Philippines đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Biển Đông, tuy nhiên, Tổng thống Duterte của nước này liên tục thay đổi các phát ngôn về Biển Đông.
Tổng thống Philippines Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình trong chuyến công du đến Bắc Kinh hồi tháng 10/2016. Ảnh: AP
Trong cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ở Bangkok ngày 21/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định cam kết cùng Thái Lan và các bên liên quan tăng cường hợp tác hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ông Duterte cùng với Thủ tướng Thái Lan đồng ý nhấn mạnh rằng tự do hàng hải ở Biển Đông là giá trị cốt lõi trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
“Duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, cũng như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là mối quan tâm của mọi quốc gia trong và ngoài khu vực, vì đó là điều kiện căn bản cho tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng”, ông Duterte nói tại cuộc họp báo chung ở Bangkok.
Hai bên cũng đồng ý đẩy nhanh tiến trình thực thi Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng toàn bộ và hiệu quả DOC, cũng như quyết tâm hoàn tất bộ khung về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) trong năm nay.
Tổng thống Duterte đang khiến nhiều người đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chỉ cách đó 2 ngày, phát biểu tại sân bay quốc tế TP Davao, ông còn thừa nhận Philippines không thể làm gì để ngăn Trung Quốc xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Nhà lãnh đạo này nói thêm mình có thể tuyên bố chiến tranh chống lại Bắc Kinh nhưng cảnh báo về nguy cơ mất hết quân đội, cảnh sát và đất nước bị hủy diệt nếu ông làm thế.
Cũng trong tháng 3/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tuyên bố, Tổng thống Duterte đã yêu cầu tăng cường hoạt động tuần tra ở Benham Rise, khu vực chìm dưới nước rộng 13 triệu hécta, nằm ở phía đông bắc đảo Luzon của Philippines, đồng thời đặt các cấu trúc “để khẳng định chủ quyền” ở khu vực này. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Philippines phát hiện một tàu thăm dò của Trung Quốc xuất hiện ở Benham Rise.
Tuy nhiên, sau đó, ông Duterte lại bác bỏ mối quan ngại về việc tàu khảo sát Trung Quốc được phát hiện gần Benham Rise.
Từ khi lên nắm quyền, ông Duterte liên tục có những phát ngôn gây sốc về vấn đề Biển Đông, trái ngược với những quan điểm của người tiền nhiệm Benigno Aquino III.
Tháng 12/2016, Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ gác lại phán quyết vụ kiện Biển Đông, không gây áp lực cho Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh triển khai vũ khí phi pháp ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Thậm chí, đến tháng 1/2017, ông Duterte còn chỉ trích Mỹ gây sức ép để Manila phải thực thi phán quyết của Toà trọng tài, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Duterte giải thích rằng chính trị ở Đông Nam Á đang thay đổi, vì vậy chính sách đối ngoại của Philippines cũng sẽ thay đổi.
“Giống như chúng tôi bây giờ, sẽ tách biệt hoặc sẽ yêu cầu (quân đội Mỹ) rút khỏi đất nước chúng ta”, ông Duterte nói thêm.
Tổng thống Philipines cũng nhiều lần tuyên bố vấn đề quan trọng hiện nay là thúc đẩy hợp tác kinh tế chứ không phải đối đầu với Bắc Kinh.
Mới đây, ông Duterte tiết lộ, Philippines dự kiến nhận khoản đầu tư và hỗ trợ trị giá nhiều tỷ USD từ Trung Quốc sau khi ông quyết định không tranh cãi với Trung Quốc về vụ tranh chấp lãnh thổ khác trên Biển Đông.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio T. Carpio hôm 19/3 đã phải nhắc nhở Tổng thống Rodrigo Duterte về “nhiệm vụ hiến định” là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Trong khi đó, theo ông Randolph David, chuyên gia xã hội học ĐH Philippines, dù có đổ ra cả tỉ USD viện trợ, Trung Quốc hay Tổng thống Duterte vẫn khó thuyết phục nổi người dân Philippines rằng Trung Quốc không có gì đe dọa. Đây là một định kiến đã bắt rễ rất sâu và khó đổi một sớm một chiều.