Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 21/03

Bản tin Biển Đông ngày 21/03

Bản tin Biển Đông ngày 21/03/2017.

Thẩm phán Toà tối cao Philippines kêu gọi Tổng thống đưa Hải quân ra bãi cạn Scarborough

Ngày 20/3, hãng GMA News cho biết Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte lưu ý về nghĩa vụ theo Hiến pháp của mình là bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đề xuất ông Duterte đưa ra một phản đối chính thức “mạnh mẽ” đối với hoạt động xây dựng của Trung Quốc và đưa Hải quân Philippines ra tuần tra ở bãi cạn Scarborough. Ông cho biết, “nếu Trung Quốc tấn công các tàu của Hải quân Philippines thì có thể viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines có hiệu lực đối với bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các tàu hải quân của Philippines hoạt động trên Biển Đông”.

Cụ thể, Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines đã hối thúc Tổng thống: (i) chấp nhận đề nghị của Mỹ về việc tổ chức tuần tra hải quân chung ở Biển Đông, bao gồm bãi cạn Scarborough để “cho thấy quyết tâm của Philippines và Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc xây dựng bãi cạn Scarborough”; (ii) tránh bất cứ hành động hay tuyên bố nào thể hiện một cách công khai hay ngầm công khai “từ bỏ” chủ quyền của Philippines đối với bất cứ phần lãnh thổ nào của Philippines ở Biển Đông; (iii) đề xuất Mỹ tuyên bố bãi cạn Scarborough là một phần của lãnh thổ Philippines, mục đích mà Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ hướng đến vì “bãi cạn là một phần lãnh thổ Philippines kể cả trong thời kỳ thuộc địa của Mỹ”, “Mỹ đã từng tuyên bố Senkaku là một phần lãnh thổ Nhật Bản theo mục đích của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật” và (iv) tiếp tục khẳng định chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Scarborough.

Trung Quốc thản nhiên khẳng định đã hoàn tất việc kiểm soát quân sự ở Biển Đông

Ngày 20/3, hãng ABS-CBN cho biết, sau khi nhiều cáo buộc nói rằng Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, các quan chức Hạm đội Bắc Hải thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Trung Quốc mới đây đã “bất ngờ” thừa nhận mục đích thực sự của nước này ở khu vực, rằng “Trung Quốc đã có được vai trò lãnh đạo trung tâm ở Biển Đông, các bên khác ở khu vực không thể sánh nổi vị trí độc tôn về quân sự ở khu vực”. Đáng lo ngại, Trung Quốc đã khẳng định rõ chính sách tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực dưới cái vỏ “hoạt động dân sự”, chẳng hạn như lợi dụng các chuyến bay tư nhân. Nguồn tin cũng cho biết “khả năng cao” là sẽ xảy ra “khủng hoảng quân sự” ở Biển Đông nhưng khó có thể “bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện”. Mặt khác, các quan chức này nói rằng dù Mỹ có thể sẽ duy trì lập trường trung lập về vấn đề chủ quyền ở khu vực song “cũng không có khả năng và sẽ không gây chiến với Trung Quốc”. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực ngăn chặn bất cứ khủng hoảng quân sự nào đồng thời cũng sẽ tận dụng bất cứ khủng hoảng để đáp trả các cuộc tấn công của quân địch và tận dụng mọi biện pháp cần thiết để “gây thiệt hại nặng nề” và “dạy cho quân địch một bài học”.

Để duy trì tham vọng độc chiếm khu vực, các quan chức này đã đề xuất hai hướng tiếp cận: (i) vạch ra một đường rõ ràng trên thực địa để quản lý bất cứ cuộc khủng hoảng quân sự nào (kể cả ngăn chặn các nước láng giềng chiếm hữu thêm các cấu trúc, cản trở các hoạt động của nước này trên biển như đánh cá hoặc phát triển dầu khí) và (ii) thúc đẩy “chiến tranh mưa dầm thấm lâu”, “núp sau lá chắn dân sự, kiềm chế xả súng khi bắt đầu cuộc chiến” để dần dần đưa cán cân quyền lực ngả về Trung Quốc.

Bất chấp Phán quyết Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 bác bỏ yêu sách đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc, bất chấp những chỉ trích và phản đối gay gắt của đông đảo cộng đồng quốc tế đối với hành động bất hợp pháp, vô nhân đạo của nước này ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái ngang ngược nhằm thách thức luật pháp quốc tế, thách thức trật tự khu vực nhằm áp đặt “sự đã rồi” đối với cục diện tranh chấp Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới