Ngày 29.3, EU và Anh đã bắt đầu tiến trình đàm phán để nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), theo dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.
Anh chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán để rút khỏi EU.
Theo AFP, đích thân Đại sứ Anh tại EU đã trao thư của Thủ tướng Theresa May cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về việc rời Brexit. Ngay sau khi ông Tusk nhận thư, điều khoản 50 của Hiến chương châu Âu đã lập tức được áp dụng để London từng bước rút khỏi EU, thể theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23.6.2016.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, bà May kêu gọi các nghị sĩ và người dân nước này “đoàn kết” để đạt được “thỏa thuận tốt nhất”, vì sau thời khắc lịch sử của Brexit, các bên không thể thoái lui.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định: “Không có lý do nào để xem đây là một ngày hạnh phúc, đối với EU hay với Anh”. Ông Tusk nhấn mạnh rằng gần một nửa số cử tri Anh (48%) đã chọn ở lại liên minh khu vực. Ngược lại, EU cũng mất đi một trong những thành viên quan trọng nhất.
Báo Le Monde dẫn lời Bộ trưởng Anh chuyên trách Brexit David Davis thừa nhận rằng cuộc đàm phán sắp tới giữa London với EU “phức tạp không thể tưởng tượng, có lẽ là phức tạp nhất trong lịch sử”. Nhận định này được nhiều chuyên gia đồng tình, hầu hết cho rằng 2 năm có thể không đủ để đạt được thỏa thuận sau cùng.
Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý tại Anh vào tháng 6.2016, EU cũng nhanh chóng chỉ định nhà ngoại giao kỳ cựu người Bỉ Didier Seeuws đứng đầu “Lực lượng phản ứng Brexit”. “Lực lượng” này sẽ chuyên trách toàn bộ việc đàm phán với Anh dựa trên điều khoản 50 của Hiến chương châu Âu.
Hai bên sẽ phải xem xét lại toàn bộ các hiệp ước, sắc lệnh, luật lệ kể từ khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU) vào năm 1973 trên đủ mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng…
Một trong nhiều phần phải điều đình là tương lai của khoảng 40 hiệp định tự do thương mại mà EU đã ký kết khi London vẫn còn là thành viên. Brexit sẽ dẫn đến nhiều rắc rối cho các hiệp định này.
Đơn cử là trường hợp Thụy Sĩ. London là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Berne. Hằng ngày có khoảng 150 chuyến bay giữa Anh và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, việc trao đổi thương mại giữa hai nước lâu nay được thuận lợi nhờ vào nhiều thỏa thuận giữa EU và Thụy Sĩ: miễn thị thực; hợp tác về nông nghiệp, công nghiệp, nghiên cứu khoa học; chế độ thuế quan ưu đãi… Một khi Brexit hoàn tất, Anh sẽ phải nhanh chóng đàm phán lại toàn bộ những thỏa thuận nói trên với Thụy Sĩ để việc giao thương giữa hai nước không bị cản trở về mặt pháp lý.