Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ đang bị "gậy ông đập lưng ông"?

TQ đang bị “gậy ông đập lưng ông”?

Việc Trung Quốc liên tiếp tẩy chay nhiều mặt hàng do Hàn Quốc sản xuất không thể ngăn Seoul tiếp tục cho triển khai lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD và thậm chí còn khiến mối quan hệ kinh tế hai nước rơi vào khủng hoảng.

Tập đoàn Lotte là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc chịu tổn thất
lớn nhất từ những biện pháp trừng phạt phi chính thức từ Trung Quốc. 

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt với Hàn Quốc liên quan tới việc Seoul đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa Triều Tiên.

Song theo giới phân tích, những biện pháp trừng phạt kinh tế với Hàn Quốc đang khiến Trung Quốc rơi vào cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Bởi lâu nay, Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng nguyên liệu từ Hàn Quốc để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất.

Việc truyền thông quốc gia Trung Quốc liên tiếp đăng tải thông tin phản đối Hàn Quốc cũng như siết chặt quản lý các mặt hàng tiêu dùng do Hàn Quốc sản xuất, khiến người dân Trung Quốc đồng loạt tẩy chay nhiều mặt hàng và doanh nghiệp nước bạn. Nhiều chuyến du lịch từ đại lục sang Hàn Quốc cũng bị hủy bỏ và số lượng chuyến bay giữa hai nước cũng bị cắt giảm. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt với Hàn Quốc chỉ có giới hạn. Bởi trong số tổng sản lượng xuất khẩu của Hàn Quốc xuất sang Trung Quốc chỉ có chưa tới 5% là hàng tiêu dùng. Và đây là các mặt hàng bị Trung Quốc tẩy chay. Còn phần lớn hàng hóa mà Hàn Quốc xuất sang Trung Quốc là nguyên liệu thô, linh kiện và thiết bị công nghiệp. 

Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình tại Viện IHS Global Insight cho biết Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu chính linh kiện điện tử sang Trung Quốc. Trong đó, 1/4 linh kiện mà Trung Quốc nhập khẩu là các vi mạch, thành phần cốt lõi để sản xuất tivi và điện thoại di động. 

Còn theo Giám đốc phân tích khu vực Bắc Á và Trung Quốc thuộc Công ty tư vấn Kiểm soát rủi ro, ông Andrew Gilholm, lệnh trừng phạt phi chính thức mà Trung Quốc áp đặt với Hàn Quốc như tẩy chay các công ty Hàn Quốc lại đang ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới. 

“Các công ty Trung Quốc cần hợp tác công nghệ với đối tác Hàn Quốc để đạt được mục tiêu nâng cấp ngành công nghiệp”, SCMP dẫn lời ông Gilholm. 

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Trung – Hàn đã chứng kiến sự bùng nổ. Cụ thể, trong tháng Hai, hoạt động xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc đã tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ cuối năm 2010.  

Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, nếu Trung Quốc tiếp tục thi hành lệnh trừng phạt phi chính thức, kinh tế Hàn Quốc sẽ chịu tổn thất khoảng 14,76 tỷ USD tương đương 1,07% GDP. 

Dù Mỹ và Hàn Quốc nhiều lần khẳng định việc triển khai THAAD là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên nhưng Trung Quốc vẫn lên tiếng phản đối mạnh mẽ và cáo buộc THAAD sẽ trở thành công cụ đe dọa an ninh quốc gia này. 

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tẩy chay các mặt hàng của Hàn Quốc sẽ đẩy Seoul vào sâu quỹ đạo của Washington.

“Nếu Trung Quốc càng tăng sức ép kinh tế, điều này sẽ khiến chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của Hàn Quốc gia tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Trung Quốc. Nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo của khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc không nên gây ấn tượng xấu cho các quốc gia láng giềng”, Giáo sư Lee Jung-nam tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hàn Quốc nhận định. 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, Trung Quốc tẩy chay các mặt hàng nước ngoài. Cụ thể, không ít người dân Trung Quốc đã ngừng tới mua sắm trong chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp hồi năm 2008 sau khi hành trình di chuyển của ngọn đuốc Thế vận hội Bắc Kinh bị các nhà hoạt động ủng hộ nền độc lập cho Tây Tạng ở thủ Paris, cản trở. 

Xe ô tô của Nhật Bản cũng bị tẩy chay vào năm 2012 liên quan tới những tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Cửa hàng ăn nhanh KFC từng rơi vào cảnh vắng khách hồi năm ngoái khi người dân Trung Quốc phản đối Mỹ chỉ trích Bắc Kinh ngang nhiên bành trướng chủ quyền ở Biển Đông. 

Ông Jin Meihua, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Đông bắc Á tại tỉnh Cát Lâm, khu vực có đường biên giới sát Triều Tiên, cho rằng hoạt động tẩy chay của Trung Quốc sẽ chỉ gây ra những tác động có giới hạn đối với nền kinh tế Hàn Quốc trong khi lại gây ra làn sóng thù hận trong tư tưởng người dân Hàn Quốc với Trung Quốc. 

“Trung Quốc tẩy chay Nhật Bản vì tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này khiến các công ty Nhật Bản chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á trong khi số lượng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản vẫn tăng mạnh”, ông Jin nói. 

Còn theo ông Richard Hu Weixing tại Đại học Hong Kong, những biện pháp gây sức ép kinh tế mà Trung Quốc áp đặt với Hàn Quốc sẽ không thể khiến Seoul từ bỏ kế hoạch triển khai THAAD mà thậm chí còn khiến Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống phòng thủ này. 

RELATED ARTICLES

Tin mới