Wednesday, November 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ: Vạn lý Trường thành bằng thép ngăn ly khai Hồi giáo

TQ: Vạn lý Trường thành bằng thép ngăn ly khai Hồi giáo

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với đoàn đại biểu Tân Cương tham dự Kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh mới đây rằng, khu vực này cần “một vạn lý trường thành bằng thép” để ngăn chặn ly khai Hồi giáo.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhận quà là chiếc mũ truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ . Ảnh Tân Hoa xã

Sau một loạt các vụ tấn công khủng bố và đoạn video mà tổ chức khủng bố IS tung lên mạng với nội dung sẽ “tắm máu” Trung Quốc, các nhà chức trách địa phương đã tiến hành một đợt phô diễn sức mạnh và kiểm soát xã hội chặt chưa từng có, mà theo các chuyên gia đó chính là những biện pháp đã từng được áp dụng tại Tây Tạng.

Các cuộc diễu binh quy mô lớn đã diễn ra tại Hotan  (Hòa Điền), Kashgar và Urumqi với tham gia của hàng nghìn quân nhân, báo hiệu quyết tâm của chính quyền “tấn công mạnh mẽ, đập tan khủng bố” theo lời của Phó Bí thư Khu ủy  Zhu Hailun.

Sự phô diễn sức mạnh diễn ra sau vụ tấn công bằng dao xảy ra vào tháng Hai làm chết 8 người và vụ nổ bom xe xảy ra vào tháng 12 năm ngoái làm 5 người chết. Tháng 1/2017, 3 tên khủng bố đã bị bắn chết ở Hotan, khi chống cự lại cảnh sát đến bắt giữ.

Những vụ tấn công đó chỉ là vài diễn biến kinh khủng mới nhất của cuộc chiến chống khủng bố kéo dài hàng mấy chục năm nay, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Các nhà chức trách cho rằng, đó là hành động của các chiến binh Duy Ngô Nhĩ thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đòi ly khai, tuy nhiên một số người tỏ ý nghi ngờ rằng liệu ETIM có tồn tại như một nhóm có tổ chức chặt chẽ hay không, hay những vụ tấn công đó chỉ là phản ứng lại các chính sách đè nén của chính quyền nhằm vào lối sống của người Duy Ngô Nhĩ.

Làn sóng bạo lực diễn ra trùng với thời điểm một đoạn video độ dài nửa tiếng đồng hồ do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS được tung ra, phát đi thông điệp đe dọa Trung Quốc đầu tiên của chúng. Sự kiện này càng chứng tỏ mức độ tin cậy của các cảnh báo từ Bắc Kinh về khả năng liên minh giữa các chiến binh Tân Cương với tổ chức khủng bố thánh chiến toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với đoàn đại biểu Tân Cương tham dự Kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh trong tháng này rằng, khu vực này cần “một vạn lý trường thành bằng thépt” để ngăn chặn bọn ly khai Hồi giáo. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “đoàn kết các dân tộc.”

Chính phủ đã phản ứng lại mối đe dọa ngày càng tăng bằng cách đưa ra những quy định  hạn chế an ninh mới cho cư dân Tân Cương – những quy định mà theo một số các chuyên gia là từng được áp dụng tại Tây Tạng. Đó là do ông Trần Toàn Quốc, Bí thư Đảng bộ Tân Cương đương nhiệm, trước đây từng là người đứng đầu Đảng bộ Tây Tạng.

Những biện pháp này bao gồm việc thu hồi hộ chiếu và lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với  người dân địa phương bao gồm cả người Hán và Duy Ngô Nhĩ, một lệnh cấm cầu nguyện – thậm chí chỉ là cầu nguyện một mình, ở những địa điểm không phải là nơi thờ tự chính thức, áp dụng không chỉ đối với nhà thờ Hồi giáo mà cả các nhà thờ Cơ đốc, và một cuộc trấn áp các trường học Hồi giáo “ngầm”.

Trong số các biện pháp còn dành một khoản tiền thưởng trị giá 100 triệu nhân dân tệ để khuyến khích chống khủng bố.

“Mỗi biện pháp (chống khủng bố) mà bạn nhìn thấy ở Tây Tạng đang được nhân lên ở Tân Cương. Cơ chế thì giống nhau nhưng việc triển khai là khác nhau “, Robbie Barnett, giám đốc chương trình nghiên cứu Tây Tạng hiện đại tại Đại học Columbia, nói với tờ This Week in Asia.

Darren Byler, một chuyên gia của Đại học Washington về Tây Bắc Trung Quốc, dẫn các nguồn tin địa phương, cho biết tình hình chưa bao giờ căng thẳng như bây giờ.

“Hầu hết các địa khu từ Aksu đến Hotan đều bị đóng cửa hoàn toàn. Người dân Duy Ngô Nhĩ có hộ khẩu tại địa khu này không được đi nơi khác mà không có giấy phép. Trong một số trường hợp, dịch vụ xe buýt giữa các thành phố đã bị tạm dừng. Tại nhiều nơi, cuộc sống hiện tại là tập trung vào việc giáo dục chính trị hàng ngày và các buổi ca hát các bài nhạc đỏ. Mỗi hộ gia đình phải cử một đại diện tham gia các cuộc họp như vậy, nếu không bị dán nhãn “đáng ngờ”.

