GDP không quan tâm nhiều tới các thành phần cơ cấu của nền kinh tế, vì vậy sẽ không đưa ra được cách nhìn nhận và đánh giá hợp lý.
Chạy theo GDP, chạy đua tham nhũng. Ảnh minh họa
TS Đinh Sơn Hùng – nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nêu quan điểm trước thông tin Việt Nam đang nằm tóp có mức tăng trưởng cao nhất khu vực nhờ đầu tư hạ tầng.
PV:– Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, Việt Nam đang là nước có mức tăng trưởng GDP trung bình 5,7%, cao nhất khu vực nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh lấy hẳn ví dụ từ câu nói nổi tiếng của Hà Giang “mỗi ngày một dự án” để nói về cuộc chạy đua đầu tư đáng báo động.
Vậy theo ông, tăng trưởng GDP nhờ hạ tầng có nên được ghi nhận như một tham số trong việc nhận định tốc độ phát triển nền kinh tế hay không và vì sao? Xin ông phân tích cụ thể.
TS Đinh Sơn Hùng:– Thực tế thì GDP vẫn được coi là một tham số trong nhận định tốc độ phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu đánh giá tăng trưởng của toàn nền kinh tế mà chỉ dựa vào GDP nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng thì có thể chỉ số tăng trưởng sẽ cao nhưng việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế cũng như hiệu quả tăng trưởng thực cho nền kinh tế lại là rất thấp.
Tôi đồng ý, mục tiêu cải thiện tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhưng chạy theo GDP nhờ hạ tầng không khác nào chúng ta đang chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng nhờ số lượng.
Người ta vẫn nói “chạy chức, chạy quyền” và “chạy dự án”, nếu như vậy sẽ lại có những địa phương điên đảo chạy đua với dự án, chạy đua với công trình, chạy đua vốn. Và tất nhiên, đi cùng với đó là những cuộc chạy đua với chia chác lợi nhuận và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu chuyển từ tăng trưởng số lượng sang chất lượng sẽ bị thất bại hoàn toàn.
PV:– Từ trước tới nay, đã có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc lại việc đánh giá mức độ tăng trưởng của nền kinh tế theo GDP. Ngoài vấn đề cách tính của Việt Nam hiện nay chưa đáng tin cậy, theo các chuyên gia, GDP chỉ phản ánh tình hình kinh tế trong ngắn hạn, không nói gì về tính bền vững của tăng trưởng, hay mức độ đánh đổi tăng trưởng…
Ông có đồng tình với nhận định nói trên hay không và vì sao?
TS Đinh Sơn Hùng:– Khái niệm tăng trưởng và phát triển là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nếu chỉ coi GDP như một chỉ tiêu để đánh giá sự tăng trưởng là hợp lý, tuy nhiên, cũng với sự phát triển theo chiều sâu của nền kinh tế xã hội, chỉ dựa vào một chỉ tiêu GDP để đánh giá tình trạng phát triển của nền kinh tế quốc dân thì không thể có kết luận toàn diện và chính xác.
Tại sao tôi lại nói như vậy, vì GDP có những hạn chế điển hình sau:
Thứ nhất, chỉ tiêu này chỉ hiển thị ở sản phẩm hàng hóa. Những sản phẩm không phải là hàng hóa (an sinh, sức khỏe, dịch vụ công…) chưa được lượng hóa nên có thể có những khoảng cách đáng kể giữa hai loại sản phẩm này. Đồng thời, những sản phẩm làm ra ở gia đình, chi phí ít, thì không được tính đến.
Thứ hai, GDP không nói gì đến chất lượng của tài sản và dịch vụ, và cũng không nói gì đến chất lượng của cuộc sống mà tài sản và dịch vụ mang lại. Những suy giảm về môi trường không được tính đến.
Thứ ba, GDP cũng không nói gì đến sự phân phối thu nhập giữa các nhóm xã hội. Thu nhập quốc dân trung bình tăng lên có thể đi đôi với một sự tăng mạnh ở những nhóm này và giảm ở những nhóm khác.
Thứ tư, GDP không đánh giá hết được hiệu quả sử dụng của các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất.
Rất nhiều những hạn chế khác nữa mà tôi không thể liệt kê hết. Nhưng rõ ràng những vấn đề trên cho thấy, GDP chỉ nên được coi như là một chỉ số phải đứng cùng với nhiều chỉ số khác như: thu nhập trung vị của hộ gia đình, số việc làm ròng được tạo ra trong cả hai khu vực là doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình, chỉ số nghèo đa chiều, chỉ số tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục… trong việc đánh giá sự phát triển của nền kinh tế.
PV:– Trên thế giới, số liệu GDP hiện đang được các quốc gia sử dụng như thế nào, có nước nào đang coi GDP là một chỉ tiêu chính đánh giá tốc độ tăng trưởng như Việt Nam hay không?
TS Đinh Sơn Hùng:– Trên thế giới hiện nay có rất ít nước sử dụng chỉ số GDP như một chỉ tiêu làm cơ sở để phản ánh sự tăng trưởng, quy mô kinh tế và trình độ phát triển kinh tế.
Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đang sử dụng phương pháp tính mới là GNP (tức Tổng sản lượng quốc gia hay Tổng sản phẩm quốc gia) làm chỉ tiêu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, mỗi cách tính đều có cách thể hiện ở phạm vi khác nhau nên sẽ đưa ra các phản ánh về hiện trạng khác nhau của mỗi nền kinh tế. Vì vậy, dù là tính theo GDP hay GNP thì cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
PV:– Thưa ông, việc coi GDP là một chỉ tiêu chính đo tốc độ phát triển nền kinh tế như hiện nay sẽ dẫn đến những hệ lụy nào trong điều hành kinh tế vĩ mô?
Vậy theo ông, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi hay chưa? Và bởi dùng tốc độ tăng GDP sẽ dễ dàng có được những thành tích khả quan, theo ông, nếu muốn thay đổi, rào cản lớn nhất của Việt Nam sẽ là gì?
TS Đinh Sơn Hùng:– Như tôi đã nói, nếu cứ dựa vào GDP và coi GDP như một chỉ tiêu chính để đo tốc độ phát triển nền kinh tế như hiện nay thì chúng ta vẫn sẽ đi theo con đường cũ, phát triển về số lượng mà không phát triển về chất lượng, chỉ phát triển chiều rộng, chứ không phát triển chiều sâu.
Nghiêm trọng hơn, như tôi đã nói, GDP cũng không quan tâm nhiều tới các thành phần cơ cấu của nền kinh tế, vì vậy sẽ không đưa ra được cách nhìn nhận và đánh giá hợp lý với sự thay đổi ở cấu trúc nào, thành phần nào cho phù hợp. Đây là lý do, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, thậm chí không có được sự thay đổi nào trong nhiều năm qua. Thay vào đó, những tập trung ưu đãi lại tập trung cho FDI.
Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng rất khó để nói Việt Nam có thể thay đổi hay có thể sử dụng một cách tính nào khác để thay thế GDP trong hiện tại. Cái khó khăn lớn nhất chính là lợi ích và tham nhũng.
Sử dụng chỉ số GDP là cách dễ và nhanh nhất để có được thành tích, vì để tăng trưởng GDP rất đơn giản, chỉ cần đầu tư hạ tầng, đầu tư công trình, thậm chí các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hay trộm cắp… cũng đều là lý do có thể làm gia tăng GDP.
Hơn nữa, như đã nói rồi, cứ có dự án là có chia chác, có tham nhũng.