Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐiểm tinQuan hệ Nga-Mỹ không có cơ hội cải thiện và Trump nên...

Quan hệ Nga-Mỹ không có cơ hội cải thiện và Trump nên tránh xa Putin

Theo quan điểm của giáo sư Ian Bremmer từ Đại học New York, đăng trên tạp chí TIME, có 5 nhân tố làm cho mong muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ của Trump là bất khả thi.

Tướng Michael Flynn (trái) đã từ chức Cố vấn an ninh quốc gia do nghi vấn về quan hệ với Nga, và Jared
Kushner – con rể ông Trump – cũng đang vướng cáo buộc tương tự (Ảnh: Stephen Crowley/The New York Times)

Nga muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn có mối quan hệ tốt hơn với Putin. Nhưng có 5 lý do hàng đầu lý giải vì sao không ai nên mong đợi gì vào sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ.

NATO

Yêu cầu các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chi thêm tiền vào quốc phòng là một trong những đề xuất đối ngoại cứng rắn của Trump, và đó là một trong những đề xuất ít gây tranh cãi nhất, vì thực tế là chỉ 5 trong số 28 nước NATO đang đáp ứng được mục tiêu ngân sách quốc phòng lớn hơn 2% GDP là Mỹ, Hy Lạp, Anh, Estonia và Ba Lan.

Vấn đề là, nếu Trump yêu cầu các thành viên NATO chi thêm tiền, mà họ lại đồng ý, thì liên minh này sẽ trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu hơn. Trong khi đó, Nga lại chắc chắn không muốn NATO mạnh lên.

Nội các của Trump

Các nhân vật trong chính quyền Trump cũng sẽ hạn chế tiềm năng hợp tác an ninh Nga-Mỹ (mà mối hợp tác này lại là trung tâm của mọi sự “ấm lên” trong quan hệ hai nước), và thực tế hợp tác Nga-Mỹ trong lĩnh vực này vốn đã khá hạn chế.

Trong phiên điều trần hồi tháng 1 cho vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tướng về hưu James Mattis chỉ ra rằng, Nga và Tổng thống Vladimir Putin là một trong những mối đe dọa chủ yếu về địa chính trị đối với Mỹ hiện nay.

Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo cũng bắt đầu phiên điều trần cho vị trí của mình bằng việc chỉ trích sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Sự kiện cố vấn có xu hướng “thân Nga” của Trump, ông Michael Flynn phải từ chức chỉ 24 ngày sau khi đảm nhiệm chức vụ càng làm cho các cáo buộc “can thiệp” của Nga thêm phức tạp.

Người thay thế ông Flynn, tướng McMaster, từng gọi Nga là một “thế lực thù địch” tại một cuộc nói chuyện ở Học viện Quân sự Virginia vào tháng 11/2016.

Mối quan tâm của Trump đối với Kremlin cũng đã dẫn tới việc bổ nhiệm một học giả rất am hiểu Nga, đồng thời là một cựu nhân viên tình báo, Fiona Hill vào vị trí Giám đốc các vấn đề châu Âu và Nga tại Nhà Trắng.

Bà Hill đã viết một cuốn sách về tổng thống Nga với tựa đề “Ông Putin: Hoạt động trong Kremlin” vào năm 2013.

Có thể thấy, sau khi Nhà Trắng vướng vào hết cuộc khủng hoảng truyền thông này đến cuộc khủng hoảng truyền thông khác, Trump khó có thể “có uy lực lớn” với những nhân vật được kính trọng trên, làm cho triển vọng xây dựng mối quan hệ gần gũi Nga-Mỹ ngày càng xa vời.

Tình hình chính trị trong nước Nga

Ý thức được những điều trên, thái độ của các quan chức Nga đối với Nhà Trắng đang thay đổi. Mới đầu hình ảnh của Trump trên truyền thông Nga, chủ yếu là các kênh truyền hình (80% người Nga cập nhật tin tức qua truyền hình) khá tích cực.

