Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 27/03

Bản tin Biển Đông ngày 27/03

Bản tin Biển Đông ngày 27/03/2017.

Hải quân Philippines đưa tàu chiến tới tuần tra Benham Rise

Ngày 24/3, trang Rappler đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Hải quân nước này sẽ thường xuyên đưa các tàu chiến tốt nhất tới tuần tra ở Benham Rise, khu vực biên giới phía Đông của Philippines “một phần là vì các hoạt động vừa qua của Trung Quốc” nhưng chủ yếu vẫn là khẳng định quyền của Philippines trong vùng thềm lục địa của nước này. Tàu BRP Ramon Alcaraz, một trong ba tàu được chuyển đến từ Cảnh sát Biển Mỹ đã được triển khai trong tuần này. Tư lệnh tàu BRP Alcaraz Jeff Nadugo cho hay, Hải quân Philippines sẽ thách thức và yêu cầu được làm rõ về mục đích của sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực Benham Rise nếu kịp thời phát hiện.

Trung Quốc ngang nhiên triển khai bản tin phát thanh dự báo thời tiết trên biển tại ba cấu trúc ở Trường Sa

Ngày 24/3, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 23/3, ông Bai Yiping, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng “Nam Hải”, Cục Hải sự Trung Quốc (SOA) cho biết đài phát thanh ven biển Quảng Châu đã sử dụng dữ liệu thời tiết của SOA để phát đi bản tin thời tiết về tình hình sóng biển, thuỷ triều, nhiệt độ nước biển, gió và lốc xoáy tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi ở Trường Sa, Biển Đông.

Thực chất, động thái trên của Trung Quốc chỉ là một phần trong chuỗi các hoạt động dồn dập gần đây của nước này nhằm tiến hành kiểm soát, các vùng biển ở Biển Đông, không chỉ về mặt quân sự. Không khó để nhận ra rằng, hành động của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, đi ngược lại thoả thuận giữa hai bên mà còn là hành vi ngang ngược, bất chấp Phán quyết Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 để hiện thực hoá cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc, nhằm qua đó thúc đẩy tham vọng bành trướng và kiểm soát cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc cho biết “đang liên hệ với Philippines” về chuyến thăm của tàu hải quân

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 24/3, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyến thăm của Hải quân Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này đang “liên hệ” với Philippines về chuyến thăm của tàu hải quân Trung Quốc tới Philippines. Bà Hoa cũng khẳng định “sau những tiến triển trong quan hệ song phương, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi và hợp tác với phía Philippines trong những lĩnh vực liên quan”, “đặc biệt là hợp tác quân sự giữa hai nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước”. Trước đó, ngày 23/3, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định ông đã gửi lời đề nghị Trung Quốc đưa tàu chiến tới thăm Philippines. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định, đây được xem là bước chuyển biến về chính sách đối ngoại “đáng kinh ngạc” của Philippines.

Ý kiến của các chuyên gia an ninh về đường lối đối ngoại của Tổng thống Duterte

Ngày 26/3, hãng ABS-CBN đưa tin, tại diễn đàn bàn tròn về Nghiên cứu “Vai trò của các nước Đồng minh của Mỹ trong Chính sách Cân bằng của Philippines đối với Trung Quốc” của GS. Renato de Castro, Giảng viên Đại học De La Salle, Philippines ngày 24/3, nhiều chuyên gia về an ninh đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi và tích cực. Ông Orlando Mercado, cựu Thượng Nghị sỹ và Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng cần phải lắp đặt thêm nhiều tàu đổ bộ (LST) trên các vùng biển tranh chấp ở Trường Sa vì theo ông, trong địa chính trị hiện nay, điều cần thiết là phải chủ động “quan sát, tính toán và hành động khôn ngoan” bằng cách sử dụng “sức mạnh mềm”, “sức mạnh thông minh”. Ông De Castro thì khẳng định, dù Tổng thống Rodrigo Duterte đang thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc nhưng ông cần nhận thấy rằng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục là cường quốc hải quân áp đảo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Trên thực tế, ông Duterte cũng chưa hủy bỏ quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ, đồng thời Philippines đang củng cố mạnh mẽ quan hệ đối tác an ninh với Nhật Bản. Các đề xuất của GS Castro cũng bao gồm việc cần duy trì quan hệ an ninh ổn định và tốt đẹp với Mỹ thông qua việc triển khai Hiệp ước về Thăm viếng quân sự năm 1997 và Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Phòng thủ năm 2014. Bên cạnh đó, ông kêu gọi Chính phủ Duterte cần tiếp tục duy trì quan hệ chiến lược tích cực với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Thêm vào đó, ông Castro cũng đề xuất Tổng thống Duterte cần “tạo điều kiện cho việc đàm phán song phương mang tính xây dựng với Trung Quốc trên cơ sở tuân thủ thượng tôn pháp luật và việc tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác an ninh của Philippines”.

Trong vấn đề bãi cạn Scarborough: Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines?

Ngày 27/3, hãng ABS-CBN đăng bài viết “Bãi cạn Scarborough: Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines” của Richard Heydarian, Phó Giáo sư Đại học De La Salle, Philippines.

Qua trao đổi ý kiến gần đây với một số chuyên gia cao cấp và một số nhà hoạch định chính sách hiểu biết rõ quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines về khả năng Mỹ có thể hỗ trợ Philippines khi xảy ra xung đột ở Biển Đông theo Hiệp ước Phòng thủ chung 1951 (MDT) hay không, ông Richard cho rằng, Mỹ vẫn sẽ buộc phải can thiệp nếu tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines vượt tầm kiểm soát và biến thành một cuộc xung đột chính thức vì: (i) lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không chỉ gói gọn trong quan hệ đồng minh với Philippines, (ii) sẽ không bao giờ có một câu trả lời chắc chắn (Black and White) cho những vấn đề quan trọng như thế này vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines, sự quyết đoán của Trung Quốc hay dư luận trong nước và quốc tế; (iii) thời gian qua, Mỹ đã ngăn chặn hiệu quả Trung Quốc, không để nước này củng cố quyền kiểm soát hoàn toàn đối với bãi cạn Scarborough (lắp đặt vũ khí quân sự hiện đại ở các căn cứ gần bãi cạn, thực hiện các hoạt động do thám ở khu vực lân cận và triển khai các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực); (iv) Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc và mưu đồ thiết lập một vùng “biệt lập của riêng Trung Quốc” ở khu vực nếu nước này kiểm soát được tam giác chiến lược Hoàng Sa – Trường Sa và bãi cạn Scaborough; (v) một lượng lớn quân đội Mỹ hiện đang đóng ở Philippines và như các chính quyền trước của Mỹ đã khẳng định rõ, MDT hoàn toàn có thể được kích hoạt nếu tàu thuyền và quân đội Philippines bị “bên thứ ba” tấn công ở Thái Bình Dương, một điểm quan trọng mà Chính quyền Trump cần tiếp tục tái khẳng định.

Tuy nhiên, không thể đảm bảo rằng điều này đủ để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở khu vực, bởi nước này vẫn có thể tiếp tục các bước đi phiêu lưu, bất chấp mọi sự phản đối, mọi nguyên tắc và luật lệ nhằm thúc đẩy các hoạt động xây dựng, mở rộng các cuộc tuần tra bán quân sự và củng cố sự hiện diện quân sự ở Trường Sa để “phủ đầu” sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực. Mặc dù vậy, PGS. Richard Heydarian khẳng định, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là “đối tác phòng thủ tốt nhất và duy nhất” của Philippines để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nước này ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới