có gì mấy ở khu vực đó”. Ông cũng cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã phê duyệt kế hoạch nâng cấp các cơ sở không chỉ ở Thị Tứ mà còn ở 8 cấu trúc khác mà nước này chiếm đóng trên Biển Đông.
Thẩm phán Toà Tối cao Philippines: Trung Quốc có thể sẽ “kiểm soát” được Biển Đông nếu xây dựng trạm quan sát trên bãi cạn Scarborough
Ngày 18/3, hãng GMA News cho biết sau khi có thông tin nói rằng TrunG Quốc dự kiến sẽ xây dựng trạm quan sát trên bãi cạn Scarborough, thẩm phán Toà Tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo rằng nếu Philippines không ngăn chặn kế hoạch xây dựng trạm radar trên bãi cạn, Trung Quốc có thể sẽ áp đặt một vùng nhận diện phòng không và kiểm soát toàn bộ bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ phía Tây Bắc Palawan 124 hải lý. Cụ thể, ông nhấn mạnh rằng “những diễn biến này đòi hỏi một cuộc tham vấn cấp quốc gia, và sự đồng thuận về việc Philippines cần triển khai ra sao với quan hệ giữa hai nước”
Ông Carpio đề cập lại hành động của Trung Quốc năm 1987, khi nước này xây dựng một công trình tương tự ở Đá Chữ Thập ở Trường Sa của Việt Nam mà nước này đã dùng vũ lực để chiếm đoạt, với cái cớ “hỗ trợ khảo sát đại dương toàn cầu của UNESCO” nhưng thực chất sau đó, từ 2014 – 2015 đã biến trạm thời tiết này thành một căn cứ hải – không quân quân sự rộng 270 héc-ta”. Ông hết sức lo ngại rằng “giờ đã đến lượt bãi Scarborough”. Ông dự đoán Trung Quóc sẽ sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm nhằm thực thi ADIZ cũng như “các cơ sở quân sự ở khu vực nhằm thực thi cái gọi là đường 9 đoạn mà Trung Quốc ngang nhiên cho là đường biên giới quốc gia của mình trên Biển Đông”, “thâu tóm 80% vùng đặc quyền kinh tế và 100% vùng thềm lục địa của Philippines trên Biển Đông”
Quan điểm của Đài Loan về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông
Ngày 17/3, hãng Focus Taiwan cho biết nhằm đáp trả tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose rằng các quốc gia thành viên ASEAN đều tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã tuyên bố Đài Loan sẽ không bị rằng buộc bởi bất cứ Bộ Quy tắc ứng xử nào ở Biển Đông nếu bị loại bỏ khỏi các cuộc đàm phán và đối thoại xây dựng các quy định về phòng ngừa xung đột giữa các bên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định là “một quốc gia với chủ quyền độc lập, Đài Loan đương nhiên được hưởng các quyền theo luật quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển liên quan đến các yêu sách của Đài Loan trên Biển Đông”, “khẳng định Đài Loan quyết tâm thúc đẩy hoà bình và ổn định ở Biển Đông cùng các bên liên quan, bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” đồng thời nhắc lại lập trường của Đài Loan rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được “giải quyết thông qua một cơ chế giải quyết đa phương một cách hoà bình, tạm gác tranh chấp và theo đuổi giải pháp phát triển chung”.
Tổng thống Duterte sẽ nêu thắng lợi vụ kiện Trọng tài Biển Đông nếu Trung Quốc cương quyết khai thác các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông
Ngày 20/3, hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 19/3, phát biểu trước cộng đồng người Philippines tại Yangon, Myanmar, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẽ khẳng định thắng lợi của Manila trong vụ kiện Trọng tài quốc tế về Biển Đông ngày 12/7/2016, khẳng định chủ quyền của Philippines ở các vùng biển nếu Bắc Kinh tiến hành khai thác tài nguyên của Biển Đông. Ông đặc biệt nhấn mạnh “Tôi không có ý định gây sức ép về Phán quyết Trọng tài Biển Đông” nhưng “trong nhiệm kỳ của tôi, sẽ có lúc tôi phải đối thoại trực tiếp về Phán quyết, và nội dung trao đổi sẽ không vượt ra ngoài khuôn khổ văn kiện này”.