Giới phân tích nhận định nếu một nhà lãnh đạo Mỹ dám đương đầu thử thách khi lựa chọn phương án tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, thì đó rất có thể là Tổng thống Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ở giữa, đeo kính) từng cảnh báo biến
Mỹ thành “tro bụi” nếu như Washington có ý định tấn công Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo “sự kiên nhẫn chiến lược” của Washington với Triều Tiên đã chấm dứt và mọi phương án nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn đang trên bàn thảo luận, quân đội Mỹ – Hàn đã bắt đầu chuẩn bị các kịch bản chiến tranh với Triều Tiên.
Hiện tại, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận chung và dự kiến kết thúc vào cuối tháng Tư tới. Những cuộc diễn tập như thế này đã được tiến hành kể từ sau khi cuộc chiến liên Triều kết thúc vào năm 1953. Trong những năm gần đây, các cuộc tập trận này có quy mô ngày càng lớn hơn.
Theo Reuters, có thể nói, mỗi đời Tổng thống Mỹ mà cụ thể là kể từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton, Washington đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó với chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong đó, phương án tấn công quân sự cũng đã được tính đến.
Song tấn công quân sự được xem là một trong những phương án tồi tệ nhất bởi nó không chỉ kích động sự trả thù từ Triều Tiên mà còn đẩy bán đảo Triều Tiên và có thể là cả một khu vực rộng hơn rơi vào cảnh xung đột đẫm máu. Thậm chí, chiến tranh với Triều Tiên đồng nghĩa với việc có thể Mỹ sẽ phải chiến đấu với cả Trung Quốc.
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp cho tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, nhiều chuyên gia cho rằng viễn cảnh Mỹ tổ chức tấn công Triều Tiên đang gần hơn bao giờ hết. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định sẽ không để Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân tấn công lãnh thổ Mỹ.
Reuters nhận định nếu ông Trump ra lệnh tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, hành động này cũng mới chỉ có thể làm chậm tiến trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng song nó lại kích động sự trả thù mạnh mẽ từ Triều Tiên.
Nhiều người cho rằng thay vì phát động chiến tranh, Mỹ có thể sẽ đưa ra thêm một số biện pháp trừng phạt kinh tế hay tấn công mạng để ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm tên lửa.
Sự xuất hiện của các bộ phận đầu tiên thuộc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đưa tới Hàn Quốc cũng đã phần nào khiến Seoul cảm thấy yên lòng trước mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên. Nhưng hiệu quả hoạt động của THAAD như thế nào thì tới nay chưa được kiểm chứng. Và nếu Mỹ chọn giải pháp mạnh tay hơn như tấn công quân sự thì khả năng Washington sẽ cho ném bom liên tiếp vào các cơ sở quốc phòng của Triều Tiên.
Reuters cho rằng tất cả những hành động trên dường như vẫn không thể phá hủy tham vọng hạt nhân của Triều Tiên mà chỉ có thể làm chậm tiến độ. Thay vào đó, Mỹ nên tập trung vào ngăn chặn một số chương trình phát triển vũ khí tham vọng của Bình Nhưỡng như dùng tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo.
Còn theo giới chuyên gia, ngoài sự trả thù từ Bình Nhưỡng, cuộc chiến mà Mỹ phát động nhằm vào Triều Tiên sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Theo đó, Triều Tiên sẽ dùng tên lửa tấn công Nhật Bản và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực như ở đảo Guam đồng thời tiêu diệt hàng rào pháo binh của Hàn Quốc. Một số chuyên gia còn nhận định Triều Tiên có thể bắn 500.000 phát đạn sang thủ đô Seoul trong vòng một giờ đồng hồ. Thậm chí, nếu Triều Tiên đã hoàn thành phát triển rocket và làm chủ công nghệ tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa đạn đạo liên lục địa, mục tiêu mà Bình Nhưỡng tấn công chắc chắn sẽ là Nhật Bản.
Đây chính là lý do, trong những năm qua, quân đội Mỹ – Hàn đã tập trung tiến hành đào tạo lực lượng thực hiện các cuộc tấn công phá vỡ thế phòng thủ của Triều Tiên thông qua vùng phi quân sự. Tuy nhiên, những kế hoạch tấn công như trên chưa từng được Mỹ hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới sử dụng trong giai đoạn lịch sử gần đây. Trong khi đó, nếu tấn công Triều Tiên, liên minh quân đội của Mỹ sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ địa hình núi hiểm trở cho tới mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, sinh học và phóng xạ.
Gần đây, hãng tin Yonhap cho hay cuộc tập trận Mỹ – Hàn năm nay còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của biệt đội SEAL, lực lượng tiến hành vụ truy sát trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011. Hiện biệt đội SEAL đang phối hợp với các đối tác Hàn Quốc diễn tập tấn công vào trụ sở của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích nhận định nếu một nhà lãnh đạo Mỹ dám đương đầu thử thách khi lựa chọn phương án tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, thì đó rất có thể là ông Trump.