Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐàm luậnKích hoạt Brexit, Scotland tách khỏi Anh, nước Anh sẽ ra sao?

Kích hoạt Brexit, Scotland tách khỏi Anh, nước Anh sẽ ra sao?

Ngày 28/3, được sự đồng thuận của Chính phủ Anh, Thủ tướng Theresa May đã ký một bức thư lịch sử để kích hoạt tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), dự kiến kéo dài 2 năm, sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 năm 2016. Trong khi đó, Quốc hội Scotland hối hả thúc đẩy tiến trình tách khỏi Anh

Chính phủ Anh hôm nay sẽ chuyển bức thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon nhằm bắt đầu tiến trình đưa Anh rời Liên minh châu Âu sau 44 năm làm thành viên của liên minh này.

Trước đó, bà May đã có cuộc điện đàm với ông Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thông báo về sự kiện này.

Điều 50 cho phép cả hai bên có 2 năm để đi đến thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU. Vì vậy, nếu không có gì thay đổi và trừ khi hai bên nhất trí mở rộng hạn chót đàm phán, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019.

Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5/2017. Hai bên sẽ đàm phán về nhiều vấn đề như thương mại, các thỏa thuận an ninh xuyên biên giới, việc di chuyển các cơ quan EU có trụ sở tại Anh, sự đóng góp của Anh đối với lương hưu của các công chức EU và tất cả các vấn đề liên quan.

Vào sáng nay 29/3, Thủ tướng Theresa May sẽ chủ trì cuộc họp nội các, và sau đó sẽ có bài phát biểu trước quốc hội để khẳng định rằng quá trình để Anh rời EU sẽ đang được được tiếp tục.

Trong khi tiến hành Brexit, Quốc hội Scotland hối hả thúc đẩy tiến trình tách khỏi Anh. Dân trí Quốc hội Scotland đã sẵn sàng bỏ phiếu để kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Anh trong ngày 28/3 (theo giờ địa phương), tức chỉ cách một ngày trước khi chính phủ Anh chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon chấm dứt tư cách thành viên kéo dài 44 năm của Anh ở EU để bắt đầu tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Các nghị sĩ của quốc hội Scotland dự kiến sẽ bỏ phiếu ngay để ủng hộ kế hoạch của Thủ hiến Nicola Sturgeon nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Anh, bất chấp những nỗ lực ngăn cản của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm duy trì một Vương quốc Anh thống nhất.

Trước đó, bà Sturgeon, vào ngày 13/3, thủ lĩnh đảng Dân tộc Scotland (SNP), cho biết bà sẽ xin ủy quyền từ quốc hội Scotland nhằm đạt được thỏa thuận với chính phủ Anh về thủ tục để Scotland có thể tự tổ chức trưng cầu dân ý độc lập.

Sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội Scotland, Thủ hiến Sturgeon sẽ đưa ra đề nghị chính thức về việc tổ chức trưng cầu dân ý với chính phủ Anh, tuy nhiên theo quy định, bà cần có sự chấp thuận từ chính phủ cũng như quốc hội Anh để có thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này. Trong khi đó, Thủ tướng May từng tuyên bố hiện chưa phải thời điểm để Scotland trưng cầu dân ý tách khỏi Anh.

Với mục tiêu chặn đứng những lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý tại Scotland trước khi chính thức bắt đầu tiến trình đưa Anh rời khỏi EU, Thủ tướng May ngày 27/3 đã có chuyến thăm tới Scotland và gặp Thủ hiến Sturgeon.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của người đứng đầu chính phủ Anh, cả hai nhà lãnh đạo đều không sẵn lòng thỏa hiệp và cuộc gặp song phương không đạt được tiến triển đáng kể nào. Theo đó, bất đồng quan điểm giữa Scotland và Anh sẽ không thể chấm dứt trước khi Điều 50 chính thức được kích hoạt.

Trong một tuyên bố gần đây, Thủ hiến Sturgeon cho biết bà muốn cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland sẽ diễn ra vào cuối năm 2018 hoặc muộn nhất là vào đầu năm 2019, ngay trước khi Anh kết thúc quá trình đàm phán và chính thức từ bỏ tư cách thành viên của EU.

Nếu được chính phủ Anh chấp thuận thì đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý lần 2 của Scotland. Trước đó, Scotland từng tổ chức trưng cầu dân ý độc lập vào tháng 9/2014 với đa số phiếu phản đối. Cuộc trưng cầu dân ý tách Anh khỏi EU (Brexit) diễn ra vào tháng 6 năm ngoái đã làm dấy lên phong trào đòi độc lập tại Scotland.

Bà Sturgeon cho biết Scotland đã bị ép rời khỏi Liên minh châu Âu trong khi khu vực này vẫn muốn ở lại. Theo AFP, phần lớn người dân Scotland và Bắc Ireland đều bỏ phiếu chống lại Brexit, song số cử tri ở Anh và xứ Wales bỏ phiếu rời khỏi EU vẫn vượt trội hơn.

Chiến thắng của phe ủng hộ rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6/2016đã đẩy nước Anh vào một con đường phía trước đầy chông gai và bất ổn. Trong khi đó, EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử 59 năm của liên minh. Người ta đang lo ngại rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh có thể là điềm báo cho sự kết thúc của một liên minh từng được đánh giá là khối thành công nhất trong lịch sử thế giới.

Vậy nếu Anh rời khỏi EU, Scotland tách ra khỏi Anh, liệu nước Anh có còn được như trước đây?

 

RELATED ARTICLES

Tin mới