Có thời điểm, Trump còn là nhân vật xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn tổng thống Putin. Ví dụ vào tháng 1/2017, Trump đã được nhắc tới 202.000 lần trên truyền thông chính thống Nga, trong khi đó Putin chỉ được nhắc tới gần 148.000 lần. Đó là lần đầu tiên trong vòng 6 năm, một nhân vật khác đã “vượt mặt” Putin trên truyền thông Nga như vậy.

Nhưng mọi thứ bắt đầu khác đi từ tháng 2/2017 – sau sự kiện Flynn từ chức, đồng thời Nhà Trắng phát đi các thông điệp rằng Trump mong Nga không leo thang vũ lực ở Ukraine và “trả lại Crimea cho Ukraine”.

Ông Flynn từ chức ngày 13/2. Trong khoảng thời gian từ ngày 5/2 đến ngày 19/2, số lần ông Trump được nhắc tới trên các chương trình TV quan trọng vào chủ nhật ở Nga đã giảm 88%.

Có lẽ Kremlin không thể tiếp tục ca ngợi Trump cũng như để công chúng mong đợi vào sự cải thiện quan hệ hai nước khi mà sự thật là sẽ chẳng có sự cải thiện nào.

Dầu mỏ

Tổng thống Trump là một người ủng hộ thúc đẩy khai thác dầu mỏ và quyết tâm xóa bỏ các quy định về môi trường hạn chế khai thác dầu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama. Đó là điều mà Nga thực sự không muốn xảy ra vào thời điểm này.

Nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ, mặt hàng mang lại 50% doanh thu của năm tài chính 2015 cho nước Nga. Chỉ một biến động nhỏ trong giá dầu cũng có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế của Nga.

Từ năm 2013 đến nay, Nga đã mất 40% GDP vì giá dầu giảm từ mức cao nhất 115 USD/thùng xuống khoảng 50 USD/thùng như hiện nay.

Nguồn cung dầu của thế giới đang thừa, tất nhiên thị trường sẽ điều tiết việc sản xuất của các công ty dầu mỏ Mỹ, nhưng các chính sách đề cao việc khai thác dầu mỏ của Trump có thể thúc đẩy sản xuất và làm giảm giá dầu.

Đây là một lời nhắc nhở rất hiệu quả rằng, mặc dù Trump và Putin có thể ngưỡng mộ nhau và muốn có mối quan hệ Nga-Mỹ ấm hơn, nhưng những lợi ích quốc gia khác nhau vẫn là điều quan trọng.

Các yếu tố bất ngờ khác

Những câu hỏi về “vai trò của Nga” trong bầu cử Mỹ sẽ không biến mất. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey mới khẳng định rằng họ đang điều tra khả năng can thiệp của Nga, cũng như điều tra sự hợp tác giữa tình báo Nga và các nhân vật trong chiến dịch tranh cử của Trump.

Nhà Trắng vẫn phủ nhận tất cả và đổ lỗi cho những thông tin rò rỉ không hợp pháp cùng một giới truyền thông thiên vị.

“Có thể Nhà Trắng đúng, nhưng chúng ta nhớ rằng, trong các vụ hỏa hoạn, người ta chẳng chết vì lửa, mà chủ yếu bị đánh gục bởi khói,” giáo sư Ian Bremmer viết.

Theo ông Bremmer, việc Trump có mối quan hệ tốt hơn với Putin chỉ làm cho tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Mỹ xuống thấp hơn nữa, dù nó đang ở mức thấp kỷ lục là 37%.

“Bạn không thể luôn luôn đạt được những điều mình muốn, nhưng bạn sẽ luôn đạt được điều mình cần, và trong trường hợp của Trump, dù Trump có biết hay không, đó là cần tránh xa khỏi Putin.”

RELATED ARTICLES

Tin mới