Nhiều khả năng trong kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 19 vào mùa thu năm nay, ông Tập Cận Bình sẽ cho thay đổi một số điều lệ trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu cho các cán bộ cấp cao qua đó kéo dài thời gian tại vị của mình.
Chủ tịch kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình (63 tuổi), người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn nhân sự ngay trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào mùa thu năm nay.
Tại sự kiện này, Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có sự thay đổi rất lớn về mặt nhân sự khi mà đa số trong 7 thành viên hiện tại của cơ quan này đã đến tuổi về hưu.
Năm 2007, ông Tập nổi lên là nhân vật chắc chắn kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào để trở thành Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc. Song theo tờ Nikkei Asian Review, ở thời điểm hiện tại, ông Tập không có ý định bổ nhiệm một người khác để chuẩn bị thay thế mình.
Điều này được thể hiện qua các băng rôn treo khắp thủ đô Bắc Kinh, nhắc nhở người dân về Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong đó nhấn mạnh ông Tập là “trung tâm”. Điều này khiến ông Tập trở thành một nhà lãnh đạo hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm, những người chỉ đơn thuần là viên chức cao cấp nhất trong số các viên chức có tư cách ngang hàng nhau.
Ngay cả bài phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã nhiều lần nhấn mạnh ông Tập là “người nòng cốt” của đảng Cộng sản nước này.
“Hiện tại, ông Tập đang giữ vị trí trung tâm và tiếp tục con đường lãnh đạo. Ông Tập sẽ không chỉ định ai là người kế nhiệm trong tương lai. Thay vào đó, ông Tập sẽ để các ứng cử viên tự cạnh tranh với nhau”, Nikkei Asian Review dẫn lời một quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Ông Tập được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc trong Đại hội Đảng vào mùa thu năm 2012. Sau đó, ông trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào mùa xuân năm 2013. Và với vị thế là nhà lãnh đạo “trung tâm”, ông Tập nhiều khả năng sẽ cho thay đổi luật nghỉ hưu.
Theo hiến pháp Trung Quốc, chủ tịch nước chỉ được giữ chức hai nhiệm kỳ và mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tập sẽ phải từ chức vào năm 2023. Tuy nhiên, đối với vị trí Tổng bí thư lại không có bất cứ quy định giới hạn nào. Song hai người tiền nhiệm của ông Tập là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, họ đều rời khỏi cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch nước gần như đồng thời khi đến tuổi về hưu.
Còn theo quyết định của Đại hội Đảng Trung Quốc năm 2002, tuổi nghỉ hưu của các thành viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc được quy định là 68 tuổi. Song quy định này chỉ được xem là “thông lệ” chứ không có văn bản chính thức nào quy định. Và để củng cố quyền lực, không loại trừ khả năng, trong Đại hội Đảng năm 2022, ông Tập sẽ ra quy định mới để kéo dài thời gian tại vị của mình.
Theo tờ Nikkei Asian Review, hiện không rõ, liệu ông Tập có ý định sử dụng “Ủy ban Giám sát quốc gia”, một cơ quan độc lập sẽ được thành lập vào năm tới, để hiện thực hóa các tham vọng chính trị hay không. Theo đó, cơ quan này có quyền điều tra cả những nhân vật không phải là thành viên trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Còn hiện tại, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đang đảm nhận vai trò là trung tâm quản lý chiến dịch chống tham nhũng. Trong thời gian qua, nhiều quan tham Trung Quốc đã bị chính Ủy ban này vạch tội. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra lại chưa có thẩm quyền điều tra và kết tội đối với những nhân vật không phải là đảng viên.
Trong đó, ông Vương Kỳ Sơn (68 tuổi), người bạn thân lâu năm của ông Tập, sẽ đảm nhận vị trí người đứng đầu Ủy ban Giám sát quốc gia. Hiện tại ông Vương cũng đang giữ cương vị Trưởng ban Giám sát chống tham nhũng trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặc dù ông Vương đã ở tuổi 68, cái tuổi về hưu theo như quyết định của Đại hội đảng Trung Quốc năm 2012 song ông Tập vẫn có thể giữ ông Vương làm thành viên trong Ban Thường vụ sau năm 2017 với danh nghĩa ông Vương là “người giữ lửa” cho cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này còn khiến nhiều người nghi ngờ, ông Vương có thể trở thành Tổng bí thư Trung Quốc trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu ông Vương được bổ nhiệm thì ông này cũng sẽ không giữ vị trí là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc như ông Tập đang làm. Thay vào đó, vị trí mà ông Vương nắm giữ có khả năng sẽ giống như ông Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn những năm 50. Đây là thời điểm ông Mao Trạch Đông giữ chức Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc với quyền lực vô hạn, còn ông Đặng Tiểu Bình chỉ là Tổng thư ký Ban Bí thư Trung ương.
Nói tóm lại, việc bổ nhiệm ông Vương giữ chức Tổng bí thư có thể được xem là cách ông Tập kéo dài thời gian cầm quyền sau năm 2022. Nhiều khả năng những thay đổi trong các điều luật đảng liên quan tới vị trí Chủ tịch Đảng trong Đại hội Đảng vào mùa thu năm nay, có thể sẽ trở thành bước đệm để ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 kéo dài tới năm 2027. Và nếu ông Lý Khắc Cường nay đã 61 tuổi vẫn giữ chức Thủ tướng còn ông Vương làm Tổng bí thư, ông Tập – ông Lý – ông Vương sẽ tạo thành “nhóm tam hùng”.
Sau kỳ họp Đại hội Đảng Trung Quốc năm 2012, số lượng thành viên trong Ban Thường vụ đã giảm từ 9 xuống còn 7 người. Khả năng ông Tập sẽ cho giảm xuống còn 5 thành viên trong Ban Thường vụ với 3 người được tái bổ nhiệm và 2 người mới được bổ nhiệm.
Còn xét theo quy định tuổi nghỉ hưu là 68, ngoài ông Tập và ông Lý, các thành viên còn lại đều đến tuổi về hưu trong kỳ họp Đại hội Đảng năm nay. Ngay cả ông Vương cũng sẽ bước sang tuổi 69 khi kỳ họp này bắt đầu.
Theo Nikkei Asian Review, ông Vương được xem là người có nhiều mối quan hệ rộng với giới tài chính thế giới và nhiều khu vực tại Mỹ. Kinh nghiệm của ông Vương có thể sẽ giúp Trung Quốc giải quyết các vấn đề tranh cãi với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, việc giữ lại ông Vương trong bộ máy lãnh đạo cũng sẽ khiến ông Tập gặp không ít khó khăn do vấp phải sự phản đối của các đối thủ chính trị. Nhưng trên danh nghĩa ông Vương là “người giữ lửa” cho chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc, ông Tập hoàn toàn có thể giữ lại được người bạn thân trong bộ máy quyền lực.
Ông Song Ping (99 tuổi), một đảng viên lão thành Trung Quốc cho rằng: “Nếu một người có năng lực phù hợp, họ có thể đảm nhận công việc và giúp đỡ những người khác ngay cả khi họ đã ở trong độ tuổi 65 – 75 và thậm chí hơn 80”.
Nếu quan điểm của ông Song nhận được sự ủng hộ từ các cán bộ lão thành trong đảng Cộng sản Trung Quốc về việc nhiều quan chức có thể tại vị khi đã hơn 75 tuổi, hoàn toàn có khả năng, ông Vương sẽ vẫn đảm nhận chức vụ là thành viên trong Ban Thường vụ sau năm 2017. Đây cũng là cơ hội để ông Tập củng cố thêm bộ máy lãnh đạo.