Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBa thất bại lớn của Trump trong hai tháng cầm quyền

Ba thất bại lớn của Trump trong hai tháng cầm quyền

Việc phe Cộng hòa rút dự luật y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thất bại mới nhất trong vòng hai tháng đứng đầu nước Mỹ của ông.

Tổng thống Trump phải hứng chịu ba thất bại lớn. Ảnh: AFP.

Các nghị sĩ đảng Cộng hoà hôm nay rút dự luật y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước khi lấy phiếu để thay thế Obamacare. Tổng thống Trump tuyên bố “thất vọng” và “có chút bất ngờ” bởi kết quả này. Nó cũng đánh dấu thất bại lớn thứ ba chỉ trong hai tháng nắm quyền của ông, AFP đưa tin.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh

Chỉ một tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 7 quốc gia có số đông là người Hồi giáo, cũng như ngừng tiếp nhận người nhập cư. Sắc lệnh này được đưa ra mà không thông báo, gây ra sự hỗn loạn tại các sân bay, đồng thời làm nổ ra nhiều làn sóng phản đối ở Mỹ và thế giới.

Tuy nhiên, tòa án bang Washington đã chặn sắc lệnh này với lý do nó vi phạm điều khoản chống phân biệt tôn giáo trong hiến pháp Mỹ. Đây được đánh giá là một thất bại đáng xấu hổ với Tổng thống Trump.

Sau đó, chính quyền Trump đưa ra lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi, cho rằng nó sẽ tuân thủ luật pháp chặt chẽ hơn. Mỹ vẫn áp dụng phương án cấm nhập cảnh với công dân từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày, đồng thời không nhận người tị nạn trong ít nhất 120 ngày. Iraq được loại khỏi danh sách cấm trong sắc lệnh sửa đổi.

Nhưng tòa án bang Maryland và Hawaii tiếp tục chặn sắc lệnh này hồi giữa tháng 3. Thẩm phán khẳng định lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi vẫn phân biệt đối xử và chống lại đạo Hồi. Tòa án cho rằng phát biểu của Trump khi chạy đua tổng thống, đó là khởi đầu nhiệm kỳ bằng lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh, đã định hình cách tiếp cận của ông. Vụ việc này sẽ được kháng cáo tại tòa án liên bang ở bang Virginia.

Vấn đề với Nga

Các cơ quan tình báo Mỹ đã công khai cáo buộc Nga tìm cách gây ảnh hưởng có lợi cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Điều này khiến nhiều người đặt ra nghi vấn liệu chiến dịch tranh cử của Trump có liên hệ với Nga hay không.

Có ít nhất 4 cuộc điều tra độc lập đang được tiến hành với vấn đề này. Phe Dân chủ cho rằng Moscow đã tiến hành đợt tấn công mạng khiến nhiều thư điện tử của họ bị rò rỉ, dẫn tới thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton.

Sự việc còn nghiêm trọng hơn khi Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn phải từ chức vì gặp gỡ Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trước khi nhậm chức. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bác bỏ mọi câu hỏi liên quan tới Nga, sau khi việc ông gặp Đại sứ Kislyak trước khi Trump lên nắm quyền bị phát hiện.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 20/3, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey xác nhận cơ quan này đang điều tra liệu các cố vấn tranh cử của Trump có hợp tác với phía Nga hay không. Ông cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng cựu tổng thống Obama đã tổ chức nghe lén tháp Trump.

Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức nhiều buổi điều trần công khai về vấn đề này trong những tuần tới.

Chương trình chăm sóc sức khỏe

Tổng thống Trump buộc phải rút dự luật chăm sóc sức khỏe ngay trước khi lấy phiếu để thay thế chương trình Obamacare. Điều này khiến cam kết loại bỏ Obamacare của ông không được hoàn thành.

Kế hoạch này dự kiến làm giảm giá dịch vụ y tế cao cấp cho hầu hết người Mỹ, nhưng lại cắt giảm sự hỗ trợ với những người không có bảo hiểm. Nhiều nhà phân tích cho rằng 14 triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế từ đầu năm sau.

Trump đã dồn toàn lực vào dự luật này, cũng như bỏ nhiều thời gian để thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, dự luật này có vẻ đã phá sản với việc phe Cộng hòa kêu gọi xây dựng một kế hoạch mới. Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ nhanh chóng tập trung vào việc cải cách thuế, một mục tiêu dài hạn khác của đảng Cộng hòa.

RELATED ARTICLES

Tin mới