Theo truyền thống, người Duy Ngô Nhĩ là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất ở Tân Cương. Nhưng công cuộc phát triển khu vực giàu tài nguyên đã đưa đến đây một lượng người Hán đông đảo, hiện đã chiếm gần một nửa dân số. Điều này đã gây ra căng thẳng với nhiều người Duy Ngô Nhĩ – phần lớn là người Hồi giáo – vì họ lo lối sống của họ đang bị triệt tiêu.

Tân Cương là trung tâm trung chuyển của dự án phát triển “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc nhằm khôi phục Con Đường Tơ Lụa thời cổ đại bằng cách kết nối các nền kinh tế khu vực vào mạng lưới thương mại mà Trung Quốc là trung tâm. Sáng kiến này là chìa khóa dẫn đến những tham vọng địa chính trị của giới lãnh đạo Bắc Kinh, những người đã phản ứng với tình trạng bất ổn gần đây bằng cách đưa ông Trần Toàn Quốc –  một người theo đường lối cứng rắn về làm Bí thư Khu ủy Tân Cương từ năm 2016.

Ông Trần chính là tác giả của chính sách được gọi là “Hệ thống quản lý theo mạng lưới” ở Tây Tạng – một hệ thống thu thập thông tin toàn diện – được tạo ra để báo cho nhà chức trách những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, chủ yếu dựa vào cộng đồng cư dân người Hán địa phương để quản lý xã hội “không có khoảng cách, không có điểm mù, không có khoảng trống”. Trung Quốc coi Đức Đạt Lai Lạt Ma như là một người ly khai, mặc dù ông nói, chỉ đơn thuần tìm kiếm sự tự trị thực sự cho quê hương Himalayan của mình mà thôi.

Từ khi đến nhậm chức ở Tân Cương, Trần đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu trong chương trình làm việc của mình – ông James Leibold, chuyên gia về vấn đề sắc tộc của Trung Quốc làm việc tại Đại học La Toba (Australia) cho hay.

“Thời kỳ ông  Wang Lequan làm Bí thư Khu ủy từ năm 1994 to 2010, cách lãnh đạo cứng rắn đã dẫn đến cuộc bạo động tại Urumqi năm 2009,” – Leibold nhắc tới sự kiện gần 1000 người Duy Ngô Nhĩ xuống đường bạo động, gây ra cái chết của hàng trăm người, chủ yếu là người Hán”.

“Sau đó, ông Zhang Chunxiang đến thay và áp dụng chính sách mềm hóa đường lối, không chỉ chú trọng an ninh mà còn cả phát triển kinh tế”.

Leibold cho biết, sau các vụ tấn công vào những năm  2013-2014 đã có 35 người bị giết bằng dao (tháng 3/2014), rồi hai tháng sau đó một vụ đánh bom tự sát tại chợ Urumqi làm 43 người chết, ông  Zhang bị triệu hồi về Bắc Kinh để  nhận một chức vụ mang tính hình thức bởi vì cách lãnh đạo của ông bị coi là không hiệu quả.

Vào lúc đó, ông Trần – người được cử về làm Bí thư Khu ủy – nhận thấy, đó là cơ hội để hướng tới chức vụ cao hơn trong Bộ Chính trị. Ông quay lại theo cách làm của ông Wang Lequan.

Leibold nói, nhều người Duy Ngô Nhĩ nhìn nhận những biện pháp an ninh mới nhất là nhằm tới việc thực hành đạo Hồi.

“Thật ngây thơ, nếu nói rằng Trung Quốc không có vấn đề với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở cả trong nước lẫn ở nước ngoài – Leibold nói. “Tuy nhiên, việc phô trương sức mạnh có vẻ không tương xứng với mối đe dọa hiện hữu. Giống như dùng súng máy bắn ruồi, có thể đưa lại hậu quả ngược, vì chính sách đàn áp tại Tân Cương càng củng cố quan điểm cho rằng, ông Tập Cận Bình là người chống đạo Hồi. Điều đó không chỉ làm khó cho Dự án “Một vành đai, Một con đường” mà còn đe dọa làm cho vấn đề Trung Quốc và cuộc chiến chống khủng bố càng thêm nghiêm trọng và phức tạp trong tương lai.

Việc Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo cho phát cuộn băng video có thể cho thấy chúng đang trục lợi trước những gì diễn ra ở Tân Cương. Cuốn băng chiếu hình ảnh của các chiến binh Duy Ngô Nhĩ đe dọa “sẽ tắm máu và trả thù cho những người bị đè nén” tại Trung Quốc.

Các chuyên gia nói rằng cuộn băng đánh dấu sự thay đổi so với những năm trước, khi Trung Quốc ít khi bị đưa vào các tuyên bố của các nhóm thánh chiến quốc tế.

Những người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng thì đã lên tiếng phản đối cuộn băng video này.

RELATED ARTICLES

Tin mới